FTM 'tuồn' 2/3 vốn cho nhóm công ty có liên hệ cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường

Nhàđầutư
Tổng cộng, 330,7 tỷ đồng tài sản của FTM, qua nhiều cách thức đang nằm ở tài khoản của nhóm công ty có liên hệ tới cựu Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường.
AN DU
19, Tháng 09, 2019 | 12:54

Nhàđầutư
Tổng cộng, 330,7 tỷ đồng tài sản của FTM, qua nhiều cách thức đang nằm ở tài khoản của nhóm công ty có liên hệ tới cựu Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường.

le-manh-thuong-fortex

Cựu Chủ tịch HĐQT FTM Lê Mạnh Thường đang bị 11 công ty chứng khoán "tố" làm giá cổ phiếu FTM

Báo cáo tài chính thể hiện CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (MCK: FTM) đạt 450 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, giảm 24% so với cùng kỳ, cùng với giá vốn tăng cao, khiến doanh nghiệp này chịu mức lỗ sau thuế 31 tỷ đồng, so với khoản lãi 25 tỷ đồng nửa đầu năm 2018.

Tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi ngoài hoạt động thua lỗ, hàng tồn kho của FTM còn tăng gấp 2,5 lần lên 368 tỷ đồng, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 102 tỷ đồng (cùng kỳ dương 33 tỷ đồng).

Kể từ thời điểm báo cáo tài chính soát xét được công bố (13/8), giá cổ phiếu FTM trên sàn HoSE tới nay đã trải qua 25 phiên giảm sàn liên tiếp, đẩy mã chứng khoán này giảm tới 83% về còn xấp xỉ 4.000 đồng/CP phiên 19/9.

Kết quả kinh doanh kém khả quan tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu là diễn biến không bất ngờ. Tuy nhiên việc thị giá FTM trải qua chuỗi giảm sàn "kinh hoàng", cuốn phăng phần lớn tài sản của các nhà đầu tư đặt ra không ít nghi vấn về việc cổ phiếu FTM đang bị làm giá.

Giả thiết này không phải thiếu cơ sở. Ngày 4/9, đại diện 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại liên quan đến cổ phiếu FTM đã nhóm họp và đưa ra nhận định cổ phiếu này có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (cựu Chủ tịch HĐQT FTM đã từ nhiệm từ tháng 4/2019).

Nhóm công ty chứng khoán cho biết các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và liên quan trực tiếp đến ông Lê Mạnh Thường, cụ thể là người thân, bạn bè, nhân viên, người lao động tại FTM. Những người này thừa nhận đều đứng tên hộ tài khoản chứng khoán cho ông Lê Mạnh Thường, khẳng định họ hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tiền thân là Công ty TNHH Dệt Đại Cường Thái Bình được thành lập năm 2006, là chủ đầu tư dự án Nhà máy kéo sợi 4.500 tấn/ năm tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình. Từ mức 50 tỷ đồng ban đầu, vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng nhanh lên 150 tỷ đồng năm 2013 với 80% cổ phần thuộc về Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường. Năm 2015, doanh nghiệp lúc này đổi tên thành Đức Quân tăng mạnh vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó 170 tỷ đồng do CTCP Tập đoàn Đại Cường (cũng do ông Lê Mạnh Thường sở hữu chi phối) góp vốn bằng tài sản.

Đầu năm 2017, Đức Quân niêm yết trên sàn HoSE với mã FTM. Tỷ lệ sở hữu (trực tiếp) của nhóm cổ đông sáng lập Lê Mạnh Thường cũng từ đó giảm dần, tới cuối tháng 6/2019 là 30,7%. Tháng 4/2019, ông Lê Mạnh Thường bất ngờ từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FTM. Dù vậy ảnh hưởng của doanh nhân họ Lê ở FTM khó lòng có thể nói là giảm đi, bởi con gái ông - bà Lê Thuỳ Anh và cũng là cổ đông lớn nhất (21,53%) được bầu vào HĐQT FTM, và đáng lưu ý hơn, một lượng lớn tài sản của FTM qua nhiều cách thức, đang "chảy" ngược lại nhóm ông Lê Mạnh Thường.

Cụ thể, tới cuối tháng 6/2019, FTM đang cho vay ngắn và dài hạn đối với CTCP Tập đoàn Đại Cường 92 tỷ đồng, CTCP BĐS New City 11,8 tỷ đồng. Các khoản vay này đã được gia hạn nhiều lần, đều không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, FTM còn góp vốn 115 tỷ đồng với CTCP Bất động sản Đại Cường để triển khai dự án địa ốc tại 55 Trần Nhật Duyệt, Quận 1, TP.HCM và góp 50 tỷ đồng với CTCP BĐS New City để triển khai dự án phân lô New City Thái Bình, TP. Thái Bình. Hay kín đáo hơn, FTM có khoản phải thu 28,7 tỷ đồng và trả trước 33,2 tỷ đồng với CTCP Đầu tư 3GR - một thành viên trong Truman Holdings của ông Lê Mạnh Thường.

Tổng cộng, 330,7 tỷ đồng tài sản của FTM, qua nhiều cách thức đang nằm ở tài khoản của nhóm công ty có liên hệ tới ông Lê Mạnh Thường. Con số này chiếm tới 2/3 vốn điều lệ của FTM.

Tính minh bạch trong các thương vụ này cùng khả năng thu hồi các khoản công nợ "khổng lồ" với nhóm ông Lê Mạnh Thường sẽ là dấu hỏi lớn của cổ đông FTM đặt ra cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Ở diễn biến liên quan, sau chuỗi giảm sàn liên tục, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang đã từ nhiệm vị trí này kể từ ngày 16/9 chỉ sau 5 tháng thay thế ông Lê Mạnh Thường. Về phần nhóm công ty chứng khoán bị thiệt hại, các đơn vị này đã yêu cầu ông Lê Mạnh Thường lẫn ông Nguyễn Hoàng Giang sắp xếp làm việc và có phương án trả nợ, bằng không sẽ tố cáo hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM tới các cơ quan chức năng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ