Doanh nghiệp vang bóng một thời: Người hồi sinh, kẻ vật lộn trong khó khăn

Nhàđầutư
Sá Xị Chương Dương, Diêm Thống Nhất, Giày Thượng Đình...là những cái tên từng hằn sâu trong tâm thức người Việt. Dù vậy, áp lực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải “khai tử” sản phẩm làm nên tên tuổi.
TẢ PHÙ
15, Tháng 06, 2021 | 08:23

Nhàđầutư
Sá Xị Chương Dương, Diêm Thống Nhất, Giày Thượng Đình...là những cái tên từng hằn sâu trong tâm thức người Việt. Dù vậy, áp lực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải “khai tử” sản phẩm làm nên tên tuổi.

DP-Suu-Tam-Hop-Quet-5

Ảnh: Internet

Vật lộn trong khó khăn

Kể từ năm 2020, CTCP Diêm Thống Nhất chính thức dừng sản xuất hộp diêm với họa tiết bồ câu trắng trên nền trời xanh – hình ảnh rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Nội dung này đã được thông báo từ cuối năm 2019 khi Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường của Diêm Thống Nhất đã thông qua việc dừng sản xuất các sản phẩm diêm. Như vậy, sau 63 năm tồn tại, sản phẩm diêm Thống Nhất đã kết thúc vòng đời của mình.

Quyết định này của ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất được đưa ra trong bối cảnh sản phẩm diêm đã mất dần vị thế với sự ra đời của bật lửa gas.

Mặt khác, dù Diêm Thống Nhất đã phát triển các sản phẩm bật lửa mang tên Thống Nhất – Cricket, nhưng vẫn không thể cạnh tranh các dòng bật lửa từ Trung Quốc, Thái Lan…do giá cao. Ngoài ra, công ty cũng phát triển sản xuất bao bì carton; các dịch vụ cho thuê nhà xưởng, quảng cáo, kinh doanh thương mại…Tuy nhiên, việc mở rộng và đa dạng sản phẩm chưa đem lại hiệu quả cao.

Giai đoạn 2016-2019 cho thấy, tình hình kinh doanh của Diêm Thống Nhất dần suy giảm. Theo đó, doanh thu công ty năm 2019 dù tăng 12,2% lên 132,6 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế giảm 60% về vỏn vẹn 896 triệu đồng. Đây cũng là mức lãi thấp nhất của công ty trong giai đoạn 2016-2019.

NDT - Diem Thong Nhat

 

Tháng 10/2020, cổ phiếu DTN của công ty đã hủy đăng ký giao dịch do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Trước khi rời sàn, mã DTN đã bất ngờ tăng mạnh lên gần 63.000 đồng/cp, vùng giá cao nhất trong lịch sử.

Giống Diêm Thống Nhất, CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cũng phải “chia tay” thương hiệu đình đám Karaoke Arirang.

Theo đó, Maseco vào tháng 8/2019 đã công bố thông tin muốn thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho, trong đó có cả thương hiệu Arirang nổi tiếng đình đám một thời. Bên cạnh đó, công ty sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi karaoke cho bên mua để tiếp tục quyền sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng. Bên mua cũng thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo trì các sản phẩm công ty đã bán cho khách hàng. Cùng với đó, Maseco ủy quyền cho tổng giám đốc phê duyệt các phương án thanh lý tài sản cố định, công cụ dụng cụ khác có giá trị còn lại dưới 20 triệu đồng.

Vào những năm đầu 90, Maseco khá thành công với thương hiệu điện tử Arirang. Dù vậy, do các yếu tố như kỹ thuật thiết bị lỗi thời, định hướng kinh doanh chủ quan..., Arirang dần trở thành gánh nặng với Maseco.

Năm 2019, công ty lỗ ròng 49,7 tỷ đồng, sau khi lỗ tới 161 tỷ đồng năm 2018. 

NDT - Maseco

 

Tháng 8/2020, Maseco chính thức hủy niêm yết khỏi sàn HNX do không còn là công ty đại chúng.

Dù chưa đến mức phải xóa bỏ hay bán đi thương hiệu gắn liền với doanh nghiệp, nhưng CTCP Giày Thượng Đình (UpCOM: GTD) cũng đang vật lộn trong khó khăn.

Năm 2020, với ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, doanh thu công ty đạt 105,29 tỷ đồng, hoàn thành 75,2% kế hoạch đề ra, lỗ ròng 13,7 tỷ đồng.

Nhìn nhận về năm 2021, ban lãnh đạo Giày Thượng Đình đánh giá đây là một năm đầy thách thức, với anh hưởng tiêu cực từ đại dịch; giá sản phẩm khó tăng giá trong khi chi phí nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh; kế hoạch thoái vốn nhà nước, di dời không rõ ràng do vậy khó cho việc hoạch định sản xuất kinh doanh và tìm đối tác để hợp tác kinh doanh; lao động sẽ tiếp tục biến động, đặc biệt là công nhân sản xuất trực tiếp ảnh hưởng tâm lý do không yên tâm vì có thể di dời nhà máy;....

Với những khó khăn kể trên, Giày Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu 135 tỷ đồng và không lỗ trong năm 2021.

NDT - Giay Thuong Dinh

 

Và những doanh nghiệp hồi sinh

Dù vậy, không thiếu những cái tên “vang bóng một thời” đã lột xác sau một thời gian tái cấu trúc, thậm chí họ còn sống khỏe ngay giữa mùa dịch COVID-19.

Một trong các cái tên tiêu biểu là CTCP Nước giải khát Chương Dương (HoSE: SCD). Qua hơn 50 năm hoạt động, SCD phần nào khẳng định vị thế của mình với các sản phẩm trên thị trường như sá xị, soda, rượu nhẹ có gas, đặc biệt là sản phẩm Sá xị Chương Dương (Sá xị Con cọp).

Ngày 2/6/2004, doanh nghiệp có bước thay đổi quan trọng khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ góp vốn từ Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 51% (năm 2012, tăng lên 61,9%). 2 năm sau, công ty chính thức niêm yết tại HoSE với mã SCD.

Dù vậy, kể từ khi chuyển mình, tình hình kinh doanh của SCD liên tục đi xuống. Ban lãnh đạo SCD nhận định, việc công nghệ cũ, lạc hậu từ năm 2000, thậm chí có dây chuyền từ năm 1975 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Mặt khác, nguồn ngân sách tiếp thị yếu, chiến lược phân phối và bán hàng nhiều lỗ hổng... cũng là điểm yếu khiến SCD khó gia tăng thị phần.

Đã vậy, việc các hãng nước giải khát nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam như Coca Cola, Pepsi hay URC… luôn có chiến lược cạnh tranh giảm giá bán càng khiến cho SCD vật lộn trong khó khăn.  

Vì vậy, không ngạc nhiên khi SCD báo lỗ 3 tỷ đồng trong năm 2017

Bước ngoặt đến kể từ khi SCD được tiếp quản từ dàn lãnh đạo thuộc ThaiBev (chủ mới của Sabeco) từ năm 2018, doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình tích cực.

Cụ thể, người Thái chọn cách tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động để ổn định trong ngắn hạn, sau đó cải thiện dần về doanh số. Có thể thấy, từ khoản lỗ 3 tỷ đồng năm 2017, công ty chuyển thành lãi 6 tỷ đồng sau đó một năm và nhảy vọt lên gần 17 tỷ đồng năm 2019.

Qua giai đoạn chật vật thoát lỗ, công ty mở rộng hệ thống phân phối qua các kênh truyền thống, hiện đại, nhà hàng...Nhờ đó, doanh số từ kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng 36%, trong khi số lượng điểm bán tăng gần gấp rưỡi năm trước.

Trong năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến 294,6 tỷ đồng, tăng 81% so với thực hiện năm 2020, lãi sau thuế 4,58 tỷ đồng, tăng 34%.

NDT - Sa Xi Chuong Duong

 

Ngoài SCD, một cái tên khác không thể không nhắc đến là mì ăn liền Colusa - Miliket của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (UpCOM: CMN). Đây là thương hiệu mì ăn liền đầu tiên tại Việt Nam, tập trung vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Mì Miliket với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì qua thời gian đã hằn sâu trong tiềm thức người tiêu dùng Việt Nam.

Giống với mọi thương hiệu khác, Colusa – Miliket cũng chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp lớn như: Mì 3 miền, Vina Acecook, Asia Food, Masan…, những đơn vị không ngần ngại vung tiền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Colusa – Miliket tập trung vào chiến lược sản phẩm giá rẻ nhất trên kệ siêu thị, phân phối sỉ vào nhà hàng bình dân, thị trường nông thôn...Hướng đi này đã giúp doanh nghiệp duy trì doanh thu/lợi nhuận ổn định qua nhiều năm.

Mặt khác, Colusa – Miliket cũng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Tại BCTC năm 2020, doanh thu công ty đạt 614,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,13 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2019. Trong cơ cấu doanh thu của Colusa - Miliket, doanh thu từ nước ngoài lại tăng 23%, lên 49 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài cũng tăng vọt khi lên tới 13,2 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước.

NDT - Miliket

 

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản công ty là 250,8 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 177 tỷ đồng (tức chiếm 71% tổng tài sản) là tiền và tương đương tiền. Mặt khác, Colusa – Miliket cũng không vay nợ ngân hàng.

Trong năm 2021, Colusa – Miliket đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ khoảng 19.000 tấn, tổng doanh thu 710 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22,1 tỷ đồng. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ