Dự án điện khí LNG 4 tỷ USD ở Bạc Liêu đang 'giậm chân tại chỗ'

Nhàđầutư
Chia sẻ với truyền thông trong buổi họp báo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, do còn vướng mắc về thủ tục, dự án điện khí LNG Bạc Liêu đang "giậm chân tại chỗ", chờ hoàn tất thủ tục mới có thể triển khai tiếp.
PHÚ KHỞI
05, Tháng 08, 2022 | 17:05

Nhàđầutư
Chia sẻ với truyền thông trong buổi họp báo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, do còn vướng mắc về thủ tục, dự án điện khí LNG Bạc Liêu đang "giậm chân tại chỗ", chờ hoàn tất thủ tục mới có thể triển khai tiếp.

trao CNDT

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu được trao Chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020. Ảnh Báo Bạc Liêu

3 năm vẫn chưa xong thủ tục

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay). Dự án này được nhà đầu tư đề xuất từ năm 2018, đến đầu năm 2020, địa phương đã trao chứng nhận đầu tư cho DOE thực hiện dự án này.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (nghĩa là đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tourbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Với việc cắt giảm nhiều nhà máy điện than thì dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu được xem là giải pháp tối ưu bổ sung nguồn năng lượng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) vào cuối năm 2020 đề chính thức khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, đưa tổ máy số 1 công suất 750MW vào hoạt động vào đầu năm 2024, tuy nhiên, đến thời điểm này vị trí quy hoạch xây dựng dự án chỉ là bãi đất trống.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu được địa phương xem là dự án trọng điểm và đặt nhiều kỳ vọng vào sự đóng góp của dự án này cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

"Chính vì vậy mà về thẩm quyền của địa phương, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm đối với dự án này. Có thể nói đến thời điểm này, những thủ tục do địa phương thực hiện chúng tôi đã làm xong, hiện dự án đang còn vướng mắc về các thủ tục ở cấp bộ, ngành Trung ương phụ trách nên dự án này vẫn chưa thể khởi công xây dựng", người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho biết.

tiem nang dien

Bạc Liêu có 56km tiếp giáp biển có nhiều tiềm năng trong phát triển điện khí, năng lượng tái tạo. Ảnh TL

3 vướng mắc lớn chưa được tháo gỡ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, hiện nay dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu đang gặp phải 3 vướng mắc lớn mà những khó khăn vướng mắc này chưa được tháo gỡ thì dự án không thể triển khai thực hiện.

Vướng mắc thứ nhất là mặc dù đơn vị chủ đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu đã chủ động đàm phán rất nhiều lần với EVN để ký hợp đồng mua bán điện nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa thống nhất được giá mua bán điện.

Khó khăn thứ hai là hiện nay phía bộ, ngành trung ương cũng chưa có hướng dẫn chủ đầu tư phương thức chuyển ngoại tệ vào để đầu tư dự án cũng như chuyển lợi nhuận cho công ty mẹ tại nước ngoài khi dự án đi vào vận hành.

Khó khăn thứ ba cũng được xem là "nút thắt" lớn nhất đó là các đơn vị tài trợ vốn đầu tư dự án này yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh tín dụng cho chủ đầu tư thì họ mới cấp tín dụng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, điều này là chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

"Nếu nhà đầu tư không thu xếp được nguồn vốn tín dụng thì rất có khả năng không thể thực hiện dự án vì những dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn như thế thì nguồn vốn tự có của doanh nghiệp không thể nào đảm đương nỗi", người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu lo lắng nói.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia biên soạn Báo cáo thường niên năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với lợi thế nằm gần các bể dầu khí (Cửu Long, Malay - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây), và có đường bờ biển dài, thuận tiện để xây dựng cảng, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiền đề để phát triển các dự án nhiệt điện khí.

Tuy nhiên, nhiệt điện khí đang đối diện với một loạt rủi ro. Với giá khí LNG hiện tại, chi phí sản xuất điện có thể cao hơn mức giá bán lẻ. Trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải trả phí phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh sau COP26 và chiến tranh Nga - Ukraine tiếp diễn, điện khí khó có thể cạnh tranh về giá với năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ. Giá LNG biến động lớn dẫn đến rủi ro lớn về giá thành điện và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Khi thị trường điện Việt Nam chuyển dần sang cơ chế cạnh tranh, sẽ rất khó thỏa thuận để nhận được cam kết về bao tiêu sản lượng hay bảo lãnh Chính phủ.

Theo Tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh, nhà máy nhiệt điện Cái Cùng (Bạc Liêu) dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2029, đây là dự án điện dự phòng cho khu vực Tây Nam Bộ cũng như cho cả nước.

Do lo ngại về phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điện than, tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch nhà máy nhiệt điện Cái Cùng từ năm 2016 và thay thế bằng dự án Nhà máy điện khí LNG.

Các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có công suất phát lên lưới không ổn định nên bắt buộc phải có các nhà máy nhiệt điện than, dầu, khí "chạy nền". Với việc cắt giảm mạnh nhà máy nhiệt điện than theo cam kết COP26, thì nhiệt điện khí đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng. Do vậy việc nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu chậm được triển khai và có nguy cơ không thể triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ