Di sản nặng nề tân Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam sẽ phải gồng gánh

Nhàđầutư
Từng là một trong những tập đoàn mạnh nhất thuộc ngành Công Thương. Tuy nhiên, dưới tay của ông Nguyễn Anh Dũng và bộ sậu, doanh nghiệp này đã tàn tạ đi trông thấy. Tân chủ tịch Nguyễn Phú Cường sẽ phải giải quyết một 'di sản' nặng nề khi hàng loạt dự án thua lỗ, dừng hoạt động.
PHAN CHÍNH
28, Tháng 02, 2018 | 08:07

Nhàđầutư
Từng là một trong những tập đoàn mạnh nhất thuộc ngành Công Thương. Tuy nhiên, dưới tay của ông Nguyễn Anh Dũng và bộ sậu, doanh nghiệp này đã tàn tạ đi trông thấy. Tân chủ tịch Nguyễn Phú Cường sẽ phải giải quyết một 'di sản' nặng nề khi hàng loạt dự án thua lỗ, dừng hoạt động.

IMG_9659

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao quyết định và tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Phú Cường trên cương vị mới . Ảnh: Phan Chính

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chính thức trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Tại buổi lễ, ông Cường cũng được đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trao Quyết định Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thay người tiền nhiệm bị kỷ luật do những sai phạm trong quản lý.

Phát biểu tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những thách thức trên cương vị mới ở Vinachem là rất lớn lao, tuy nhiên Bộ trưởng tin tưởng với kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ của mình, ông Cường sẽ giúp Tập đoàn tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới.

Trước đó, theo quyết định số 188 của Thủ tướng, từ ngày 8/2, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học & công nghệ (Bộ Công Thương) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem. Ông Cường tiếp quản chức Chủ tịch Vinachem thay ông Nguyễn Anh Dũng, người đã bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng vì những sai phạm trong quản lý.

Như Nhadautu.vn đã phản ánh, tại Kỳ họp thứ 16, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Vinachem và một số cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên.

Tập đoàn và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên. Điển hình như Công ty Đạm Ninh Bình lỗ 4 năm liền; một số công ty của Tập đoàn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả. Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ; trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả.

IMG_9710

Tân Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Phan Chính 

Đối với cá nhân, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015.

Với trách nhiệm người đứng đầu, ông Nguyễn Anh Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.

Ông Dũng cũng thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.

Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và các ông Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Quang Chiêu, Nguyễn Quốc Tuấn, Đỗ Duy Phi là rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Đối mặt với những dự án thua lỗ nghìn tỷ

Khi gánh trên vai trọng trách Chủ tịch HĐTV Vinachem, chắc chắn ông Nguyễn Phú Cường sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nóng tại Tập đoàn này, trong đó 4/5 dự án đầu tư thua lỗ nghìn tỷ có lẻ là câu chuyện mất ăn, mất ngủ nhiều nhất.

Dam ninh binh-09956

Dự án đạm Ninh Bình là một trong những khó khăn mà tân Chủ tịch Vinamchem phải đối mặt

Giai đoạn 2010-2011, Việt Nam cần mỗi năm 2,2 triệu tấn phân urê (phân đạm), trong khi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được một nửa, chưa kể đòi hỏi của thị trường với các loại phân bón khác. Yêu cầu mở rộng các nhà máy hiện có cũng như phát triển những cơ sở sản xuất mới là tiền đề triển khai loạt dự án tại các công ty thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Riêng Đạm Hà Bắc - “anh cả” của ngành phân đạm Việt Nam - khi ấy kỳ vọng đưa sản lượng lên khoảng 500.000 tấn bằng phương án mở rộng trong vòng 4 năm. Kế hoạch này được triển khai năm 2011 với tổng mức đầu tư gần 567 triệu USD (hơn 10.100 tỷ đồng). Cùng lúc, Nhà máy Đạm Ninh Bình (được đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng) cũng bắt đầu đi vào giai đoạn hoàn tất và chạy máy từ năm 2012. Đây cũng là thời điểm nhà máy sản xuất phân bón hỗn hợp của Vinachem là DAP Đình Vũ (Hải Phòng) đã hoạt động và tập đoàn này bắt đầu đầu tư cho một dự án khác là DAP Lào Cai.

Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn tất mở rộng năm đầu tiên (2015), Đạm Hà Bắc đã công bố lỗ 669 tỷ đồng (cao hơn số lỗ theo kế hoạch 70 tỷ đồng). Con số tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ một năm sau đó. Chung số phận, Đạm Ninh Bình cũng ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên sản xuất (2012). Trong vòng 5 năm, số lỗ lũy kế tại dự án này đã vượt trên 3.100 tỷ đồng.

Sau 2 nhà máy đạm, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai cũng là những cái tên mới được bổ sung vào danh sách 12 dự án thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ. Nếu DAP Lào Cai lỗ ngay sau năm đầu tiên vận hành (cuối 2014) và lợi nhuận âm đến nay khoảng 1.000 tỷ đồng, DAP Đình Vũ cũng lần đầu ghi nhận lợi nhuận 400 tỷ năm 2016 sau 7 năm chạy máy.

Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương, lãnh đạo Vinachem thừa nhận tập đoàn đang "bị khó khăn mọi mặt bủa vây”, lỗ 628 tỷ đồng năm 2016, trong đó chủ yếu đến từ 4 dự án nêu trên.

Trong khi đó, dự án muối mỏ Kali tại Lào do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư cũng đã trở thành dự án thua lỗ nghìn tỷ thứ 13 của ngành Công Thương. Đây là dự án do Vinachem là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng); BIDV 161 triệu USD; VietinBank 143 triệu USD.

Dự án này có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm và tiến hành khai thác vào năm 2020, với công suất khai thác 320.000 tấn một năm. Tuy nhiên sau hơn 2 năm khởi công, dự án đã tạm dừng từ năm 2017. Báo cáo của Vinachem về dự án cho biết lý do "tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc triển khai".

Năm 2017, 20 đơn vị thành viên của Vinachem ghi nhận lãi gần 2.200 tỷ đồng nhưng do lỗ phát sinh chủ yếu là đến từ 4 dự án yếu kém, thua lỗ lên tới 2.115 tỷ, nên tổng số lãi có được của tập đoàn chỉ còn 47 tỷ đồng. Doanh thu của toàn tập đoàn đạt 44,971 tỷ, tăng 5% so với năm 2016.

Chắc chắn, khi kế nhiệm ông Nguyễn Anh Dũng để lèo lái "con thuyền Vinachem", việc xử lý các dự án thua lỗ sẽ là thử thách lớn nhất đối với ông Nguyễn Phú Cường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ