Doanh nghiệp ngành nhựa ‘kẻ khóc, người cười’

Nhàđầutư
Các doanh nghiệp ngành nhựa mới đây đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, bên cạnh kết quả khả quan về cả doanh thu và lợi nhuận thì không ít doanh nghiệp báo lãi sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí còn báo lỗ.
CHU KÝ
11, Tháng 05, 2020 | 14:16

Nhàđầutư
Các doanh nghiệp ngành nhựa mới đây đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, bên cạnh kết quả khả quan về cả doanh thu và lợi nhuận thì không ít doanh nghiệp báo lãi sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí còn báo lỗ.

Thống kê từ CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, đã có 716/760 công ty Hose và HNX đã công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế 41,6 nghìn tỷ, giảm 23,3% so cùng.

Trong đó: 42% số công ty công bố có lợi nhuận tăng trưởng dương và 20% công ty thua lỗ; 3 công ty tăng lợi nhuận sau thuế tuyệt đối lớn nhất VHM (4.303 tỷ), VPB (891 tỷ), HPG (484 tỷ), và 3 công ty giảm lớn nhất gồm HVN (-3.824 tỷ), PLX (-3.094 tỷ), VJC (-2.454 tỷ).

Theo ý kiến từ các chuyên gia, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết bị tác động mạnh ngay trong quý I/2020. 

Trong bối cảnh hiện tại, nhóm ngành nhựa được giới chuyên môn đánh giá cao.

Một trong các nguyên nhân chính là do giá dầu liên tục giảm sâu, bởi ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trong tháng 3, ghi nhận cho thấy, dầu WTI giảm 54%, dầu Brent giảm 55% xuống lần lượt 20,48 USD/thùng và 22,74 USD/thùng. Tính chung trong quý I/2020, cả 2 loại dầu đều giảm 66%.

1478508407-0

Ảnh minh họa: VPAS

Trong khi đó, hạt nhựa là nguyên liệu chế phẩm dầu mỏ nên có độ tương quan cao với giá dầu, đặc biệt là hạt nhựa PE và PP; hạt nhựa PVC dù có mức độ tương quan trung bình với giá dầu, tuy nhiên lại nhạy cảm hơn trong giai đoạn giá dầu giảm.

Ngoài yếu tố COVID-19, một tác nhân khác nữa cần phải kể đến là, Saudi Arabia vào khoảng tháng 3/2020 đã khởi động cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, không thống nhất về thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng. Mặc dù OPEC+ sau đó đã đạt được thỏa thuận trên, nhưng giá dầu tiếp tục giảm mạnh. Giới phân tích nhận định, việc cắt giảm sản lượng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu “vàng đen” giảm mạnh do dịch COVID-19 gây ra.

Dù vậy, khảo sát của Nhadautu.vn cho thấy, không phải tất cả doanh nghiệp ngành nhựa đều có báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020.

‘Kẻ cười…

Điển hình, “ông lớn” trong ngành nhựa có thể kể đến đầu tiên là CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) với mức doanh thu ghi nhận tại báo cáo tài chính quý I/2020, đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 9,5% cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 12%, lên 102 tỷ đồng. Tổng tài sản của BMP tính đến ngày 31/3/2020 đạt gần 2.949 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm.

Trong khi đó, doanh thu thuần quý I/2020 của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) giảm 4%, đạt 960 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhờ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 5%, đạt hơn 84,4 tỷ đồng, lợi nhuận khác tăng hơn 545 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lỗ gần 125 triệu đồng),… dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng 5,6%, đạt 75,6 tỷ đồng.

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 19% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận. Tính đến hết quý I này, tổng tài sản NTP đạt 4.222,6 tỷ đồng, giảm 7% so với thời điểm đầu năm.

Tương tự, CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) cũng có kết quả kinh doanh trái chiều, khi doanh thu thuần đạt gần 937 tỷ đồng, tăng 74%. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 61%, xuống còn hơn 3,3 tỷ đồng, một phần do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 43%, xuống còn 4 tỷ đồng; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 114%, lên gần 3 tỷ đồng;…

Đối với CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HoSE: PLP), đây là quý kinh doanh khởi sắc khi doanh thu thuần đạt 471 tỷ đồng, tăng 362% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 34%, lên 12,6 tỷ đồng.

CTCP Phụ gia Nhựa (HNX: PGN) cũng có kết quả kinh doanh đáng ghi nhận khi doanh thu thuần tăng 192%, lên gần 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng lên hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 53,5 triệu đồng.

…người khóc’

Bên cạnh những doanh nghiệp ngành nhựa có kết quả kinh doanh khả quan, một số doanh nghiệp khác trong ngành lại có kết quả khá “ảm đạm” như: CTCP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) với doanh thu thuần đạt 1.572 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 72%, xuống còn 62,6 tỷ đồng.

Đại diện AAA cho biết, tuy công ty vẫn duy trì tốt việc sản xuất kinh doanh hạt nhựa, bao bì, mở rộng thị phần, hoạt động vận tải nhưng trong quý I/2020 không phát sinh lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của công ty con như cùng kỳ năm ngoái nên dẫn tới lợi nhuận sau thuế trong quý này giảm.

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 16% kế hoạch doanh thu và 11,3% chỉ tiêu lợi nhuận.

Hay CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (HoSE: DAG) ghi nhận tại báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, doanh thu thuần giảm đến 79%, xuống còn 12,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 37,8 triệu đồng, giảm 98% (cùng kỳ năm trước đạt gần 2,4 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Bá Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nhựa Đông Á, doanh thu và lợi nhuận quý I/2020 giảm mạnh là một phần do lịch nghỉ Tết cổ truyền rơi vào ngày 18/1 – 28/1/2020 nên doanh thu giảm.

“Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã làm thiếu hụt lực lượng lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, thị trường tiêu thụ kém. Cũng như, việc thực hiện chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh như: Đóng cửa hàng, tạm ngừng kinh doanh toàn bộ các cơ sở kinh doanh, trừ các cơ sở kinh doanh về dịch vụ nhu yếu phẩm cho người dân. Điều này cũng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền thu của công ty”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nhựa Đông Á cho biết.

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính quý I/2020 của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX: SPP) không ghi nhận mức doanh thu nào và báo lỗ gần 10 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 769,7 triệu đồng).

Trước tình trạng đó, SPP đã gửi phương án phục hồi sản xuất, trong đó nêu rõ công ty đang cố gắng thuyết phục và chờ đợi nhà đầu tư là Tập đoàn PHI Group để đẩy nhanh tiến độ và lộ trình hợp tác của hai bên. Tuy vậy do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên sự hợp tác đang tạm thời bị gián đoạn.

Dự kiến PHI Group sẽ tiếp tục lộ trình góp vốn giai đoạn 1 khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và các chính sách mở cửa kinh tế được trở lại bình thường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ