Để cán bộ không thể, không dám và không muốn tham nhũng

Vừa qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo, thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
NHƯ Ý
27, Tháng 05, 2023 | 07:30

Vừa qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo, thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Làm một vụ nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn nữa, bên cạnh việc việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý nghiêm, một nội dung rất quan trọng cần được thực hiện song song, đó là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực một cách chặt chẽ, làm sao để cán bộ "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 20/3 vừa qua, khẳng định việc hoàn thiện thể chế để làm sao không thể tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.

To-Lam

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 20/3 vừa qua.

Ngoài điều tra chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được đặt ra, đó là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội nhằm kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng như mục tiêu đã đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bộ trưởng lấy ví dụ một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục…, góp phần minh bạch cho các hoạt động này. “Mục tiêu là làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực, làm sao cho những đối tượng tham nhũng bị xử lý, những người đang có những kiểu cách làm việc như những đối tượng đó, các đơn vị, các công ty đang có những phương thức kiểu như thế cũng phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý”, Đại tướng Tô Lâm cho hay.

Theo Đại tướng Tô Lâm, để không thể tham nhũng, về mặt quản lý nhà nước phải rà soát lại tất cả những quy định trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những sơ hở khiến đối tượng phạm tội có thể lợi dụng. Một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp thể hiện rất rõ. "Những vụ án, vụ việc đó không nhiều, chứng khoán làm một vụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hai vụ nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học phải rút kinh nghiệm và phải chấn chỉnh, kể cả những quy định từ thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí cho đến luật nếu những quy định còn có chỗ hở để phòng ngừa tội phạm, ngăn ngừa không cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng", ông Tô Lâm nói.

"Không muốn thì phải đủ, tất nhiên không thể vô cùng"

Cũng đề cao vai trò công tác hoàn thiện thể chế để không thể, không dám, không muốn tham nhũng, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nhận định cần phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp.

Le-Minh-Tri

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Để không thể tham nhũng, cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, phải có quy định chế tài trách nhiệm về quản lý nhà nước nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý tốt, không bị lợi dụng. Để không dám tham nhũng, phải điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi; qua đó nâng cao tính răn đe, làm cho những đối tượng có ý đồ không lành mạnh hoặc vi phạm pháp luật phải chùn tay.

Để không muốn tham nhũng, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng cần phải có sự thay đổi về chế độ chính sách, nhất là tiền lương đối với đội ngũ cán bộ. Thời gian qua, chế độ chính sách cho cán bộ ở các cấp nói chung mặc dù đã có nhiều cố gắng, thể hiện qua việc định kỳ tăng lương, nhưng với điều kiện như hiện này thì “cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn”.

Viện trưởng Viện KSND tối cao nêu vấn đề, một mặt đòi hỏi chất lượng công việc tốt, nhưng một mặt cũng phải nghiên cứu để có lộ trình, giải pháp nhằm xây dựng chế độ chính sách có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu, giúp cán bộ an tâm công tác. “Chúng ta nói rằng không muốn, nhưng không muốn thì phải đủ, tất nhiên không thể vô cùng được. Hiện nay nguồn ngân sách có hạn, nhưng chúng ta phải luôn luôn quan tâm đến để ít nhất cũng giảm bớt khó khăn cho những người tâm huyết, nhiệt huyết”, ông Trí nói.

Cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Theo Thanh tra Chính phủ, một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm. Nguyên nhân chủ yếu là do số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Cùng đó là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng quá trình thi hành án…

Nguyen-Hoa-Binh

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao.

Lấy dẫn chứng về việc án khó thi hành, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhắc tới vụ án bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao Ngân hàng TrustBank) và ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trong đó, bà Phấn bị tuyên phải bồi thường hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng hiện đã chết khi bản án chưa thi hành xong; ông Thăng phải đền 600 tỉ đồng trong vụ OceanBank nhưng "đây cũng là bản án khó thi hành, cách nào để làm cho bản án này thực thi trên thực tế thì chưa tìm ra được giải pháp".

Để thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao, ông Bình cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải được nâng cao chất lượng, kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng. Chánh án TAND tối cao cũng viện dẫn thực tiễn từ một số quốc gia, coi tham nhũng là một loại tội phạm đặc thù, bên cạnh nghĩa vụ chứng minh của cơ quan chức năng thì cũng tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can, nếu nghi can có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp sẽ bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu.

Cùng vấn đề, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện kiểm soát thu nhập, truy tìm tài sản bị tẩu tán. Hiện Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ