[Góc nhìn chuyên gia] Hạn chế bán tháo và sử dụng margin

Nhàđầutư
Dù chỉ số Dow – Jones của Hoa Kỳ trong phiên giao dịch cuối tuần đã đóng cửa ở mức 25.340 điểm, tương đương tăng 1,15%, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá xu hướng của VN-Index vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn.
HÓA KHOA
15, Tháng 10, 2018 | 06:58

Nhàđầutư
Dù chỉ số Dow – Jones của Hoa Kỳ trong phiên giao dịch cuối tuần đã đóng cửa ở mức 25.340 điểm, tương đương tăng 1,15%, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá xu hướng của VN-Index vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn.

nhadautu - TTCK Vietnam dien bien bat dinh

 

Cú sập bất ngờ của VN-Index trong phiên giao dịch 11/10 khi giảm đến 4,84% đã gây hoảng loạn với những nhà đầu tư có danh mục tỷ trọng lớn là cổ phiếu. Mặc dù phiên 12/10 của VN-Index ghi nhận tăng trưởng 2,55%, tương đương 24,19 điểm đạt 970,08 điểm, nhưng các chuyên gia chứng khoán vẫn đánh giá cẩn trọng về xu hướng của thị trường trong tuần giao dịch tới.

1. Cú sập bất ngờ của thị trường trong phiên giao dịch 11/10 được nhiều nhà đầu tư lý giải do chỉ số Dow-Jones giảm mạnh, tuy vậy khi Dow-Jones ở phiên sau đó tiếp tục giảm mạnh thì VN-Index phục hồi lại gần một nửa số điểm thiệt hại. Theo ông, thực sự Dow-Jones có tác động tiêu cực đến TTCK Việt?

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám Đốc Tư Vấn Khách Hàng Cá Nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt: Tôi nghĩ là có. Chỉ số Dow-Jones giảm phiên 11/10 là 1 phiên bất thường nếu nhìn ở điểm số, nhưng nó là 1 phiên giảm kéo dài kể từ cuối tháng 9 đến nay, điều đó cho thấy TTCK Mỹ đang phản ánh điều gi đó xấu đi liên quan đến triển vọng kinh tế nước này. Đối với TTCK Việt Nam, về tâm lý là chịu ảnh hưởng, vì đơn giản cả thế giới chịu ảnh hưởng.

Việc VN-Index tăng điểm mạnh trở lại ngay phiên 12/10 một phần là do yếu tố cộng hưởng từ diễn biến hồi phục ở các TTCK chấu Á diễn ra cùng giờ. Ngoài ra, về chỉ báo kỹ thuật thì nó là 1 cú “bật” do thanh khoản khủng trong chính phiên 11/10. Tuy nhiên, cú bật này cũng chưa thể nói trước được điều gì tích cực. Nếu NĐT nhìn lại 1 số phiên giảm rồi bật mạnh cuối tháng 4, giữa tháng 6 hay đầu tháng 7 thì thấy diễn biến sau đó cũng xấu đi. Chỉ riêng cú bật cuối tháng 5 là khiến VN-Index tăng gần cả chục phiên sau đó.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Yuanta Việt Nam: Tâm lý là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK, điều này có thể thấy khi TTCK Hoa Kỳ giảm mạnh, các TT khác trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng theo, không riêng gì Việt Nam. Cần nhớ, trong ngày 11/10 khi VN-Index giảm rất mạnh, Cục Thống Kê đã công bố thông tin tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng tính từ đầu năm 2018 đạt 352,61 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 42,44 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 9 tháng xuất siêu đạt hơn 6,3 tỷ USD.

Ngoài ra, cần phải kể đến tác động từ dòng tiền của khối ngoại khi nhóm này “đè” nhau ra bán.

Về mặt thông tin, khó có thể khẳng định các thông tin cụ thể nào tác động đến thị trường, bởi lẽ các thông tin như chiến tranh thương mại, FED tăng lãi suất,… đều đã xuất hiện.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam: Thực sự là tôi đánh giá là có ảnh hưởng, và không chỉ TTCK Việt Nam, TTCK toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ TTCK Mỹ.

Tuy nhiên, yếu tố tác động mạnh nhất là giao dịch của khối ngoại trong thời gian gần đây, cụ thể khối ngoại đã bán hơn 2.000 tỷ trong 7 phiên giao dịch và tập trung vào các mã vốn hóa lớn như VIC, MSN, VCB, BID,..

Do đó, có thể khẳng định các động thái của khối ngoại mới là xu thế nhất tới TTCK.

Nên nhớ, chứng khoán Hoa Kỳ đang ở thời kỳ cao nhất mọi thời đại, do đó giá trị vốn sử dụng margin cũng ở mức cao nhất. Động thái của FED trong việc tăng lãi suất khiến TTCK không ổn định và do đó đã đẩy dòng vốn rút ra rất mạnh, dẫn đến động thái chốt lời khá mạnh. Điều này có thể thấy việc bán ra ở hai phiên cuối tuần rất dứt khoát.

Tuy vậy cũng cần nhìn nhận, kinh tế Mỹ đang ở trạng thái mạnh nhất 7-8 năm trở lại đây, sự tăng trưởng từ yếu tố nội tại có thể thúc đẩy đà tăng trưởng của TTCK quốc tế.

Ông Vũ Xuân Hiệu - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Trí Việt: Theo bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa thì việc thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Mỹ, mà chỉ số đại diện là Dow-Jones là không thể tránh khỏi.

Cú sập bất ngờ của chỉ số Dow-Jones ngày 11/10 đã khiến thị trường chứng khoán các nước Châu Á nói chung đều giảm mạnh và thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/10 giảm mạnh hơn 50 điểm. Mức điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/10 là quá lớn trong lịch sử thị trường khi hàng loạt các cổ phiếu Bluechips dư bán sàn vào cuối phiên giao dịch.

Vì vậy ngày sau đó mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhưng không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam và cả thị trường chứng khoán Châu Á đồng loạt phục hồi mạnh sau phiên giảm quá mạnh trước đó. Có thể thấy đóng cửa tuần giao dịch 8-12/10 các thị trường chứng khoán lớn và Việt Nam đều đóng cửa giảm 3-5% so với chỉ số mở cửa đầu tuần.

2. Việc TTCK hồi phục lại ngay trong phiên 12/10 là điều dễ hiểu khi có lượng tiền bắt đáy lớn, tuy vậy xu hướng của thị trường trong thời gian tới liệu có thực sự đảm bảo?

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám Đốc Tư Vấn Khách Hàng Cá Nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt: Như tôi đã nói ở trên, cú bật 12/10 không đảm bảo rằng chỉ số sẽ còn đi lên. Tức là nếu TTCK Mỹ tiếp tục có 1 phiên giảm mạnh, hay trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mở rộng có thêm 1 diễn biến tiêu cực nào, thì VN-Index sẽ có thể giảm. Lúc này TTCK Viêt Nam đang bước vào mùa công bố BCTC quý 3, vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực, tuy nhiên có vẻ như tin xấu từ thế giới bên ngoài có sự nặng lớn hơn lên thị trường chúng ta.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Yuanta Việt Nam: Xu hướng tăng điểm của thị trường trong thời gian tới chưa được đảm bảo và cần một vài phiên để xác nhận. Một điểm tích cực là khi thị trường giảm mạnh về mặt tâm lý và không đến từ lý do cụ thể, TTCK sẽ hồi phục lại rất nhanh. Theo đánh giá của tôi, nhà đầu tư cần quan sát động thái của TTCK Hoa Kỳ để nhìn về TTCK Việt.

Chỉ số Dow-Hones đã có đợt biến động mạnh từ hồi đầu năm 2018 khi giảm về đường MA200 và dần hồi phục lại. Diễn biến tương tự ở lần giảm điểm gần đây của chỉ số này khi một lần nữa trở về dây MA200. Có thể nói, đường MA200 có ảnh hưởng quan trọng với Dow -Jones.

Về TTCK Việt Nam, tuần tới có thể là tuần thị trường phục hồi và tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn khi nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu quá nhiều – một phần có thể đến từ lượng margin bị cắt ở một số Công ty Chứng khoán.

Tôi kỳ vọng, TTCK không về vùng 940 điểm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam: TTCK có sự hồi phục ngay sau phiên giao dịch suy giảm quá đà, thực chất chưa thể xác định đáy ngắn hạn.Phiên 11/10 giảm mạnh ghi nhận mức thanh khoản rất lớn, do đó phiên giao dịch thứ ba tới khá quan trọng, vì đây là ngày lượng hàng hôm 11/10 về và có thể sẽ tác động tới thị trường. 

VN-Index hiện tại đang khá gần hỗ trợ mạnh 900 – 920 điểm.

Ông Vũ Xuân Hiệu - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Trí Việt: Với xu thế dòng tiền lớn bắt đáy ngày 11 và 12/10 thì thị trường trong tuần giao dịch 15-19/10 sẽ ổn định và tôi đánh giá sẽ bảo đảm được chỉ số giao dịch ổn định ở vùng 945 – 985 điểm.

3. Trong bối cảnh GDP Việt Nam năm 2018 được dự báo tăng trưởng tốt, nhiều bluechip tiếp tục được nhận định sẽ có KQKD quý III/2018 tốt, ông có nghĩ mức giảm điểm của VN-Index tuần qua phải chăng quá vô lý?

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám Đốc Tư Vấn Khách Hàng Cá Nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt: Tôi nghĩ không. Về mặt định giá, P/E Việt Nam đâu có quá rẻ. Nhìn ra các thị trường mới nổi trên thế giới hay ở châu Á, Việt Nam không hẳn là rẻ “vượt trội”. Đồng thời NĐT ai cũng hiểu thị trường có lên nhờ hưng phấn thái quá thì cũng có xuống do sợ hãi thái quá. Tin tức từ mùa BCTC Q3 dĩ nhiên là tốt, và nó giúp cổ phiếu rẻ hơn, nhìn từ góc độ P/E với EPS được cập nhật mới (đến Q3 thay vì chỉ đến Q2). Tuy nhiên, thị trường VN đang dao động mạnh do e ngại với bất ổn kinh tế thế giới bên ngoài, nên còn hơi sớm để nhiều người cùng để ý chuyện đắt rẻ, trừ tổ chức, mà ở đây là quỹ.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Yuanta Việt Nam: Mức giảm bán về mặt tâm lý và đây chỉ là sự hoảng loạn nhất định từ phía các nhà đầu tư. Cũng khó thể gọi là vô lý vì TT thường bị ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố tâm lý.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam:  Sự suy giảm có thể quá đà. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể giải ngân mua cổ phiếu có KQKD tốt tại quanh vùng 950 – 920.

Ông Vũ Xuân Hiệu - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Trí Việt: Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam có nền tảng vĩ mô trong nước tốt, GDP Việt Nam năm 2018 được dự báo tăng trưởng tốt, nhiều bluechip tiếp tục được nhận định sẽ có kết quả kinh doanh quý III/2018 tốt, tuy nhiên những lo ngại về tình hình tài chính thế giới là khó tránh khỏi khi Fed liên tục tăng lãi suất trong 6 tháng qua và  cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng. Vì vậy mức giảm điểm trong tuần qua tuy quá sốc với nhà đầu tư vì chỉ trong 1 phiên VN - Index giảm 50 điểm nhưng nếu nhìn rộng  ra thì đây vẫn đang là vùng giao dịch điều chỉnh của VN-Index khi VN-Index đã tăng từ đáy 885 điểm trong tháng 7 tới 1025 điểm trong đầu tháng 10.

4. Trong tuần giao dịch sau, ông đánh giá nhà đầu tư nên giao dịch theo chiến lược nào?

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám Đốc Tư Vấn Khách Hàng Cá Nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt: Theo dõi, nghe ngóng và đừng xài margin, đó là ý kiến của tôi đối với những ai lướt sóng. Nếu đầu tư, xin qua sàn phái sinh, ở đó NĐT được bán khống nếu thị trường xấu (không phải ngồi im nhưng sàn chứng khoán sơ sở), có thể cắt vị thế ngay lập tức nếu đoán sai (không kẹt hàng T3 như sàn chứng khoán cơ sở). Đầu tư thì xem xét mà nắm giữ, nếu doanh nghiệp có tiềm năng đạt kết quả quý 3 tốt và định giá còn khá thấp. Mặc kệ yếu tố dao động giá cổ phiếu trong lúc này, vì khi gió bão tan thì cổ phiếu sẽ lại tăng theo triển vọng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Yuanta Việt Nam: Theo quan điểm của tôi, TTCK tuần sau sẽ hồi phục, nhưng chưa khẳng định được xu hướng, do đó nhà đầu tư nên hạn chế bán trong các nhịp giảm, các nhịp tăng của TTCK sẽ đẩy VN-Index về vùng 990 điểm, trong những phiên này, nhà đầu tư nên hạ tỷ lệ đòn bẩy về mức thấp khi trạng thái tiêu cực vẫn còn.

Nhà đầu tư cũng có thể mở vị thế mua, nhưng không dành cho những người ưa chuộng sự an toàn. Với nhà đầu tư lướt sóng, có thể giải ngân với tỷ trọng 10% - 20%.

Nếu VN-Index vượt 980 - 990, nhà đầu tư có thể giải ngân vị thế ở vùng giá an toàn hơn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam:  Đối với ai tỷ trọng tiền mặt cao, nên quan sát và chọn thời điểm chỉ số chạm về vùng hỗ trợ mạnh để giải ngân.

Với nhà đầu tư vẫn nắm cổ phiếu và tỷ trọng lớn nên bình tĩnh quan sát thị trường, sự ổn định sẽ sớm trở lại, quyết định đầu tư sẽ sớm hơn, tránh việc bán cổ phiếu.

Ông Vũ Xuân Hiệu - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Trí Việt: Tuần tới tôi đánh giá thị trường sẽ dao động ở vùng 945-980. Nhà đầu tư có thể chờ những phiên thị trường điều chỉnh về vùng 945-955 để giải ngân những cổ phiếu Bluechip thể hiện rõ sức cầu mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/10 và chốt lời ở vùng 980 điểm. Trong đầu tư có câu nói “ Khi thủy chiều xuống sẽ rõ kẻ mạnh”, phiên 11/10 thị trường giảm 50 điểm, nhà đầu tư hoảng loạn, những cổ phiếu Bluechip đóng cửa dư mua giá sàn hoặc trên giá sàn là những cổ phiếu có “ dòng tiền thông minh” tham gia, đó là những cổ phiếu Bluechip tôi đánh giá cao trong tuần tới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ