‘Động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp niêm yết'

Nhàđầutư
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc nâng hạng thị trường không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý, mà phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp niêm yết.
NHẬT HUỲNH
03, Tháng 04, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc nâng hạng thị trường không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý, mà phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp niêm yết.

2H6A5597

Bà Tạ Thanh Bình

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bị suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là một điểm sáng khi giữ vững được ổn định kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng kép, GDP tăng 2,91%, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2020 cũng có rất nhiều cảm xúc khi tại thời điểm dịch bùng phát, nhà đầu tư ngoại rút vốn, thanh khoản giảm, thị trường liên tục giảm sâu, đặc biệt trong giai đoạn tháng 3/2020 (ngày 22/3, VN-Index chỉ đạt 659,21 điểm). Tuy nhiên, sau đó từ giữa năm 2020, TTCK đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, quy mô nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng cao nhất trong lịch sử và đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh. 

Tính đến cuối tháng 2/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.168,47 điểm, tăng 5,9% so với cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường đạt 5.681 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2020, tương đương 90,3% GDP; giá trị giao dịch bình quân đạt 18.853 tỷ đồng/phiên, tăng 154% so với mức trung bình của năm 2020. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đang trong mức cao nhất kể từ khi thị trường thành lập tới nay và vẫn đang tiếp tục tăng lên. 

Bà Tạ Thanh Bình cho hay, về huy động trên TTCK, tổng mức huy động năm 2020 ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019.

“Có thể thấy, với sự phục hồi của nền kinh tế bên cạnh mặt bằng lãi suất duy trì thấp cùng niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình vĩ mô, các biện pháp cải cách của Chính phủ đã giúp dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán thời gian qua, TTCK đã có những bước phát triển lớn. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi trước năm 2025”, đại diện UBCKNN nói.

Theo bà Tạ Thanh Bình, việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng.

“Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin, quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, thì đây sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng”, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nhận định.

Ngoài ra, cũng tại tọa đàm, khi bàn về vấn đề nghẽn lệnh trong thời gian gần đây, bà Tạ Thanh Bình cho biết, từ khoảng cuối năm 2020 đến nay, đã có hiện tượng quá tải của HOSE do thanh khoản thị trường tăng đột biến.

“Ngay từ khi xuất hiện hiện tượng này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN phối hợp các chuyên gia công nghệ thông tin 2 sở và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tiến hành khảo sát ngay lập tức”, bà Bình nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, để giải quyết triệt để, chỉ có thể đưa vào sử dụng hệ thống thông tin mới.

“Dù vậy, từ giờ đến khi chính thức đưa hệ thống mới vào vận hành sẽ tốn khoảng thời gian khá dài. Chúng ta cần các giải pháp hành chính khắc phục sự cố này, trong đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo đưa ra một số biện pháp: Chuyển giao dịch (đã có 10 doanh nghiệp thể hiện nguyện vọng chuyển giao dịch), nâng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu,... nhưng tất nhiên các giải pháp này chỉ là giải pháp tạm thời”, bà Tạ Thanh Bình thông tin thêm.

Như đã biết, Tập đoàn FPT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tham gia giải quyết sự cố. Ngay sau khi có chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo với FPT và thành lập ban chỉ đạo giải quyết sự cố.

Các phương án FPT trao đổi đồng nhất với giải pháp mà nhóm Công nghệ thông tin đề xuất. Một phương án tối ưu là đầu tư phần cứng tại HOSE và sử dụng phần mềm tại HNX và có sự hỗ trợ công nghệ thông tin từ FPT để điều chỉnh nội dung phần mềm sao cho phù hợp HOSE. Giải pháp này cần thời gian từ 3 - 4 tháng để hoàn tất. Cùng với đó, sẽ không có sự tác động đến hệ thống giao dịch hiện tại, tức giảm rủi ro cho HOSE và HNX.

"Các phương án đang được triển khai hết sức tích cực và đang bắt tay vào làm mô hình thử nghiệm. Các giải pháp này hy vọng sẽ phát huy hiệu quả", Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cung cấp thông tin tại tọa đàm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ