Điểm danh hàng loạt khu du lịch sinh thái 'chui' ở Đà Nẵng

Nhàđầutư
Đà Nẵng vừa “điểm danh” một loạt các mô hình du lịch sinh thái không phép trên địa bàn xã Hoà Bắc (huyện Hòa Vang), chính quyền địa phương thừa nhận có tình trạng trên nhưng mong muốn có cơ chế để cùng người dân tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch bền vững.
NGUYỄN TRI
12, Tháng 05, 2022 | 16:53

Nhàđầutư
Đà Nẵng vừa “điểm danh” một loạt các mô hình du lịch sinh thái không phép trên địa bàn xã Hoà Bắc (huyện Hòa Vang), chính quyền địa phương thừa nhận có tình trạng trên nhưng mong muốn có cơ chế để cùng người dân tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch bền vững.

Tự phát làm du lịch sinh thái

Ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng) vừa báo cáo kết quả giám sát chuyên đề liên quan đến tình hình quản lý đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Qua giám sát thực tế, Ban Đô thị nhận thấy xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú. 

Đơn cử như khu du lịch A Lăng Như (thôn Giàn Bí), Heart Organic Farm (thôn Phò Nam), khu Làng Coco (thôn Lộc Mỹ), khu Làng Mê (thôn Nam Yên), khu Yên Retreat (thôn Nam Yên)…. Bên cạnh đó, một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tổ chức tự phát mô hình du lịch sinh thái ở tuyến đường thôn Tà Lang - Giàn Bí cũng chưa đúng quy định.

Hòa Bắc là một xã miền núi của huyện Hòa Vang, có vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng…, nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Vì thế, một số hộ dân xây dựng những mô hình du lịch sinh thái để tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập.

du-lich-xinh-thai-1

Ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng) vừa “điểm danh” một loạt các mô hình du lịch sinh thái không phép trên địa bàn xã Hoà Bắc.

Ông Đinh Văn Như, chủ homestay A Lăng Như (thôn Giàn Bí) chia sẻ, việc khai thác du lịch là để làm kinh tế, tạo thêm sinh kế cho bà con và quảng bá văn hóa Cơ Tu. Homestay của ông được thiết kế đơn giản từ nguyên liệu thiên nhiên như tre, gỗ, đá….

Còn ông Bùi Đức Vũ, chủ khu Yên Retreat cho biết, thời điểm bắt đầu, lãnh đạo huyện tạo điều kiện và hỗ trợ ông làm điểm du lịch sinh thái với điều kiện phải bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

“Vì vậy, tôi chỉ dựng một số ghế gỗ, tiểu cảnh để khách check-in và một số lều ngủ. Còn lại không xây dựng một công trình nào và đón không quá 50 du khách. Chúng tôi nhận sai về mặt pháp luật và mong muốn thành phố, địa phương cùng ngành chức năng tạo điều kiện cho các điểm du lịch”, ông Vũ nói.

Cùng tháo gỡ

Là một xã miền núi thuần nông nghiệp, kinh tế xã Hòa Bắc trong những năm qua thuần dựa vào nông nghiệp với một số cây chủ lực như mía, ngô, dưa hấu… Tuy nhiên, các cây nông nghiệp chủ lực đều rơi vào tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa cũng mất giá", nhất là trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, thu nhập của đời sống người dân xã Hòa Bắc rất bấp bênh.

Theo một lãnh đạo xã Hòa Bắc, công văn của Ban Đô thị gửi HĐND TP. Đà Nẵng có một số đặc điểm chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như nội dung "một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái dọc tuyến đường Tà Lang - Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu" là không có.

Bên cạnh đó, các trường hợp được "điểm danh" xây dựng không đúng quy định trên thực tế đều là những mô hình của người địa phương, các lều trại, hàng quán được lắp bằng vật liệu thô sơ như tre, nứa, gỗ…, không có trường hợp “bê tông hóa”.

du-lich-xinh-thai-2

Xã Hòa Bắc có vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng… nhiều tiềm năng để khai thác du lịch.

“Muốn tháo dỡ các mô hình rất dễ vì người dân làm cũng đơn sơ. Nhưng thay vì cấm đoán, chính quyền mong muốn tìm cách giải quyết, tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch sinh thái như một hướng đi mới để tạo sinh kế và thu nhập cho người dân. Tất nhiên là phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo xã Hoà Bắc chia sẻ.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc xác nhận có tình trạng người dân trên địa bàn làm du lịch trên đất nông nghiệp. Dù việc làm này làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân nhưng trong quá trình triển khai người dân vẫn chưa hiểu rõ nên còn vướng quy định của pháp luật.

"UBND xã mong muốn HĐND thành phố, UBND TP. Đà Nẵng, UBND Huyện Hòa Vang cho chủ trương để 5 điểm này tiếp tục được kinh doanh theo hướng dịch vụ ăn uống và giải trí. UBND xã sẽ thực hiện đúng các quy định về pháp luật, không để phát sinh các trường hợp tương tự. Đồng thời, xã sẽ tháo dỡ các lều dựng tạm để đảm bảo không có yếu tố lưu trú và hướng dẫn các hộ đăng ký thực hiện theo Nghị quyết số 82/NQ-HĐND của HĐND TP. Đà Nẵng”, ông Nam thông tin thêm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp (theo Nghị quyết 82 của HĐND TP. Đà Nẵng), UBND huyện sẽ hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Hình ảnh các mô hình du lịch sinh thái "chui" ở xã Hoà Bắc:

du-lich-xinh-thai-3

Hòa Bắc là một xã miền núi của huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng).

du-lich-xinh-thai-4

Các mô hình du lịch sinh thái được lắp bằng vật liệu thô sơ như tre, nứa, gỗ…

du-lich-xinh-thai-5

Một số hộ dân xây dựng các mô hình du lịch sinh thái để tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập.

du-lich-xinh-thai-6

Các mô hình du lịch sinh thái thường thu hút khách vào những ngày cuối tuần.

du-lich-xinh-thai-7

Chủ các mô hình du lịch sinh thái tạo thêm các tiểu cảnh để khách check-in.

du-lich-xinh-thai-9

Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ