Đường bay thẳng Việt-Mỹ: Cơ hội và những nỗi lo

Nhàđầutư
Đường bay thẳng Việt-Mỹ là cơ hội để các hãng hàng không nội địa của Việt Nam tiếp cận thêm một thị trường tiềm năng mới, thúc đẩy du lịch giữa hai nước nhưng cũng là những mối lo trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường hàng không quốc tế hiện nay, theo phân tích của báo chí quốc tế.
THÀNH AN
17, Tháng 02, 2019 | 08:29

Nhàđầutư
Đường bay thẳng Việt-Mỹ là cơ hội để các hãng hàng không nội địa của Việt Nam tiếp cận thêm một thị trường tiềm năng mới, thúc đẩy du lịch giữa hai nước nhưng cũng là những mối lo trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường hàng không quốc tế hiện nay, theo phân tích của báo chí quốc tế.

Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) vừa được trao cho Việt Nam là điều kiện cần và đủ để các hãng hàng không Việt Nam có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ và liên danh với các hãng hàng không nước này.

Cơ hội thúc đẩy du lịch

Việc FAA chấp thuận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 của Việt Nam hôm thứ Năm cho phép các hãng hàng không nội địa có các chuyến bay trực tiếp tới Hoa Kỳ, thúc đẩy thị trường du lịch hai nước, hãng tin kinh tế Bloomberg bình luận.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang lên kế hoạch cho các chuyến bay tới California, Bloomberg viết.

-0 airlines

Thị trường hàng không Việt Nam đã thực sự bùng nổ trong những năm qua. Ảnh nguồn Zing

Mức tăng trưởng kinh tế 7% đang mang lại nhiều cơ hội (sử dụng các dịch vụ) bay hơn cho người Việt. Các sân bay Việt Nam đã phục vụ 106 triệu lượt hành khách trong năm 2018, tăng khoảng 13% so với năm trước, theo Cục Hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đã phục vụ hơn 50 triệu lượt hành khách vào năm ngoái, tăng 14% so với năm 2017.

Một bài báo khác trên Retail News dẫn lời ông Đinh Việt Thắng, người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) cho rằng các đường bay thẳng Việt-Mỹ tạo ra một thị trường hoàn toàn mới đầy tiềm năng cho các hãng hàng không nội địa của Việt Nam, khi mà chưa có hãng hàng không quốc tế nào khai thác đường bay này.

Các hãng hàng không trong nước của Việt Nam đang hứng khởi trước khả năng khai thác các chuyến bay trực tiếp Việt-Mỹ. Một quan chức của Vietnam Airlines, người đề nghị không nêu tên cho biết hãng đang xem xét khả năng mua thêm các máy bay mới có khả năng bay liên tục từ Việt Nam tới Mỹ. 

"Không một máy bay nào trong đội bay của chúng tôi hiện nay có khả năng bay thẳng tới Mỹ, do vậy chúng tôi đang xem xét việc mua các máy bay thân rộng như Airbus 350-1000 hoặc Boeing 787-8 Dreamliner", vị quan chức này nói.

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet và hãng hàng không tư nhân mới Bamboo Airways cũng cho biết họ quan tâm đến việc mở các chuyến bay trực tiếp Việt-Mỹ.

Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết hãng hàng không này đang xem xét mở các tuyến bay từ Việt Nam tới các điểm đến như Seattle, Los Angeles và San Francisco, với tuyến đầu tiên có thể mở vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Hãng hàng không của ông đã đặt mua 20 chiếc Boeing Co 787 cho các chuyến bay đường dài.

Các chuyến bay trực tiếp dự kiến ​​sẽ phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn hiện nay giữa hai nước. Số lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Hoa Kỳ đã tăng 11,9 % trong năm ngoái so với con số  687.000 khách du lịch của năm 2017, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Con số hơn 2,1 triệu người gốc Việt ở Hoa Kỳ cũng được cho là nguồn cung du lịch khá ổn định.

Các công ty du lịch cũng đang có các nhận định tích cực về triển vọng của các chuyến bay trực tiếp, vẫn theo Retail News. Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó Tổng Giám đốc của Hà Nội Redtours cho biết số lượng khách hàng đến Hoa Kỳ thông qua công ty của ông đã tăng 30% mỗi năm trong vài năm qua.

"Các chuyến bay trực tiếp sẽ giúp việc đi lại giữa hai nước dễ dàng hơn nhiều và giảm thời gian hành khách phải chờ ở sân bay. Chúng tôi tin rằng khách hàng của chúng tôi sẵn sàng trả thêm 20 đến 40% cho một chuyến bay trực tiếp", ông nói.

Và nỗi lo đầu tư

Tuy nhiên, đường bay trực tiếp Việt-Mỹ, bên cạnh cơ hội hoàn hảo để thúc đẩy các kế hoạch marketing cho du lịch giữa hai nước thì nó cũng có thể gây thua lỗ cho Vietnam Airlines hay bất cứ hãng hàng không nội địa nào khác của Việt Nam vì các tuyến bay cạnh tranh khốc liệt giữa hai nước, Bloomberg bình luận.

-0 hanhkhach

Khách du lịch ngày một đến Việt Nam nhiều hơn. Ảnh nguồn VOV

Hãng tin của Mỹ dẫn lời ông Brendan Sobie, nhà phân tích ở Singapore của Trung tâm phân tích Hàng không CAPA cho rằng" "Rất khó để có lãi cho đường bay này".

Lý do được ông Sobie đưa ra, theo Reuters là bởi đường bay này ít có nhu cầu đối với các doanh nhân có thu nhập cao.

Vietnam Airlines, trong một thông cáo đưa ra được Reuters dẫn lại cho biết việc mở các đường bay trực tiếp tới Mỹ là một nhiệm vụ chính trị, còn tuyến bay có khả thi về mặt thương mại hay không thì còn phụ thuộc khá nhiều vào các vấn đề kỹ thuật và máy bay.

Retail News cũng cho rằng có nhiều lo ngại về việc thua lỗ đối với đường bay trực tiếp Việt-Mỹ. 

Dẫn một tuyên bố trước đây của ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines , tờ báo này viết: "Hãng hàng không có thể phải đối mặt với khoản lỗ trung bình hàng năm là 30 triệu USD trong những năm đầu hoạt động nếu mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ. Và cần phải mất ít nhất 5 năm để đạt tới điểm hòa vốn".

Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, các hãng hàng không nội địa sẽ cần mua các máy bay lớn hơn vì hầu hết các đội bay hiện tại không thể đảm bảo được các chuyến bay dài như vậy.

Một khả năng khác là giảm số lượng hành khách và/hoặc giảm tải trọng hàng hóa của máy bay hiện có để đảm bảo an toàn trong chuyến bay kéo dài 13 giờ, nhưng điều này sẽ làm giảm doanh thu, ông Thắng nói thêm.

Đầu năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn kế hoạch mở rộng mạng lưới phục vụ của hãng hàng không quốc gia đến các thị trường lớn trên thế giới bao gồm Úc, Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo kế hoạch này, Vietnam Airlines sẽ thông qua đề xuất mở các dịch vụ bay thẳng đến Hoa Kỳ, bắt đầu bằng các chuyến bay thẳng đến San Francisco hoặc Los Angeles.

Vì trước đây Việt Nam chưa bao giờ được FAA đánh giá mức tín nhiệm, do vậy hành khách từ Việt Nam đến Hoa Kỳ thường phải quá cảnh qua các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản, với tổng thời gian bay từ 18-21 giờ.

Năm 2004, Vietnam Airlines đã xin phép Hoa Kỳ để cung cấp các chuyến bay trực tiếp. Tuy nhiên, yêu cầu đã bị từ chối vì CAAV đánh giá rằng Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu giám sát an toàn do FAA đặt ra.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ