Hàng không Việt: Từ vị thế 'người khổng lồ' rơi vào cơn bĩ cực

Nhàđầutư
Các doanh nghiệp hàng không đang từ vị thế những người khổng lồ bỗng rơi vào trạng thái "rơi tự do" và cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ phía Chính phủ.
ANH PHONG
20, Tháng 04, 2020 | 07:40

Nhàđầutư
Các doanh nghiệp hàng không đang từ vị thế những người khổng lồ bỗng rơi vào trạng thái "rơi tự do" và cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ phía Chính phủ.

Rơi tự do

Đại dịch COVID-19 đã khiến các hãng hàng không rơi vào cơn bĩ cực. Theo tính toán mới nhất của các hãng hàng không Việt Nam, năm nay doanh thu của các hãng sẽ giảm đến 36%, tương đương 65.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 30.000 tỷ đồng như dự tính được đưa ra vào cuối tháng 3. Nếu không có các giải pháp cứu trợ và hỗ trợ kịp thời, đủ mạnh từ phía Chính phủ, các hãng này khó thoát khỏi tình trạng hấp hối.

nhadautu - hang khong vie

Hơn 200 tàu bay của các hãng phải nằm "đắp chiếu" gần 2 tháng qua.

Trong năm 2019, ngành hàng không Việt Nam vận chuyển 116 triệu lượt khách. Các hãng hàng không (Vietnam Airlines; Vietjet; Bamboo Airways) trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp thuế, phí khoảng 22.000 tỷ đồng trong năm 2019.

Từ tháng 2 năm nay, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành kinh tế quan trọng này, đặc biệt là lệnh dừng bay quốc tế cũng như hạn chế tối đa các đường bay nội địa. 200 tàu bay chịu cảnh “đắp chiếu” đồng nghĩa với 98% công suất ngành phải tạm dừng. Tất cả các hãng lâm vào tình trạng “rơi tự do”.

Không chỉ doanh thu suy giảm, khó khăn càng chồng chất khi dòng tiền bị đóng băng, mất tính thanh khoản. Trong khi đó, tiền thuê máy bay vẫn phải chi trả, ước tính trong những ngày bị dừng bay, các hãng hàng không Việt thiệt hại hơn 50 triệu USD/tháng chỉ riêng cho khoản này.

Theo lãnh đạo các hãng hàng không, để cứu mình, họ đã làm mọi thứ có thể, cắt giảm mọi thứ, từ lương, nhân sự đến các khoản chi nhỏ nhất như chi phí văn phòng phẩm. Việc còn lại là trông chờ Chính phủ hỗ trợ phần nào, như các quốc gia khác đang hỗ trợ ngành hàng không.

Các nước hỗ trợ thế nào?

Lệnh cấm đi lại và đóng cửa biên giới khắp toàn cầu đã khiến nhiều hãng hàng không quốc tế ngừng bay hoàn toàn hoặc thực hiện các chuyến bay rỗng để giữ slot bay. Trong số các hãng ngừng bay hoàn toàn có cả những ông lớn hàng không thế giới như Emirates, Etihad Airways ở Trung Đông, Ryanair ở châu Âu, các hãng hàng không quốc gia như Philippines Airlines, LOT Polish Airlines, Royal Air Maroc…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước đã đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giải cứu ngành hàng không. Ở Mỹ, gói cứu trợ các hãng hàng không được phân bổ vào phần 500 tỷ USD dành để hỗ trợ vay cho các tập đoàn lớn trong gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD để đối phó với đại dịch COVID-19. Trước mắt các hãng hàng không chở khách được nhận 25 tỷ USD, các hãng hàng không chở hàng được nhận 4 tỷ USD, các nhà thầu phục vụ ngành hàng không được nhận 3 tỷ USD. Số tiền này bao gồm tiền trợ cấp và vay ưu đãi có thời hạn không quá 5 năm.

Tại châu Âu, Quốc hội Na Uy đã thông qua gói cứu trợ cho các hãng hàng không nước này bằng khoản vay ưu đãi trị giá 550 triệu USD. Bộ trưởng Công nghiệp Na Uy Iselin Nybo cho biết: “Đây là khoảng thời gian khó khăn cho công nghiệp hàng không nhưng chúng tôi tin rằng gói hỗ trợ sẽ giúp họ vượt qua”.

Tại châu Đại Dương, hãng hàng không Air New Zealand đã nhận được khoản vay ưu đãi  trị giá 530 triệu USD trong hai năm từ chính phủ để khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Tài chính nước này Grant Robertson cho biết, nếu không có sự can thiệp khẩn cấp này thì đất nước New Zealand có nguy cơ không còn hãng hàng không quốc gia.

Còn tại Australia, ngành hàng không xứ chuột túi sẽ nhận gói cứu trợ trị giá 715 triệu USD bên cạnh việc chính phủ miễn giảm một loạt các loại phí như phí xăng dầu, phí an ninh, phí dịch vụ nội địa… để hỗ trợ ngành vượt qua khó khăn do đại dịch.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore vừa tung gói cứu trợ thứ hai trị giá 33 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế, nâng tổng số tiền giải cứu lên hơn 37 tỷ USD, bằng 11% GDP nước này. Các hãng hành không, doanh nghiệp và người dân nước này được miễn thuế tài sản, hoãn thu phí, lệ phí trong 1 năm, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp…

Thái Lan sau khi giảm 96% thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ cũng đã dành một phần trong gói kích thích kinh tế 12,7 tỷ USD để hỗ trợ cho các hãng hàng không.

Hàng không Việt đang cần gì?

Trước khó khăn, thiệt hại của ngành hàng không, Bộ GTVT đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong 1 năm, trường hợp ngân sách khó khăn thì giảm 50%. Bộ GTVT cũng đề xuất giảm, giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài... của các hãng hàng không trong giai đoạn bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19.

Bộ cũng giao Cục hàng không khẩn trương sửa đổi, bổ sung thông tư 53/2019 để giảm giá, khung giá một số dịch vụ hàng không, như giảm 50% phí cất hạ cánh, phí điều hành bay…

Đại diện một hãng hàng không cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ nói trên, điều các hãng hàng không mong muốn hiện nay là được miễn hoặc giảm 70% đối với phí cất hạ cánh, phí điều hành bay trong 1 năm và được miễn phí bãi đỗ trong cả năm 2020.

Đồng thời, để kích cầu nội địa khi hết dịch, vị đại diện trên đề nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng. Hiện, loại phí này đang lên tới trên 10.000 tỷ đồng/năm…

Tuy nhiên, đến nay, các hãng hàng không chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ những đề xuất nói trên. Ngay cả việc miễn, giảm phí dịch vụ thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Cảng hàng không, đơn vị này cũng chưa hỗ trợ thực chất như hãng và dư luận đã lên tiếng. Để ngành hàng không vượt qua cơn bĩ cực, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ kịp thời và hợp lý của Chính phủ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tái cất cánh khi đại dịch COVID-19 đi qua.

Theo PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), hàng không là ngành quan trọng của mỗi nền kinh tế, không phải ngẫu nhiên mà các chính phủ chi lớn, ưu tiên giải cứu hàng không trong đại dịch này. Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ và Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí… để hỗ trợ hàng không giảm bớt khó khăn. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ