Đằng sau sự suy thoái của cổ phiếu Sabeco, Coteccons

Nhàđầutư
Từng là những mã bluechip được giới đầu tư ưa chuộng nhờ năng lực tài chính, cũng như tiềm năng tăng trưởng, song cổ phiếu Coteccons, Sabeco hiện tại đang trong xu hướng suy giảm bất chấp chỉ số VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử.
HÓA KHOA
16, Tháng 05, 2021 | 10:45

Nhàđầutư
Từng là những mã bluechip được giới đầu tư ưa chuộng nhờ năng lực tài chính, cũng như tiềm năng tăng trưởng, song cổ phiếu Coteccons, Sabeco hiện tại đang trong xu hướng suy giảm bất chấp chỉ số VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử.

gettyimages-822015000

Ảnh: Internet.

Bluechip là thuật ngữ có nguồn gốc từ bài poker, trong đó các chip màu xanh là những chip đắt nhất. Ở lĩnh vực chứng khoán, bluechip ám chỉ cổ phiếu của các công ty lớn, có nền tài chính, hoạt động tốt trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các mã bluechip thường có vốn hóa rất lớn, ảnh hưởng tới chỉ số chung. 

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh chỉ số VN-Index liên tục tăng trưởng trong một năm trở lại đây, các cổ phiếu trong rổ VN30 và những bluechip ngoài rổ này đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, nếu VN-Index trong một năm giao dịch trở lại đây tăng khoảng 53,12% thì VN30 tăng tới 78,3%. Dẫu vậy, thị trường tăng không có nghĩa là tất cả các mã đều sinh lời. Điều này còn đúng với một số mã cổ phiếu bluechips, trong đó đáng chú ý phải kể đến là SAB của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và CTD của CTCP Xây dựng Coteccons – những “người cũ” tại VN30.

Giá cổ phiếu không chỉ phản ánh hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính, mà còn là kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng phát triển, mở rộng trong tương lai của doanh nghiệp.

Với Sabeco, Coteccons, điều gì khiến cổ phiếu của cặp đôi này giảm mạnh thời gian qua?

"Nội chiến" kéo lùi Coteccons

Cuối năm 2017, VN-Index có sự tăng trưởng mạnh mẽ với sự đóng góp đáng kể của CTD, khi mã cổ phiếu này tăng liên tục và đạt đỉnh 215.930 đồng/CP (giá điều chỉnh) tại phiên 14/11/2017.

Dù vậy, kể từ năm 2018 trở đi, cổ phiếu CTD liên tục giảm mạnh. Thậm chí, trong kỳ cơ cấu rổ VN30 vào quý III/2020, mã này bị loại khỏi nhóm VN30 do giá trị vốn hóa thị trường thấp. Tính tại phiên 20/7/2020, thị giá CTD là 77.950 đồng/cp (giá điều chỉnh), giảm gần 64% từ mức giá đỉnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, đến hết phiên 14/5, thị giá CTD là 57.000 đồng/cp, giảm tới 73,6% so với mức đỉnh. Nếu xét trong một năm giao dịch trở lại đây, CTD giảm 9,56%.

Sự suy giảm của giá cổ phiếu phản ánh rõ nét những thách thức của doanh nghiệp, và đã kéo dài từ thời cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương còn tại vị. Coteccons vẫn duy trì vị thế nhà thầu số 1 Việt Nam, tuy nhiên ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, trong khi biên lợi nhuận ngành mỏng dần. 

Doanh thu của Coteccons sau khi đạt đỉnh 28.561 tỷ đồng năm 2018, đã giảm mạnh 17% trong năm 2019. Lãi sau thuế cũng tụt dốc 90% từ 1.653 tỷ đồng năm 2017 về 150 tỷ đồng năm 2018, trước khi phục hồi về 711 tỷ đồng năm 2019, tuy nhiên vẫn cách xa mức đỉnh cũ.

Hiệu quả hoạt động giảm sút là một nguyên nhân dẫn tới bất đồng giữa các nhóm cổ đông ngoại và lãnh đạo Coteccons. Sau thời gian dài leo thang căng thẳng, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đầu tháng 10/2020 quyết định rút khỏi Coteccons, kéo theo hàng loạt nhân sự cấp cao, sau đó thành lập một doanh nghiệp xây dựng mới là Newtecons, cạnh tranh trực tiếp, lấy lại nhiều dự án trước đây do Coteccons thi công.

Coteccons đã khó, lại càng khó khăn hơn. Năm 2020, cùng với tác động của dịch bệnh COVID-19, doanh thu, lợi nhuận của nhà thầu này tiếp tục giảm mạnh, với biên độ 39% và 53%. Năm 2021, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 16% với chỉ tiêu lợi nhuận.

ndt - ctd

 

Nếu xét về các chỉ tiêu tài chính, Coteccons vẫn là một doanh nghiệp rất lành mạnh, nếu không muốn nói là "khoẻ" nhất ngành, với tổng tài sản hơn 13.000 tỷ đồng ở cuối quý 1/2021, tới 2/3 được cấu thành từ vốn chủ sở hữu, hoàn toàn không có vay nợ tài chính. Giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu (BVPS) của CTD lên tới 112.014 đồng, cao nhất cả 3 sàn chứng khoán hiện nay.

Nhưng chỉ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) hiện chỉ là 0,5 cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư với CTD ở mức thấp, trong bối cảnh doanh nghiệp này mất đi yếu tố quan trọng nhất trong lĩnh vực xây dựng: con người.

Khách quan mà nói, đội ngũ lãnh đạo mới với sự đứng đầu của Chủ tịch Bolat Duisenop đã có những nỗ lực nhằm cải tổ bộ máy hoạt động của Coteccons. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo Coteccons khẳng định đủ sức vận hành khoảng 50-60 dự án cùng lúc, tức là quay lại năng lực thi công như trước đây. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ phát triển theo hướng đa ngành, đầu tư hạ tầng và năng lượng tái tạo, với mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025.

Sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng năng lực cũng như các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của Coteccons "phiên bản mới". Sự tin tưởng của giới đầu tư sẽ thể hiện rõ hơn cả thông qua diễn biến giá cổ phiếu thời gian tới.

ndt - sab

 

SAB – vị đắng của bia

Cũng trong xu hướng giảm "không thấy đáy" như CTD, nhưng bối cảnh của cổ phiếu SAB có phần khác.

Chốt phiên giao dịch 14/5, thị giá SAB đạt 154.900 đồng/cp. Mã này đã giảm 22% so với đầu năm và chỉ bằng non nửa so với mức 320.000 đồng/CP mà Thaibev đã chi ra cuối năm 2017. 

Sau khi mua lại Sabeco, nhà đầu tư Thái đã tích cực tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, tiết giảm chi phí và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Sabeco tăng liên tục, với biên độ 11%, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 8,5%. Bước sang năm 2020, Sabeco chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 và Nghị định 100, khiến doanh thu giảm mạnh tới 26%, dù vậy, nhờ tiết giảm chi phí tối đa, Sabeco vẫn báo lãi sau thuế 4.937 tỷ đồng, chỉ giảm 8% so với năm 2019 và vượt xa (40%) so với kế hoạch đề ra.

Năm 2021, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 33.491 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 7,4% so với thực hiện năm 2020. 3 tháng đầu năm, nhà sản xuất bia số 1 Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 19% và 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chỉ tiêu tài chính đều lành mạnh, vay nợ rất thấp, doanh thu, lợi nhuận không diễn biến tiêu cực dù chịu nhiều yếu tố bất lợi, việc cổ phiếu SAB liên tục suy giảm là một dấu hỏi lớn đối với nhà đầu tư.

Một số nhà đầu tư lý giải sau khi rời khỏi rổ VN30 cuối tháng 1/2021, cổ phiếu SAB không còn được dòng tiền chú ý nhiều như trước. Tuy nhiên có một sự thật là thanh khoản trước nay của SAB là rất thấp, chỉ một đôi trăm nghìn đơn vị, thậm chí có phiên chỉ vài chục nghìn cổ phiếu được mua bán. Với giá trị vốn hoá có thời điểm lên tới 200.000 tỷ đồng, SAB là một trong những cổ phiếu dễ bị thao túng nhất, ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số VN30, VN-Index, qua đó tác động tới thị trường phái sinh. Không thiếu những phiên SAB đang giao dịch ở mức tham chiếu thì đến ATC bị giật trần hoặc kéo sàn, chỉ với vài chục nghìn cổ phiếu kê mua/ bán.

Cũng có ý kiến cho rằng chỉ số thị giá chia lãi cơ bản trên cổ phiếu (P/E) của Sabeco hiện quá cao, trên mức 20, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành làm ăn cũng rất hiệu quả, là BHN (17,4), SMB (7,42), WSB (6,09). Dù vậy, nên biết vào thời điểm Thaibev chi gần 5 tỷ USD để mua chi phối thì Sabeco được định giá với P/E lên tới 40 lần. Ở thương vụ nhiều tỷ đô và với một ông lớn hàng đầu Thái Lan, sẽ là thiên kiến nếu nhận định Thaibev đã "hớ" khi đánh giá quá cao Sabeco.

Ở một chi tiết lưu ý, tỷ lệ sở hữu của Sabeco rất cô đặc, với 36% thuộc SCIC và 62,91% sở hữu nước ngoài (gồm 53,59% của Thaibev), tổng cộng là 98,91%, đồng nghĩa với việc chỉ còn hơn 1% cổ phần sở hữu bởi nhà đầu tư trong nước.

Với thanh khoản rất thấp và tỷ lệ sở hữu cô đặc, sẽ không mất nhiều chi phí và công sức để "đỡ giá" SAB. Việc để giá cổ phiếu liên tục rơi sâu chắc hẳn không chỉ phản ánh đơn thuần cung - cầu của thị trường. Thaibev hiện chỉ mới sở hữu quá bán Sabeco, vẫn chưa đủ tỷ lệ phủ quyết 65%. Cuối năm ngoái, Heineken nhiều khả năng đã hoàn tất bán gần 4% cổ phần Sabeco qua phương thức thoả thuận trên sàn. Thaibev được cho là bên có động lực nhất để gom số cổ phần này. Dù vậy, nhìn vào tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện chỉ ngót 63%, nếu muốn thực sự chi phối Sabeco, nhà đầu tư Thái sẽ chỉ có thể mua lại cổ phần từ SCIC, với hai phương thức, nhận chuyển nhượng trên sàn hoặc đấu giá công khai tương tự cuối năm 2017.

Với hình thức nào, thì một nền giá cổ phiếu thấp sẽ có lợi hơn cho nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần Sabeco từ SCIC.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ