Doanh nghiệp nỗ lực giữ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Thay đổi cách thức sản xuất cùng các phương pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định, tạo tiền đề giữ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.
NGUYỄN QUỲNH
09, Tháng 08, 2023 | 08:41

Thay đổi cách thức sản xuất cùng các phương pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định, tạo tiền đề giữ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.

Hoạt động xuất khẩu trong 7 tháng qua đã có những tín hiệu tích cực, nhờ các giải pháp đồng bộ được triển khai mạnh mẽ, nhằm tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại cũng như mở rộng thị trường. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng do những khó khăn chung của thị trường thế giới, nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu gặp khó với quy định mới

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính từ đầu năm kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ có mức sụt giảm nhiều nhất. Trong khi nhiều thị trường lớn và tiềm năng của xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày như EU, Mỹ, Canada lại đang có những thay đổi về chính sách thương mại, quy định về hàng hoá nhập khẩu nên dự báo sẽ là trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu.

detmmmay

DN ngành dệt may rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Ảnh: VOV.

Thông tin về xuất khẩu hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu, vì vậy doanh nghiệp (DN) ngành rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Từ thực tế biến động thị trường, nhiều DN ngành dệt may đã có điều chỉnh chiến lược xuất khẩu như tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù vậy, các DN rất mong đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu.

“Việc Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm lãi suất cho vay như thời gian qua đã hỗ trợ cho DN rất nhiều. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, do đó tiếp tục kiến nghị giảm lãi suất cho vay để trợ lực tốt hơn cho DN. Bên cạnh việc DN tìm cách giữ chân lao động, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người lao động”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Chỉ ra những quy định mới và khó từ thị trường EU và Mỹ khiến các DN sản xuất và xuất khẩu trong nước lúng túng, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) - bà Phan Thanh Xuân cho rằng, cơ hội xúc tiến thương mại từ các thị trường là giải pháp tốt nhất để bù đắp đơn hàng. Các DN rất cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách từ phía các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Việc chia sẻ thông tin thị trường sở tại nhanh và chính xác vô cùng quan trọng với DN.

“Hiện Hiệp hội đang tập hợp danh sách các DN đang tham gia xuất khẩu của Việt Nam để gửi cho các Thương vụ giới thiệu, kết nối thông tin cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hiệp hội sẽ chuẩn bị danh mục DN cần kết nối”, bà Xuân nêu định hướng.

Cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định không gây mất rừng của EU, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu, ngành gỗ rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Thương vụ trong tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh ngành gỗ Việt Nam.

Cập nhật kịp thời chính sách thị trường

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng qua tuy chưa như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh khó khăn, việc giữ được tăng trưởng xuất khẩu là nỗ lực rất lớn, cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định. Để phát huy được kết quả này thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan.

Khuyến cáo các DN trong nước cần phải chủ động thay đổi để đáp ứng những quy định nhập khẩu từ phía EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng...

“Với các DN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, chẳng hạn như với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...”, ông Quân lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải để hỗ trợ DN vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.

Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm. Tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp cũng như hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

“Các hiệp hội ngành hàng, DN cần điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị. Bên cạnh đó, DN cần chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.

(Theo VOV)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ