[Gặp gỡ thứ Tư] Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: 'Phát triển vùng Đông thành vùng chiến lược cho miền Trung'

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, định hướng của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới sẽ tập trung phát triển toàn diện khu vực vùng đông, tạo thành một khu vực chiến lược cho miền Trung.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
05, Tháng 05, 2021 | 07:05

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, định hướng của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới sẽ tập trung phát triển toàn diện khu vực vùng đông, tạo thành một khu vực chiến lược cho miền Trung.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam định hướng sẽ tập trung phát triển vùng đông để trở thành vùng động lực của địa phương này, cũng như tạo thành một khu vực chiến lược cho miền Trung. Để làm rõ hơn định hướng này, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Thưa ông, ngay từ khi tách tỉnh từ năm 1997, tỉnh Quảng Nam đã xác định phát triển vùng Đông trở thành vùng động lực của tỉnh Quảng Nam, xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà vùng Đông tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua?

Ông Lê Trí Thanh: Tính đến nay, toàn vùng Đông Quảng Nam đã có 7 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với diện tích đất sử dụng khoảng trên 1 nghìn ha, số lao động sử dụng khoảng trên 40 nghìn người, thu hút 225 dự án còn hiệu lực hoạt động với vốn đầu tư khoảng trên 61 nghìn tỷ đồng (trong đó có 80 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư khoảng 997 triệu USD).

Khu vực này tập trung chủ yếu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm của tỉnh tại các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai, KCN Điện Nam - Điện Ngọc… giữ vai trò động lực. 

Một số dự án động lực quy mô lớn như Khu đô thị - du lịch Nam Hội An với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, Khu công nghiệp Tam Thăng thu hút tổng cộng 27 dự án. Đặc biệt, nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải thực hiện, có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng với công suất sản xuất các loại xe hơn 215.000 xe/năm đóng góp từ 50-60% thu ngân sách toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng Kỳ Hà tiếp nhận tàu 20.000 DWT, cảng Tam Hiệp tiếp nhận tàu 10.000 DWT với hệ thống kho bãi, xưởng cũng được nâng cấp, mở rộng với diện tích gần 100 nghìn m2. Lượng hàng hoá qua cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp trên 1,6 triệu tấn. Đối với sân bay Chu Lai có diện tích 2.300 ha với 2 đường băng cho hạ cất cánh với tổng chiều dài 4.877m, 5 đường lăn chính và 3 sân đỗ máy bay. Lượng khách qua sân bay Chu Lai ngày càng tăng, năm 2015 chỉ có 155 nghìn lượt thì đến năm 2020 đã đạt 1 triệu lượt khách.

Trong vùng đã hình thành cơ bản chuỗi dịch vụ logistics trọn gói bao gồm: giao thông, cảng biển, sân bay... gắn với phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã phát triển hài hòa giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không; kết hợp giữa phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải và tổ chức khai thác các loại hình vận tải một cách có hiệu quả. Hiện nay Khu kinh tế mở Chu Lai đã có hệ thống dịch vụ logistics trọn gói (từ khách hàng - xử lý đơn hàng - đóng gói - xếp dỡ container - cảng biển - dịch vụ hỗ trợ - kho bãi - vận chuyển). 

Anh-Chu-tich-UBND-tinh-Quang-Nam

 

Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ đào tạo cũng như y tế; tập trung hầu hết các cơ sở đào tạo của tỉnh (18 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp), đào tạo gần 19 nghìn sinh viên đáp ứng một phần nguồn nhân lực của tỉnh… 

Ông có thể cho biết định hướng phát triển trọng tâm của vùng Đông trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Ông Lê Trí Thanh: Đối với phát triển công nghiệp, những dự án công nghiệp nặng quy mô lớn tỉnh sẽ tập trung vào Khu kinh tế mở Chu Lai nhưng bố trí vào các khu công nghiệp nằm ở phía tây của quốc lộ 1A. Còn đối với các khu công nghiệp nằm ở phía đông của quốc lộ 1A sẽ thu hút các dự án ít tác động đến môi trường.

Đặc biệt, tỉnh đang định hướng phát triển thành các khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao theo đúng quy định. Bên cạnh đó, trước tình hình các dòng vốn đầu tư công nghiệp từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, phấn đấu đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho Tập đoàn Trường Hải để phát triển mạnh hệ sinh thái phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí. Trong đó, các công ty của Tập đoàn Trường Hải đóng vai trò nòng cốt để phát triển, nhưng mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương cũng tham gia vào trong chuỗi giá trị sản xuất của Trường Hải để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia phát triển.

Về nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam khuyến khích các nhà đầu tư đến đây để cùng với các địa phương tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ. Vùng Đông Quảng Nam có đủ điều kiện để chuyển đổi sản xuất, cung cấp lương thực thực phẩm cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, các khu du lịch, các đô thị lớn trong vùng.

Về du lịch, tỉnh Quảng Nam tập trung thu hút các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các hoạt động vui chơi giải trí kéo dài thời gian lưu trú. Nếu các dự án chỉ mang tính thuần tuý là lưu trú, nghỉ dưỡng thì Quảng Nam sẽ hạn chế dần. Tỉnh sẽ phát triển thêm các loại hình du lịch mới như: loại hình thi đấu thể dục thể thao, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc y tế, nghỉ dưỡng kết hợp với thẩm mỹ…

Đồng thời, tỉnh đang xây dựng hệ sinh thái gắn với các khu du lịch lớn, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng quê để liên kết với các khu du lịch vui chơi giải trí lớn. Đặc biệt, Quảng Nam cũng chú ý gắn kết du lịch của khách cao cấp với du lịch làng quê, du lịch nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hàm lượng văn hoá cao đồng thời thay đổi bộ mặt nông thôn qua việc đưa du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Về giao thông, tỉnh Quảng Nam sẽ lưu ý kết nối hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông đường bộ then chốt, xuyên suốt từ Đà Nẵng vào đến Dung Quất và hệ thống hạ tầng vùng biển lên vùng Tây qua Lào và Thái Lan, đi qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc; thứ hai là kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn mở rộng không gian phát triển cho Quảng Nam.

Bên cạnh giao thông đường bộ, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để hoàn chỉnh quy hoạch phát triển sân bay Chu Lai, đầu tư xây dựng nhà ga 5 triệu hành khách/năm và mở thêm nhiều đường bay tại sân bay Chu Lai. Kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư phát triển sân bay Chu Lai thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không đa chức năng.

Cùng vói đó tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng về cảng biển, trong đó sẽ phối hợp với Bộ GTVT hoàn chỉnh Quy hoạch cảng biển trong đó có nâng công suất cảng biển Chu Lai lên đón tàu 50.000 DWT, công suất 20 triệu tấn/năm (hiện nay là 3 triệu tấn/năm).

Đô thị là một trong những vấn đề nóng tại khu vực vùng Đông, vậy thưa ông tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển bất động sản, đô thị như thế nào?

Ông Lê Trí Thanh: Đối với lĩnh vực bất động sản, đô thị, sắp tới đây tỉnh Quảng Nam không giao thành các dự án nhỏ, manh mún mà trên cơ sở quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung phát triển các dự án đô thị quy mô lớn, đô thị nhà ở, đô thị du lịch lấy trục ven biển, ven sông. Quan điểm của tỉnh là nếu nơi nào dân cư sống tập trung, đông đúc sẽ giữ lại, chỉ chỉnh trang.

Tỉnh chỉ giải toả ở những khu vực cần thiết, dân cư không tập trung, tuy nhiên số lượng giải toả đó cũng xen ghép ở gần các khu dân cư tập trung đông đúc để cho họ sống quần cư với nhau. Cố gắng bám theo địa hình tự nhiên để tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, trong các dự án đô thị, tỉnh sẽ dành quỹ đất phù hợp để phát triển, sắp xếp bố trí tái định cư cho lâu dài. Điều này vừa cho trước mắt, nhưng cũng dành quỹ đất để bàn giao lại cho địa phương để dự trữ cho người dân trong tương lai hoặc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, công trình thiết chế…

Tỉnh Quảng Nam muốn các dự án bất động sản ở vùng Đông phải có tính đột phá về mặt quy hoạch kiến trúc và thu hút các loại hình dự án. Đặc biệt là khu vực ven sông, tỉnh đang chỉ đạo phải tổ chức quy hoạch không gian, cảnh quan ven sông trước, nhất là sông Cổ Cò, Thu Bồn, Trường Giang, Tam Kỳ.

Ngoài ra, tỉnh đang củng cố phát triển đô thị, trong đó có các đô thị hạt nhân: đô thị Tam Kỳ sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược để đầu tư khu vực phía Đông của Tam Kỳ, kéo không gian phát triển về phía Nam. Đô thị Núi Thành sẽ tập trung phát triển nhiều về công nghiệp nên đô thị Núi Thành phải khẩn trương xây dựng các khu dân cư hình thành nơi ở cho người lao động.

Đối với đô thị Hội An sẽ tiếp tục mở rộng vùng ven của Hội An để giảm áp lực đô thị cổ hiện nay. Đối với đô thị Điện Bàn là khu vực tiếp giáp với Đà Nẵng nên phải phát triển thành đô thị hiện đại, trong đó lấy trục không gian của sông Cổ Cò làm trục chủ đạo.

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam hầu như không thu hút được các dự án lớn vào khu vực này, vậy thưa ông tỉnh Quảng Nam đang có thay đổi về cách thức thu hút đầu tư?

Ông Lê Trí Thanh: Hiện nay, Quảng Nam không đầu tư vội vàng, cách làm để thu hút các nhà đầu tư cũng thay đổi. Tức là Quảng Nam không tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư mà thay vào đó thông qua các hội thảo chuyên đề để làm nổi bật lên cơ hội đầu tư trên từng lĩnh vực. Từ đó thông qua truyền thông, các nhà đầu tư sẽ tìm đến với vùng đất này. Cách thứ 2 là Quảng Nam sẽ đến làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược, sẽ trực tiếp đến làm việc khi có đủ các cơ chế chính sách, điều kiện phù hợp.

Tỉnh sẽ tổ chức các đoàn gồm lãnh đạo tỉnh đăng ký làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tại trụ sở của họ. Sau đó mời các nhà đầu tư đến Quảng Nam để khảo sát thực tế, làm các thủ tục đầu tư theo quy định. Như thế sẽ chọn lựa được những nhà đầu tư mà tỉnh cần, từ đó chọn được những mảnh ghép để lắp vào bức tranh vùng Đông theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.

Quy hoạch là một trong những nhân tố chính giúp vùng Đông Quảng Nam đi đúng và xa trong tương lai. Theo ông, Quảng Nam sẽ quy hoạch vùng Đông như thế nào?

Ông Lê Trí Thanh: Tỉnh Quảng Nam sẽ lập điều chỉnh quy hoạch vùng Đông gồm 9 huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở trước đây tỉnh đã quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của khu vực này. Tỉnh Quảng Nam đang giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng lập điều chỉnh quy hoạch vùng phía Đông.

Trong quá trình lập quy hoạch sẽ mời một số chuyên gia, thuộc các lĩnh vực khác nhau đến để tham gia vào đồ án quy hoạch này để tiết kiệm 1 phần kinh phí, đồng thời tận dụng các ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm trên thế giới. Trong quy hoạch lần này có một số nội dung hết sức cần lưu ý, trong đó tỉnh muốn trong quy hoạch vùng Đông phải có sức hút lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực thật sự, quy mô lớn vào đầu tư.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng Đông thể hiện kết nối đồng bộ về mặt không gian phát triển giữa Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, nhất là khu vực Dung Quất, đây là một tổng thể thống nhất. Bên cạnh quy hoạch không gian, Quảng Nam cũng đang triển khai quy hoạch tỉnh đến năm 2050, tỉnh xác định vùng phía Đông là vùng tập trung phát triển chiến lược cho miền Trung chứ không riêng cho Quảng Nam.  

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ