DNNN tìm cách dứt “bầu sữa” bảo lãnh

Cuối tuần trước, EVN công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo đánh giá của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings ở mức BB (ổn định).
NGỌC LAN
19, Tháng 06, 2018 | 07:27

Cuối tuần trước, EVN công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo đánh giá của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings ở mức BB (ổn định).

7e3c6_dien_luc

Công nhân ngành điện. Ảnh: Thành Hoa 

Xếp hạng này nhằm đánh giá khả năng vay/trả nợ của EVN bằng ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế. EVN cho biết đây là một bước đi trên đường hướng tới mục tiêu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng đô la Mỹ, không thông qua bảo lãnh Chính phủ hay Chính phủ vay về cho vay lại.

Thứ hạng này của EVN tương đương với hệ số tín nhiệm quốc gia BB của Việt Nam cũng mới được công bố gần đây. Và tất nhiên, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp luôn chịu ảnh hưởng của xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nhất là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như EVN. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao EVN bắt đầu công bố rộng rãi kết quả xếp hạng tín nhiệm này. Trong khi đó, từ nhiều năm trước, một số tập đoàn như tập đoàn Dầu khí (PVN) hay tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) cũng đã phải thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm qua các tổ chức xếp hạng khác như Morgan Stanley hay Standard & Poor’s trước mỗi kỳ hoàn tất hồ sơ phát hành trái phiếu quốc tế. Song từ năm 2010 đến nay, sau hàng loạt các khó khăn không trả được nợ của Vinashin (các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ 750 triệu đô la Mỹ cho doanh nghiệp này vay - NV)... không có một đợt phát hành trái phiếu quốc tế nào của DNNN được công bố nên các kết quả xếp hạng tín nhiệm (bắt buộc cho hoạt động phát hành trái phiếu) cũng không được đặt ra.

Chọn con đường làm hồ sơ vay vốn qua mức xếp hạng tín nhiệm ổn định là bước chuẩn bị dài cho EVN để tìm cách khác sau khi dứt “bầu sữa” bảo lãnh chính phủ.

Mục đích công bố của EVN cũng không nằm ngoài việc chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn vay. Thông thường từ trước đến nay, ngoài các khoản vay thương mại phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, các khoản vay nước ngoài khác của EVN phục vụ cho các dự án phát điện lớn hay truyền tải điện thường được Chính phủ bảo lãnh. Tính đến hết năm 2017, EVN là doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay quốc tế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong năm 2017, báo cáo của Chính phủ mới đây cho biết đã không thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án mới vay vốn nước ngoài. Hạn mức rút vốn ròng các dự án đã được Chính phủ bảo lãnh năm ngoái là 700 triệu đô la Mỹ nhưng thực tế ước thực hiện rút vốn khoảng 1,12 tỉ đô la, trả nợ gốc khoảng 1,47 tỉ đô la Mỹ. Điều này dẫn đến dư nợ cuối năm thấp hơn so với đầu năm (giảm 7,87 tỉ đô la). Nguyên nhân giảm dư nợ bảo lãnh là không phát sinh cấp mới bảo lãnh dự án đồng thời hai năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện trả nợ trước hạn để tất toán khoản vay. 

Thống kê cho thấy, dư nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với nợ nước ngoài năm 2017 bằng 4,9% GDP (247.169 tỉ đồng), thấp hơn mức 5,7% GDP (255.026 tỉ đồng) của năm trước đó. 

Hơn thế nữa, Chính phủ cũng công bố hạn mức vay thương mại nước ngoài được bảo lãnh năm nay là 700 triệu đô la Mỹ. Con số này chỉ tương đương với mức vay một dự án truyền tải điện mà Chính phủ đã từng bảo lãnh cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của EVN hàng năm lên đến 6-7 tỉ đô la. Do vậy, chọn con đường làm hồ sơ vay vốn qua mức xếp hạng tín nhiệm ổn định (lãi suất vay sẽ thấp hơn) là bước chuẩn bị dài cho EVN để tìm cách khác sau khi dứt “bầu sữa” bảo lãnh chính phủ.

Trước EVN, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng tự tìm cách “dứt” bảo lãnh chính phủ đối với các khoản vay phát triển đội bay thế hệ mới vì dù có được bảo lãnh thì các điều kiện vay nước ngoài vẫn không có lợi. Chẳng hạn như, ngay khi ký kết khoản vay, hợp đồng giải ngân cũng được thực hiện và tiền về tài khoản của bên vay đồng thời với việc tính lãi luôn. Có nghĩa là, dù bên đi vay muốn được giải ngân vốn theo tiến độ sử dụng cũng không thể thực hiện được, như vậy chi phí vốn sẽ tăng.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ