[Gặp gỡ thứ Tư] 'Có cơ chế đặc thù, TP. Cần Thơ sẽ phát triển nhanh hơn'

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định, qua hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết số 45/2005 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cần Thơ đã tạo được những dấu ấn tốt, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL.
PHÚ KHỞI
22, Tháng 06, 2022 | 08:33

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định, qua hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết số 45/2005 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cần Thơ đã tạo được những dấu ấn tốt, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL.

tran-viet-truong

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ. Ảnh: VnExpress.vn

Ngày 11/1/2022, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 45 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Đây được xem là "đòn bẩy" chính sách, góp phần đưa địa phương phát triển nhanh hơn, xứng tầm là đô thị trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.

Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường xung quanh việc thực hiện Nghị quyết số 45.

Xin ông cho biết tiến độ triển khai, thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ đến thời điểm hiện nay đã đạt được những kết quả gì?

Ông Trần Việt Trường: Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 34 ngày 18/2/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Quốc hội và Kế hoạch số 45 ngày 4/3/2022 thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 45 của Quốc hội. Thành phố cũng tranh thủ phối hợp, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương tổ chức triển khai thực hiện cụ thể đối với từng chính sách.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và UBND thành phố thì phải chủ động tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục để tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết nghị những vẫn đến thuộc thẩm quyền tại kỳ họp gần nhất của HĐND thành phố hoặc tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản tổ chức thực hiện theo thẩm quyền ngay khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, chủ động tham mưu UBND thành phố đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và trong thời gian sớm nhất.

Đến nay, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định. Thứ nhất là quyết định số 10 ngày 6/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha (thực hiện chung cho 4 địa phương có Nghị quyết của Quốc hội: TP. Cần Thơ, TP. Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa).

Thứ hai là Quyết định số 15 ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Đồng thời, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để tạo sự đồng thuận, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố sự đồng lòng thành phố tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách được Quốc hội ban hành.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng phải tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh, thành trong vùng và các viện trường để việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt được hiệu quả cao nhất.

Thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 59 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Cần Thơ đã đạt được những thành tựu nổi bật nào và ông có kỳ vọng gì từ Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương mà Quốc hội vừa thông qua?

Ông Trần Việt Trường: Qua hơn 17 năm (từ năm 2005 đến năm 2022) kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố đã tạo được những dấu ấn, ấn tượng tốt. Vị thế, tiềm lực kinh tế - xã hội của Cần Thơ chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Nổi bật là diện mạo TP. Cần Thơ cả nội và ngoại thành đã có những thay đổi đáng kể, bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã được đầu tư theo hướng hiện đại. Từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, đã đầu tư hình thành một số khu chức năng đặc thù như: Cầu đi bộ, bờ kè - công viên dọc theo kè, các công trình dịch vụ phức hợp (khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại VinCom shophouse, khách sạn 5 sao Mường Thanh, khách sạn Ninh Kiều, khách sạn Vinpearl...). Cải tạo, chỉnh trang hệ thống sông rạch (hồ quanh rạch Tham Tướng, hồ Bún Xáng,...), hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả, thành phố được vinh danh "Cảnh quan đô thị châu Á năm 2016"; được vinh danh nhận "Chứng chỉ Asean thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch"; được công nhận "Cần Thơ là thành phố sông nước đáng sống".

Hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không luôn có sự phát triển và đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói chung và thành phố nói riêng. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối lan tỏa, tạo động lực mới cho phát triển như: Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ Nam sông Hậu, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91, 61B, Quốc lộ 80 (hình thức BOT)... Bên cạnh đó, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các cầu trên quốc lộ 80 qua địa phận thành phố cũng sắp hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Các tuyến đường đến trung tâm phường, xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu vận tải bằng ô tô, các tuyến hẻm nội ô đã nâng cấp mở rộng hoàn thành theo dự án nâng cấp đô thị; các tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng nâng cấp đạt tiêu chí nông thôn mới.

Thành phố luôn quan tâm việc thiết lập, phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức quan hệ với các đối tác nước ngoài; xây dựng các chương trình ưu tiên về hợp tác quốc tế, Chiến lược Ngoại giao Văn hóa tại TP. Cần Thơ; thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, thương mại với các nước bạn, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình quy mô lớn như chương trình "Giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản", Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia, tổ chức mừng năm mới cho người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập... trên địa bàn thành phố.

Để đạt được mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết số 59 ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương: "Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước. Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông" và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo "xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho TP. Cần Thơ, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành".

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là hết sức quan trọng và cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của thành phố, thực hiện được các mục tiêu tại Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Có thể nói 5 năm thực hiện "thí điểm cơ chế chính sách đặc thù" là thời gian "vàng" của địa phương. Để phát huy được lợi thế từ cơ chế, chính sách đặc thù này thì địa phương đã có sự chuẩn bị gì thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Nghị quyết 45 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm. Và theo nhiệm vụ tại Nghị quyết, giao Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026.

Theo đó, trên cơ sở kết quả tổng kết 5 năm thực hiện các cơ chế, chính sách được nêu trong Nghị quyết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét, tham mưu Chính phủ báo cáo và trình Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện những nội dung mang lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, xem xét những nội dung đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt trong trong tình hình mới.

Trong thời gian này, nhằm cụ thể hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 34 ngày 18/2/2022 để triển khai thực hiện; trong đó, đối với từng nội dung cơ chế chính sách, UBND thành phố đề ra các nhiệm vụ cụ thể, phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và tiến độ thực hiện để thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển, thí điểm các phương thức thực hiện đầu tư hiệu quả, hình thành khu vực đô thị - thương mại hàng không tạo động lực mới cho thành phố và cả vùng.

Tập trung chỉ đạo khẩn trương sớm hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng và mục tiêu của Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, của quy hoạch vùng ĐBSCL, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; xác định được mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Triển khai công tác lập và sớm hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 TP. Cần Thơ; đồng thời rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Tiếp tục tập trung thực hiện, chủ động phối hợp với các Bộ ngành, Trung ương, các tỉnh trong vùng để thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra tại các Nghị quyết trung ương. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ đề xuất và phối hợp đề xuất của địa phương, gồm: Phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thành thủ tục cần thiết để trình phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ trong năm 2022, sớm đưa vào khai thác, vận hành; chủ động làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT để hoàn chỉnh, trình phê duyệt các thủ tục cần thiết, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; phối hợp triển khai hiệu quả các dự án cao tốc đi qua địa bàn theo nhiệm vụ được giao.

UBND thành phố trực tiếp làm việc và hỗ trợ tối đa các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, để mời gọi đầu tư tiềm năng vào những dự án trọng điểm của thành phố như: KCN Vĩnh Thạnh, KCN Ô Môn; các nhà đầu tư vào trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ; trung tâm tài chính khu vực ĐBSCL; các dự án đầu tư ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung khai thác các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ góp phần vượt dự toán thu ngân sách theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là khai thác các khoản thu đã được Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND thành phố, tạo thêm nguồn lực để thực hiện các dự án quan trọng của thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ