Đế chế đa ngành của 'nữ tướng' Vimedimex vừa bị khởi tố

Nhàđầutư
Là ông lớn hàng đầu trong mảng dược phẩm, song bà Nguyễn Thị Loan cùng Vimedimex còn được biết đến nhiều với đà nổi lên rất nhanh trong lĩnh vực bất động sản.
HỮU BẬT
10, Tháng 11, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Là ông lớn hàng đầu trong mảng dược phẩm, song bà Nguyễn Thị Loan cùng Vimedimex còn được biết đến nhiều với đà nổi lên rất nhanh trong lĩnh vực bất động sản.

Screen Shot 2021-11-09 at 11.29.48 PM

Ảnh: Internet

Như đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ngày 9/11 đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác để điều tra về cùng hành vi trên, với cáo buộc gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 29/10/2021, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định huỷ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Dự án Helianthus Center Red River).

Đây là thông tin thu hút sự chú ý lớn của dư luận, khi bà Nguyễn Thị Loan cùng tập đoàn Vimedimex là những tên tuổi có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970, quê quán Đà Bắc, Hòa Bình. Bà từng có 10 năm công tác tại Ngân hàng BIDV, ở các vị trí Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Quản lý rủi ro.

Tới tháng 4/2009, bà Loan tham gia vào HĐQT CTCP Y dược phẩm Vimedimex, với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 9/2012, bà được bầu làm Chủ tịch HĐQT, và từ đó tới nay gắn với vị trí lãnh đạo cao nhất tại cựu thành viên Bộ Y Tế.

Như đã đề cập, từ giai đoạn 2008-2017, bà Nguyễn Thị Loan từng bước hoàn tất thâu tóm Vimedimex, khi tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, bằng nhiều cách khác nhau, giảm mạnh từ mức chi phối 51% về còn vỏn vẹn 10,23%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ đông của nữ doanh nhân gốc Hoà Bình trực tiếp và gián tiếp sở hữu ít nhất 72,47% tới cuối tháng 6/2021. 2 nhóm cổ đông thiểu số còn lại là Tổng công ty Dược Việt Nam (10,23%) và gia đình Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Hùng (3,9%).

CTCP Y dược phẩm Vimedimex đang niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) với mã VMD, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối dược phẩm, bên cạnh những Zuelig Pharma Vietnam, Sang Pharma hay Phytopharma. 

9 tháng đầu năm 2021, Vimedimex đạt doanh thu 9.898 tỷ đồng, lãi sau thuế 28,3 tỷ đồng. Tổng tài sản tới cuối tháng 9/2021 là 6.183 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Vimedimex có kế hoạch khai trương 36 trung tâm phân phối dược phẩm và 180 siêu thị thuốc mini tuyến huyện. Không chỉ dừng lại ở mảng phân phối, doanh nghiệp này còn có tham vọng lấn sân vào mảng nghiên cứu, sản xuất, khi đang hợp tác với Công ty Vimedimex 2 xây dựng 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU gồm nhà máy sản xuất NonBetalactam và nhà máy sản xuất Cephalosporin, dự kiến đưa vào vận hành tháng 9/2022 và tháng 12/2022.

Từ đầu năm 2021, Vimedimex cũng là cái tên hoạt động tích cực trên thị trường vaccine COVID-19. Doanh nghiệp này cho biết đã ký hợp đồng nhập khẩu hàng chục triệu liều vaccine Sputnik V, Pfizer, Janssen và Hayat-Vax.

Trong lĩnh vực tài chính, bà Nguyễn Thị Loan từng cùng ông Trần Văn Kỳ (hiện là Chủ tịch Hateco Group) đầu tư vào một loạt doanh nghiệp trong ngành như CTCP Chứng khoán Hoà Bình, CTCP Quản lý Quỹ Quốc tế, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Quốc tế, ngoài ra còn phải kể đến CTCP Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội, CTCP Đầu tư và Phát triển Hoà Bình.

Đáng chú ý, CTCP Đầu tư và Phát triển Hoà Bình từng có thời gian là cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Bà Nguyễn Thị Loan cũng có 2 năm làm Phó Chủ tịch HĐQT nhà băng này, trước khi từ nhiệm vào năm 2013. Còn Hoà Bình cũng rút hết vốn khỏi VietABank vào giữa năm 2019.

Screen Shot 2021-11-09 at 11.44.30 PM

Bà Nguyễn Thị Loan. Ảnh: Internet

Tham vọng địa ốc với Vimefulland

Song song với dược phẩm hay tài chính, bà chủ Vimedimex Nguyễn Thị Loan còn một cuộc chơi rất lớn khác là bất động sản, với pháp nhân chuyên trách là Vimefulland.

Vimefulland là thương hiệu địa ốc nổi lên rất nhanh ở thị trường Hà Nội trong khoảng 5 năm trở lại. Sau thành công của dự án Belleville (cuối năm 2016), Vimefulland cho ra mắt loạt dự án tại đất vàng Hà Nội khác là Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm, diện tích 1,9ha; dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì, diện tích 8ha hay dự án Iris Garden tại quận Nam Từ Liêm, The Jade Orchid diện tích 6,1 ha tại Bắc Từ Liêm, hay chính dự án Helianthus Center Red River tại Đông Anh.

Cùng với đó, tập đoàn này không ngừng mở rộng danh mục dự án/ quỹ đất, chẳng hạn dự án Khu đô thị An Thịnh 6, Hoài Đức hợp tác với Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam; dự án Khu đô thị Sơn Đồng quy mô 310ha cũng tại Hoài Đức; dự án BT đổi 60ha đất vàng ở quận Hoàng Mai; dự án Bel Air tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 2,5ha; Dự án Annecy Garden quận Hoàng Mai với diện tích 25ha; Dự án The Grand Sevilla tại quận Hai Bà Trưng với diện tích 54,5ha; Dự án Torre Agbar Parkview tại quận Hoàng Mai với diện tích 1,68ha, hay tổ hợp Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng có diện tích lên tới 177,2ha...

Giai đoạn 2018-2019, CTCP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex nhận chuyển nhượng lô đất TM01 có diện tích 19.704m2 và 2 lô đất CT05, CT06 có diện tích 59.629m2 tại dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) từ Công ty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long - liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Giữa năm 2019, CTCP BĐS Thanh Trì đã nhận chuyển nhượng từ UDIC 161 căn biệt thự ở 2 lô đất BT02 và BT06 với tổng diện tích đất 40.662,6m2, và 81 căn biệt thự tại lô BT05 với diện tích đất gần 14.000m2.

Cũng vào giữa năm 2019, cùng thời điểm các thành viên Vimefulland cấp tập nhận chuyển nhượng các lô đất thành phần trong đại dự án Ciputra, thì UDIC, lưu ý là một doanh nghiệp nhà nước, đồng thời ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng dự án Cụm công nghiệp CN3 thuộc cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn (Hà Nội) có diện tích 78,95ha cho Vimedimex.

Khác với nhiều tập đoàn hoạt động theo mô hình holding - công ty mẹ quản lý vốn tại các công ty con, các thành viên trong Vimedimex Group lại khá độc lập về cơ cấu sở hữu, hầu hết các mắt xích phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn này đều được đứng tên bởi các cá nhân thân cận của bà Nguyễn Thị Loan.

Đơn cử như tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà ở Bắc Từ Liêm, Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, người đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Bất động sản Vimedimex. Hay như tại CTCP Đầu tư bất động sản Thanh Trì, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là bà Trịnh Ngọc Duyên (SN 1988) - Phó Tổng giám đốc VMD.

Cùng với đó, phải kể đến vai trò của Lê Xuân Tùng - con trai bà Nguyễn Thị Loan. Ngoài chức vụ Phó Tổng giám đốc VMD, doanh nhân trẻ sinh năm 1995 còn đứng tên tại CTCP Đầu tư tổng hợp Đông Sơn - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sơn Đồng quy mô 310ha tại Hoài Đức, Hà Nội. Ông Tùng cũng đang nắm giữ 10,73% vốn tại CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng - chủ đầu tư dự án BT 60ha ở Hoàng Mai, 8 triệu cổ phần tại CTCP Đầu Tư Thương Mại & Dịch Vụ Á Âu hay 50% vốn tại Công ty TNHH Bất động sản An Dương - doanh nghiệp hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Minh Dương thực hiện dự án Khu chức năng đô thị mới Minh Dương, Hoài Đức.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ