Gạo xuất khẩu còn nhiều dư địa để tăng giá

Nhàđầutư
Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia lại tăng mạnh đã khiến cho thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 đã sôi động ngay từ đầu năm. Với bức tranh nhiều gam màu sáng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo dự báo mặt hàng gạo xuất khẩu sẽ còn nhiều dư địa để tăng giá.
AN HÒA
03, Tháng 04, 2023 | 06:23

Nhàđầutư
Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia lại tăng mạnh đã khiến cho thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 đã sôi động ngay từ đầu năm. Với bức tranh nhiều gam màu sáng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo dự báo mặt hàng gạo xuất khẩu sẽ còn nhiều dư địa để tăng giá.

xk gao 11

Dự báo xuất khẩu gạo sẽ diễn ra sôi động trong tháng 4, giá bán tăng. Ảnh TA

Nhu cầu nhập khẩu gạo tăng mạnh

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, việc Chính phủ Indonesia công bố quyết định nhập khẩu gạo nhiều hơn dự kiến là yếu tố bất ngờ lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo trong Quý I, năm 2023 này.

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc tương đương với  khoảng 32 triệu tấn gạo tương đương với mục tiêu năm 2022.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng dự báo, hiện tượng EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào từ tháng 5-7/2023, vì vậy có khả năng sẽ ảnh hưởng tới diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7-8/2023.

Do vậy, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu khoảng 2,4 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể nhằm bình ổn giá gạo và hỗ trợ gạo cho người nghèo. 

Tình hình thu mua gạo dự trữ trong nước của Indonesia hiện đang gặp nhiều khó khăn mặc dù nước này đang ở vụ thu hoạch chính. Theo Cơ quan hậu cần quốc gia, cơ quan này mới chỉ thu mua được chỉ khoảng hơn 100.000 tấn gạo, trong khi lượng gạo dự trữ hiện có trong kho (tính đến trước ngày 25/3/2023) chỉ còn vào khoảng 280.000 tấn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong hai tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đã tăng đột biến và đạt được con số gần 146.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đã vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Philippines và Trung Quốc). Đây là một tín hiệu rất khả quan để giúp ngành gạo cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023 Philippines-khách hàng mua gạo truyền thống của Việt Nam vẫn duy trì sản lượng nhập khẩu khoảng 2,8 triệu tấn. Cùng với đó là nhu cầu tại các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại. Đặc biệt thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, thị trường Indonesia lần đầu nâng mức nhập khẩu gạo lên gấp đôi so với năm trước- từ 1,2 triệu tấn lên 2,4 triệu tấn.

Trong khi đó, cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ vẫn đang áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo tấm; đánh thuế 20% đối với gạo thông thường đã làm cho nhiều khách hàng mua gạo lớn như Trung Quốc, Philipines, Indonesia đã chuyển sang tìm kiếm nhà cung cấp mới từ Thái lan và Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu với giá bán kỳ vọng sẽ tốt hơn.

Về nguồn cung gạo, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, diện tích trồng lúa của vùng này ước khoảng 3,83 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Trong đó, lượng lúa hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu ước đạt khoảng hơn 13 triệu tấn, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo.

thu hoach lua HG -an hoa

Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ trà lúa Đông xuân, nguồn cung lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu rất dồi dào. Ảnh An Hòa

Nhiều dư địa tăng giá

Theo số liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo trong tháng 3/2023 ước đạt 900.000 tấn, giá trị đạt 480 triệu USD. Lũy kế, tổng khối lượng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 1,79 triệu tấn, với kim ngạch đạt 952 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, tuy khối lượng xuất khẩu giảm 19,3% nhưng giá trị xuất khẩu tăng đến 30,2%. Điều đó cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều cải thiện.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, mặc dù giá gạo xuất khẩu năm 2023 đã có cải thiện hơn năm 2022 nhưng vẫn chưa phản ánh đúng giá trị chất lượng gạo của Việt Nam.

"Phân khúc gạo trắng của Việt Nam được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn gạo trắng của Ấn Độ, Thái Lan, hiện Công ty đang xuất khẩu các loại gạo trắng thơm nhẹ chỉ với giá 490-500 USD. Trong khi cùng thời điểm này của năm 2019, giá xuất khẩu loại gạo này từ phải 540 -560 USD/tấn", ông Thành cho hay.

Đồng quan điểm đó, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu gạo đã “nhộn nhịp” trong tháng 3 nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào cuối tháng 3 chỉ tăng 20-25USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 2. Hiện gạo Việt Nam đang đứng ở mức 468USD/tấn (loại 5% tấm) và 448USD/tấn (loại 25% tấm). Giá gạo của Việt Nam tuy cao hơn gạo Ấn Độ nhưng vẫn còn thấp hơn giá gạo Thái Lan từ 8-22USD/tấn.

Theo nhận định của VFA, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các quốc gia châu Phi tăng. Dự báo thị trường Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu tăng nhập khẩu dự trữ. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại. Xu hướng sắp tới thị trường gạo sẽ tiếp tục “nhộn nghịp”, giá xuất khẩu tăng.

Cùng với xu hướng giá gạo thế giới tăng, giá lúa gạo nội địa Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng nhẹ dù đang thu hoạch rộ vụ lúa chính tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo khảo sát của ngành Công Thương, tại một số tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, lúa IR 50404 có giá bán dao động từ 6.100 - 6.300 đồng/kg. Lúa Đông xuân các giống OM 5451, OM18, RVT giá bán dao động từ 6.500 – 7.000đồng/kg; các giống lúa thơm, chất lượng cao như ST 24, ST25, Đài Thơm 8, Jasmines giá bán dao động từ 7.500 - 8.200 đồng/kg, tăng từ 100-500 đồng/kg so với vụ Đông xuân trước.

Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay mặt hàng lúa gạo đã thiết lập mặt bằng giá mới khi chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, giá gạo xuất khẩu trên thị trường sẽ khó giảm, tuy nhiên mức độ tăng giá thì còn phụ thuộc vào từng thời điểm nên doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi ký kết đơn hàng mới để tránh bị "hớ" giá.

"Trước tín hiệu nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thương nhân xuất khẩu gạo cũng cần có phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động" Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ