[Gặp gỡ thứ Tư] 'VNX dự kiến hoạt động vào quý IV/2021'

Nhàđầutư
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) cho biết VNX dự kiến hoạt động vào quý IV/2021, thị trường trái phiếu chậm nhất đến hết năm 2022 do HNX phụ trách, trong khi HOSE vận hành thị trường cổ phiếu chậm nhất cuối tháng 6/2025.
LINH LAN
12, Tháng 05, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) cho biết VNX dự kiến hoạt động vào quý IV/2021, thị trường trái phiếu chậm nhất đến hết năm 2022 do HNX phụ trách, trong khi HOSE vận hành thị trường cổ phiếu chậm nhất cuối tháng 6/2025.

so-giao-dich-chung-khoan-viet-nam-phai-do-nha-nuoc-nam-100-von-140918

Ảnh: Internet.

Thủ tướng Chính phủ vào ngày 7/1/2019 đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTG phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

Việc thành lập VNX được thực hiện theo lộ trình nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường vẫn ổn định, liên tục. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2019-2020) vẫn duy trì hoạt động như hiện nay tại HNX và HOSE, đồng thời thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động của SGDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HOSE, hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin.

Trong giai đoạn 2 (từ năm 2020-2023), đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường đi vào hoạt động, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường. Dự kiến toàn bộ thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) và tạo dựng TTCK phái sinh.

Để làm rõ hơn về lộ trình sắp xếp các thị trường, cũng như các vấn đề liên quan, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN.

2h6a5597-1006

Bà Tạ Thanh Bình.

Theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GDCK Hà Nội (HNX) phụ trách vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu và Sở GDCK TP.HCM (HOSE) phụ trách thị trường cổ phiếu. Vậy xin bà cho biết lộ trình sắp xếp các thị trường này hiện giờ như thế nào, khi nào HNX và HOSE có thể đi vào vận hành với tư cách là thành viên của Sở GDCK Việt Nam (VNX)?

Bà Tạ Thanh Bình: Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VNX, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2021. Để VNX có thể được tổ chức và đi vào hoạt động chính thức, Bộ Tài chính đang chỉ đạo VNX và các đơn vị liên quan tích cực triển khai các công việc về công tác tổ chức, xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNX. Dự kiến VNX có thể đi vào hoạt động từ quý IV/2021, khi đó HNX và HOSE sẽ vẫn tiếp tục duy trì các thị trường giao dịch chứng khoán đã tổ chức, vận hành như hiện tại cho đến khi thực hiện sắp xếp lại theo lộ trình do Bộ Tài chính quy định.

UBCKNN được giao nhiệm vụ xây dựng Thông tư quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác để trình Bộ Tài chính ban hành. Hiện nay, dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến một số đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi thực hiện các trình tự để ban hành. Theo nội dung dự thảo, chậm nhất đến hết năm 2022 thị trường giao dịch trái phiếu do HNX thống nhất tổ chức và chậm nhất đến hết tháng 6/2025 thị trường giao dịch cổ phiếu do HOSE thống nhất tổ chức.

PV: Bà có thể làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của VNX, HNX và HOSE, cũng như vai trò của cơ quan quản lý là UBCKNN khi VNX đi vào hoạt động?

Bà Tạ Thanh Bình: Việc thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE nhằm tập trung vào chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của TTCK trong phát triển kinh tế. VNX (công ty mẹ) thực hiện quản lý các công ty con của VNX theo quy định pháp luật và Điều lệ hoạt động của VNX và thực hiện một số chức năng mang tính định hướng phát triển về công nghệ mới, sản phẩm mới; ban hành các quy chế chuyên môn nghiệp vụ sau khi được UBCKNN chấp thuận. Các công ty con là SGDCK tập trung thực hiện vận hành thị trường giao dịch chứng khoán trong phạm vi được phân công. Việc phân công chức năng quản lý, giám sát giữa công ty mẹ (VNX) và công ty con (HNX và HOSE) vừa đảm bảo tính tổng thể, vừa mang tính chất chuyên sâu đối với từng khu vực thị trường, khắc phục được những hạn chế tồn tại hiện nay. Mô hình tổ chức này cũng phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức SGDCK theo mô hình công ty mẹ-con.

UBCKNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của các SGDCK theo quy định của Luật Chứng khoán. Với việc thành lập VNX, UBCKNN thực hiện các chức năng như: Chấp thuận cho VNX ban hành các Quy chế nghiệp vụ trong lĩnh vực chứng khoán; Giám sát tuân thủ đối với hoạt động của VNX, HNX, HOSE liên quan tới việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; quản lý niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; quản lý thành viên giao dịch; báo cáo, công bố thông tin và giám sát hoạt động công bố thông tin...

PV: Thông tư 120 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/2/2021 có quy định về một số loại giao dịch như giao dịch bán khống, giao dịch bán chứng khoán chờ về. Bà có thể chia sẻ về kế hoạch triển khai các giao dịch này?

Bà Tạ Thanh Bình: Việc triển khai các quy định mới về giao dịch chứng khoán phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn của thị trường và khả năng đáp ứng của hệ thống công nghệ. Vấn đề này đã được quy định rõ tại Thông tư 120 (Điều 10, 11).

PV: Tình tình triển khai hệ thống KRX hiện nay ra sao thưa bà?

Bà Tạ Thanh Bình: Theo chỉ đạo của UBCKNN, các đơn vị đang phối hợp với nhà thầu tiến hành kiểm thử chức năng từng cấu phần (Pre-UAT) để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, tiến độ triển khai có phần bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn cho các chuyên gia phía nhà thầu trong việc di chuyển và có mặt tại Việt Nam để sửa lỗi và nghiệm thu hệ thống.

UBCKNN cũng đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng, đặc biệt là chủ đầu tư HOSE tích cực phối hợp, triển khai hoàn thành các hạng mục dự án còn tồn đọng như nghiệm thu cài đặt phần mềm, kiểm thử người dùng, kiểm thử cuối cùng và triển khai thực tế.

PV: Trong thời gian qua, thị trường đã vượt qua đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào phiên 1/4 và đang hướng tới những vùng đỉnh mới. Bà đánh giá thế nào về diễn biến thị trường, các yếu tố hỗ trợ cũng như thách thức đối với thị trường trong những tháng tiếp theo của năm 2021 là gì?

Bà Tạ Thanh Bình: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 3 tháng đầu năm chứng kiến nhiều phiên tăng giảm giằng co nhưng bước sang tháng 4 chỉ số đã có sự bứt phá mạnh mẽ, chính thức vượt đỉnh lịch sử trước đó là 1.204,33 điểm, được thiết lập vào ngày 9/4/2018. Tính đến ngày 01/4/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.216,1 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2020, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 292,4 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường tăng 13,2% so với cuối năm 2020, tương đương 95,2% GDP. Giá trị giao dịch bình quân tăng trưởng mạnh mẽ, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.061 tỷ đồng/phiên, tăng 157% so với bình quân năm trước.

Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố như:

- Trên thế giới có những chương trình tiêm vacccin ngừa COVID-19 đã được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới; quý I/2021, kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc: Nền kinh tế Mỹ được phục hồi đáng kể khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 2 đã tăng lên 60,8 điểm, đây là điểm số cao nhất kể từ khi kinh tế nước này chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra; kinh tế các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng trở lại;

- Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì xu hướng phục hồi ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011; chỉ số PMI liên tiếp đạt trên mức 50 điểm trong những tháng gần đây đang thể hiện sự phục hồi rõ nét của sản xuất…

Kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6,5% đến 6,6%.

Tuy nhiên, hiện tại đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng, các chương trình tiêm chủng đang triển khai bị chậm lại do một số chính phủ lo ngại về tác dụng phụ của vaccine. Khi dịch bệnh chưa được đẩy lùi thì thế giới vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cũng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng… Vì vậy, các nhà đầu tư cần theo dõi, bám sát diễn biến TTCK để có chiến lược đầu tư phù hợp.

Xin cảm ơn bà!

                                                                       

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ