[Gặp gỡ thứ Tư] 'HSBC muốn mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam'

Nhàđầutư
Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng Thương mại ở Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á Thái Bình Dương cho biết ngân hàng này muốn bắt tay với các doanh nghiệp tại Việt Nam để giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại đây.
TƯỜNG THỤY
19, Tháng 07, 2023 | 07:59

Nhàđầutư
Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng Thương mại ở Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á Thái Bình Dương cho biết ngân hàng này muốn bắt tay với các doanh nghiệp tại Việt Nam để giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại đây.

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng Thương mại khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á - Thái Bình Dương, nhận định Đông Nam Á vẫn là một khu vực tăng trưởng mạnh của thế giới.

Việt Nam với vai trò là một nền kinh tế Đông Nam Á quan trọng, đang mang đến nhiều cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực then chốt. HSBC muốn bắt tay với các doanh nghiệp tại Việt Nam để giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bằng cách giới thiệu doanh nghiệp Việt đến các nước khác trên thế giới và mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại đây.

post Amanda

Bà Amanda Murphy. Ảnh: Ngân hàng HSBC Việt Nam.

HSBC đánh giá vai trò và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam như thế nào?

Bà Amanda Murphy: Chúng tôi đặt văn phòng cho Khối của mình tại Singapore để thuận tiện nhất cho hoạt động ở khu vực Nam và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khi nhìn vào Đông Nam Á, chúng tôi rất hào hứng với nhiều cơ hội tại đây và tất nhiên, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng. Chúng tôi tin rằng HSBC đã tạo cơ sở lớn mạnh trong khu vực nhờ hiện diện tại 6 trong số 10 thị trường ASEAN.

HSBC muốn bắt tay với các doanh nghiệp tại Việt Nam để giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bằng cách giới thiệu doanh nghiệp Việt đến các nước khác trên thế giới và mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại đây.

Bà Amanda Murphy

Cơ hội kinh doanh tại Việt Nam hiện diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0, tức net zero, và các dự án xanh hóa khác. Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia có mặt tại Việt Nam trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu hướng "Trung Quốc + 1".

Chúng tôi muốn bắt tay với các doanh nghiệp tại Việt Nam để giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bằng cách giới thiệu doanh nghiệp Việt đến các nước khác trên thế giới và mang các công ty nước ngoài đến đầu tư tại đây.

Đó là một phần nhiệm vụ của chúng tôi: Ngân hàng HSBC đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây hơn 150 năm.

Đâu là các cơ hội trong quá trình net zero?

Bà Amanda Murphy: Chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 là xu hướng rõ ràng và quá trình này mang lại những cơ hội lớn vì cả Đông Nam Á đang chạy đua để "xanh hóa lĩnh vực điện". Đây là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất thế giới do tác động của sự nóng lên toàn cầu nói chung và nước biển dâng nói riêng. Nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh cũng là động lực thúc đẩy mạnh sự phát triển của khu vực.

Hầu hết các nguồn năng lượng tại Đông Nam Á là nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, thật tuyệt vời khi Indonesia và Việt Nam (hai trong số các nền kinh tế năng động nhất khu vực nhưng cũng là hai trong số các nước dùng nhiều năng lượng than) đã khởi động chương trình JETP: Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.

Theo mô hình tài trợ JETP mới này, hàng chục tỷ USD từ khối công và tư nhân sẽ được huy động, là chất xúc tác cho quá trình trung hòa carbon trong ngành điện của các nướuc và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Chương trình JETP Việt Nam khởi động tháng 12/2022 với cam kết sẽ huy động 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới, trong đó ngân hàng HSBC toàn cầu là một trong các đối tác hỗ trợ.

Tại Việt Nam, HSBC còn thực hiện chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Đến nay, chương trình này như thế nào?

Bà Amanda Murphy: Quỹ tài trợ nữ doanh nhân của HSBC toàn cầu dành ra 1 tỷ USD để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nhằm giúp họ phát huy hết tiềm năng và thực hiện các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, còn gọi là NHG, đã tiếp cận được với nguồn này, và NHG trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam tham gia thành công vào tháng 8/2022. Quỹ này cung cấp một khoản vay hợp vốn 75 triệu USD (có HSBC tham gia) cho NHG.

Trong vai trò của mình, bà cho biết đánh giá của HSBC về khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Bà Amanda Murphy: Triển vọng kinh tế của Đông Nam Á sáng hơn nhiều so với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với thời kỳ dài với lạm phát cao và nhu cầu toàn cầu giảm sâu. Chúng tôi đánh giá cả những nguyên nhân ngắn hạn và dài hạn để đưa ra nhìn nhận lạc quan rằng, khu vực năng động này sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng mạnh của thế giới.

Đông Nam Á từ lâu đã là khu vực tăng trưởng cao và hiện nay chiếm khoảng 8% xuất khẩu toàn cầu. Năm 2020, Đông Nam Á đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Hành lang thương mại quan trọng này được tiếp thêm sức nhờ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau đại dịch, được thể hiện qua chỉ số sản xuất PMI cao từ Trung Quốc. PMI là chỉ số đo lường tình hình sản xuất của tổ chức đánh giá S&P Global.

Đông Nam Á cũng đang hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu vì khu vực này nằm giữa "ngã tư đường" của hai trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đặc biệt, nhờ cắt giảm thuế xuất nhập khẩu và quy tắc xuất xứ có lợi cho nhà sản xuất, RCEP đang giúp tăng sức hấp dẫn của Đông Nam Á, vốn là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia. Theo một khảo sát gần đây của HSBC, trong vòng 12-24 tháng tới, các công ty châu Á - Thái Bình Dương sẽ đặt 24,4% chuỗi cung ứng của họ ở Đông Nam Á, mức này cao hơn mức 21,4% ghi nhận năm 2020.

Việt Nam nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu với 15 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới có hiệu lực, nên có đủ điều kiện để tận dụng xu thế phát triển đó.

HSBC còn nguồn lực tài chính nào khác cho Đông Nam Á không?

Bà Amanda Murphy: Nhằm hỗ trợ khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đã lập quan hệ đối tác với tập đoàn đầu tư tài chính Temasek Holdings của chính phủ Singapore.

Hai bên triển khai hợp tác vào tháng 9/2021, đây là nền tảng tài trợ vốn riêng cho các dự án cơ sở hạ tầng bền vững với trọng tâm ban đầu là Đông Nam Á. Đây cũng là một phần trong nỗ lực giảm thiểu các tác hại từ biến đổi khí hậu.

Hợp tác giữa HSBC Temasek nhằm mục đích thúc đẩy các dòng vốn lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, cung cấp vốn ở quy mô lớn để từng bước tiến đến thực hiện các dự án ít khả thi về tài chính để tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân và tổ chức bỏ vốn vào cùng đầu tư.

HSBC và Temasek dự kiến sẽ đầu tư với tổng số vốn riêng lên tới 150 triệu USD qua các khoản vay, và đồng hành với các đối tác chiến lược của nền tảng này trong giai đoạn đầu. Về lâu dài, các bên muốn xây dựng một chuỗi dự án để mở rộng quy mô nguồn vốn cho vay trị giá hơn 1 tỷ USD sẽ được sắp xếp từ nền tảng này trong 5 năm .

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và công ty đầu tư Clifford Capital Holdings là hai đối tác chiến lược hỗ trợ nền tảng này của HSBC và Temasek. ADB cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau cho nền tảng, gồm hỗ trợ kỹ thuật và con người để thực hiện các dự án. Clifford Capital cung cấp con người trong cả lĩnh vực tài chính lẫn hỗ trợ quá trình hoạt động của chúng tôi - HSBC và Temasek.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ