Hàng loạt doanh nghiệp nghìn tỷ chính thức về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

Đây là những doanh nghiệp lớn giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng thuộc các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
NHÂN HÀ
12, Tháng 11, 2018 | 23:10

Đây là những doanh nghiệp lớn giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng thuộc các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), Bộ Tài chính và Bộ Công thương.

_ANT8321 copy

Lễ bàn giao 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tới nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các doanh nghiệp trực thuộc về Uỷ ban xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp.

Nhưng không vì vậy mà vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước, được quy định tại Điều 8 của Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, việc tách bạch 2 chức năng trên cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.

Bộ TT&TT chỉ có 2 doanh nghiệp bàn giao nhưng Phó Thủ tướng cho rằng đây đều là 2 doanh nghiệp lớn có tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là VNPT có quy mô tổng tài sản 95.633 tỷ đồng (vốn Nhà nước là trên 72.000 tỷ đồng), còn Mobifone là 32.538 tỷ đồng (vốn Nhà nước là 15.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Mobifone đang bị chậm lại quá trình cổ phần hoá do vướng mắc trong vụ mua lại kênh truyền hình An Viên. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban phối hợp với các bên thực hiện dứt điểm hạch toán khi trả lại kênh truyền hình này, kiểm kê, đánh giá lại tài sản và nhận bàn giao vốn chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc tập hợp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn “về” 1 đơn vị quản lý sẽ tạo nên 1 sức mạnh rất lớn cho đất nước và các DNNN, trong đó có VNPT và Mobifone.

vecong-trum-duong-cao-toc-viet-nam-lon-co-nao

Các doanh nghiệp ngành giao thông có cơ quan chủ quản mới

Cũng trong ngày ngày 12/11, Bộ GTVT chính thức chuyển giao 5 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Cụ thể, Bộ GTVT bàn giao về Ủy ban QLVNN Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam;  Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên và Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên.

Tổng vốn điều lệ của 5 đơn vị kể trên là khoảng 49 nghìn tỷ VNĐ, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hơn 46,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương đúng.

“Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay. Các tổng công ty nhà nước sẽ hoạt động tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất”, ông Thể cho biết.

photo1538187505955-15381875059551383974923

SCIC về Ủy ban vốn Nhà nước

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đã bàn giao SCIC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Theo đó, Bộ Tài chính tổ chức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban).

Các nội dung bàn giao lần này, gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

Hiện nay, SCIC là cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Vinaconex, Vinamilk, Nhựa Tiền Phong...

Trước đó, Bộ Công Thương cũng bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty với số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng về Siêu ủy ban gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ