Đại dịch COVID và giải pháp với doanh nghiệp

Nhàđầutư
Thế giới tiếp tục đối mặt với dịch COVID-19, khó dự báo chính xác thời điểm dập tắt dịch, hoặc phải “sống chung với dịch”. Trước thử thách mới, con người tìm cách thích ứng với bối cảnh mới. Doanh nghiệp cũng phải như vậy nếu không muốn bị đào thải.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
16, Tháng 09, 2021 | 13:18

Nhàđầutư
Thế giới tiếp tục đối mặt với dịch COVID-19, khó dự báo chính xác thời điểm dập tắt dịch, hoặc phải “sống chung với dịch”. Trước thử thách mới, con người tìm cách thích ứng với bối cảnh mới. Doanh nghiệp cũng phải như vậy nếu không muốn bị đào thải.

Từ thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ XX đến nay, toàn cầu hóa được coi là một đặc trưng của thế giới hiện đại, mặc dù trên thực tế con người của các lục địa đã từng giao dịch với nhau trong nhiều thế kỷ. Bạn chỉ cần đến Hội An, Phố Hiến, Đà Nẵng là có thể tìm thấy di tích lịch sử ghi lại các cột mốc doanh nhân Việt Nam đã tiếp đón và giao lưu với doanh nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây.

Tuy vậy, so với khoảng ba thập niên gần đây thì quy mô giao lưu quốc tế trước đó khá khiêm tốn. Mạng lưới internet kết nối toàn thế giới, công nghệ thông tin hiện đại, tốc độ của các phương tiện giao thông hàng không, đường thủy, đường bộ gia tăng, du lịch thế giới có tốc độ phát triển nhanh chóng kéo theo hàng chục ngành kinh tế khác; chiến tranh lạnh kết thúc, các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Tất cả các yếu tố đó kết hợp với nhau tạo ra hệ thống kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, mỗi quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào những gì đang xảy ra ở bên ngoài biên giới so với những thế kỷ trước.

Trong khi toàn cầu hóa đã giúp tăng thu nhập, phát triển nhanh chóng các nền kinh tế và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, thì nó cũng đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cả về rủi ro tài chính và y tế.

Đó chính là lý do tại sao virus COVID-19 đã lây lan nhanh chóng khắp thế giới, gây hậu quả kinh tế ngay lập tức và khủng khiếp như vậy. Các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, mạng lưới gắn kết các doanh nghiệp trong từng ngành, từng lĩnh vực bị gián đoạn, hàng không thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, du lịch quốc tế giảm sút tại những “ thiên đường nghỉ dưỡng”…

Không một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Anh chỉ thuần túy nỗ lực mang tính quốc nội có thể vượt qua dịch, mà cần phải kết hợp với tầm nhìn và chương trình hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Tuy vậy, tác động của dịch COVID-19 với các nền kinh tế đang phát triển đã bộc lộ nặng nề hơn, bởi vì các quốc gia thu nhập thấp có tỷ lệ người mắc bệnh trong dân số cao, khiến họ dễ lây nhiễm hơn; hệ thống y tế của các nước này còn lạc hậu, chưa được chuẩn bị để chế ngự dịch bệnh.

2H6A1483

Đại dịch thật sự là một thử thách đối với doanh nghiệp và với nhà nước từ trung ương đến địa phương. Ảnh minh hoạ

Sau hơn 20 tháng phòng chống dịch trên toàn thế giới thì vấn đề bao trùm hiện nay là không biết chính xác cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ dẫn nền kinh tế thế giới tới đâu và chắc chắn rất đáng sợ khi không biết nó sẽ kết thúc thế nào (!). 

Cho dù dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, nhiều nước đã và sẽ điều chỉnh chiến lược đối ngoại kéo theo sự dịch chuyển nhanh chóng đa chiều về thương mại và đầu tư, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có cơ hội trỗi dậy, nhưng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục bằng nhiều phương thức mới thích ứng với thế giới hậu COVID.

Dịch COVID-19 tác động không giống nhau đối với các doanh nghiệp và các địa phương. Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải hàng không, đường sắt…chịu tác động nặng nề nhất, trong khi ngành công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo lại thu hút được lượng vốn đầu tư khá lớn, tốc độ phát triển khá nhanh, gia tăng tỷ trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Thời gian vừa qua dịch bùng phát tại TP.HCM và nhiều địa phương phụ cận đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng vạn doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu. Điển hình như ngành dệt may khó đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021 theo dự kiến, mà chỉ đạt khoảng 31 tỷ USD.

Trong khi đó nhiều tỉnh, thành phố do đã khống chế, hoặc không để dịch lây lan quá rộng đã đạt được tốc độ phát triển khả quan; chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm nay của Đăk Lăk tăng 39,1%, của Ninh Thuận tăng 36,8% (do tăng đầu tư mới điện tái tạo), của Lai Châu tăng 30,5% (do tăng thủy điện), của Nghệ An tăng 24,5%, của Quảng Nam tăng 21,1% và của Hà Tĩnh tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thực trạng trên đây đòi hỏi cách tiếp cận khoa học khi áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch đối với từng ngành, từng sản phẩm, tại các địa phương ở những thời gian khác nhau. Chính phủ đã chỉ đạo trong khi thực hiện mục tiêu kép phải linh hoạt về thứ tự ưu tiên tùy theo diễn biến dịch, tuy vậy cần có những chỉ dẫn đủ chi tiết, rõ ràng và nhất quán để không xảy ra tình trạng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp do những quyết định của một số cơ quan nhà nước.

Hiện nay khi hàng triệu tấn thóc sắp được thu hoạch tại nhiều tỉnh Nam Bộ thì doanh nghiệp và thương nhân đang gặp trở ngại khi vận chuyển qua biên giới giữa các tỉnh, vì mỗi nơi quy định một kiểu; nếu không giải quyết kịp thời thì không những làm chậm tiến độ thu hoạch, mà còn giảm chất lượng thóc tích trữ khi giá gạo thế giới đang xuống mức thấp nhất.

Vận tải hàng hóa bằng đường thủy đường bộ, đường sắt cũng trở thành vấn đề được doanh nghiệp quan tâm vì là điều kiện bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa. Trước khó khăn do dịch gây ra, ngành đường bộ và đường thủy gặp khó khăn khi phải đi qua các chốt kiểm tra, mặc dù đã có chủ trương “làn xanh”, nhưng với thủ tục khá phiền hà. Nếu những khúc mắc này được giải quyết dựa trên cách tiếp cận “hỗ trợ doanh nghiệp”, thì nguyên phụ liệu tại một số khu công nghiệp miền Bắc đã được cung ứng kịp thời cho nhà máy tại các tỉnh Nam Bộ để thực hiện các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.

Đại dịch thật sự là một thử thách đối với doanh nghiệp và với nhà nước từ trung ương đến địa phương. Bối cảnh mới đòi hỏi giải pháp mới với cách tiếp cận khác trước, nếu không một bộ phận trong chúng ta tự làm khó chính mình, kéo dài quá mức thời gian phòng chống dịch gây tác động tiêu cực đến kinh tế -  xã hội, thu nhập và đời sống của người dân.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc xin, hỗ trợ những người mất việc gặp khó khăn, đồng thời đẩy nhanh cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, giảm thuế, hoãn nộp thuế đối với một số doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, kéo dài thời hạn cho vay, giảm chi phí giao dịch…

Các doanh nghiệp đánh giá cao chính sách và giải pháp của Chính phủ và mong muốn các chính sách này được áp dụng với thời hạn đủ dài để doanh nghiệp có thể hồi phục sản xuất, kinh doanh đồng thời được thực hiện bằng các thủ tục đơn giản, phù hợp với từng ngành hàng để các gói trợ cấp nhanh chóng đến với doanh nghiệp và người lao động.

Lịch sử các cuộc khủng hoảng đã minh chứng rằng, sẽ có một số lượng doanh nghiệp bị loại ra khỏi thị trường do không đủ ý chí và nguồn lực để thay đổi thích ứng với bối cảnh mới. Số liệu thống kê cho biết, trong 7 tháng năm nay, trung bình mỗi tháng có từ 10 - 11 nghìn doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động.

Sự sàng lọc tự nhiên đó là đáng tiếc nhưng cũng phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, cấu trúc lại đội ngũ doanh nghiệp trên cơ sở định hướng phát triển mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn dựa trên công nghệ mới, năng lực đổi mới và sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các doanh nghiệp đang hoạt động có thể phân làm ba loại: 1) Những tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, Viettel, FPT, Dầu khí, Vietcombank với tiềm lực của mình sẽ đẩy nhanh hơn quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng hiện đại để trở thành các tập đoàn mạnh không chỉ trong nước, mà cả trong khu vực; 2) Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa đã vượt qua thử thách rất khó khăn cần được sự hổ trợ từ Nhà nước, ngân hàng để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trình độ quản trị doanh nghiệp; 3) Hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (trừ một số starup được hưởng lợi từ ý tưởng mới về các mô hình kinh doanh thích ứng với giai đoạn có dịch) đang kiệt sức, thiếu nguồn lực để cấu trúc lại doanh nghiệp rất cần được Nhà nước hổ trợ bằng tài chính, thuế, chi phí, các khoản tín dụng ưu đãi thích ứng với đặc thù từng ngành nghề.

Thử thách vừa qua đã bộc lộ chứng tỏ khả năng chống chịu và thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, cần có đánh giá đúng thực tiễn để hoạch định chính sách, giải pháp mới để đưa nền kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững sau dịch.

Doanh nghiệp đã đến lúc phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: Đã làm gì và cần làm gì để chuyển đổi sang doanh nghiệp số (?)

Trong thế giới hiện đại, con người không chỉ sống trong môi trường vật lý và môi trường sinh học, mà còn cả trong môi trường không gian số bởi vì hàng ngày chúng ta đang làm việc trên mạng internet, tìm kiếm thông tin, kinh doanh trên mạng, học tập, giải trí, giao lưu qua mạng, làm cho khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Kinh tế số giúp doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến tiêu dùng; thông qua việc sử dụng công nghệ, sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người tiêu dùng để doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của họ. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới như Grab, Uber.

Google (Mỹ) và Temasek (Singapore) đánh giá kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Tổ chức Data 61 (Australia) nhận định nếu chuyển đổi số thành công thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới.

Trong thời gian gần đây đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Mobilephone, Vingroup, FPT đầu tư xây dựng một số Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quy mô lớn; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường, điển hình như doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đã có bước tiến đáng mừng, số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của nước ta được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng lên đáng kể.

Với phương châm “cạnh tranh, chống độc quyền” thị trường công nghệ thông tin đã phát triển nhanh chóng với những doanh nghiệp đầu tàu như Viettel, VNPT, FPT, CMC đạt đến trình độ những quốc gia dẫn dầu ASEAN.

Những dẫn liệu trên đây đã tạo thành tiền đề để các doanh nghiệp tiếp cận khi tìm hướng đi với các giải pháp thích hợp để chuyển sang doanh nghiệp số. Công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, thương hiệu số, xúc tiến đầu tư và giao dịch qua mạng là những vấn đề quan trọng; trong đó quan trọng nhất là tư duy và hành động của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn “Vượt qua COVID”.

     

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ