Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề xuất thành lập cơ quan định giá đất độc lập

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội Vũ Tiến Lộc đề xuất thành lập cơ quan xác định giá đất riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc HĐND các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính.
THẮNG QUANG
15, Tháng 11, 2022 | 09:00

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội Vũ Tiến Lộc đề xuất thành lập cơ quan xác định giá đất riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc HĐND các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính.

Ngày 14/11, tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội), bày tỏ tâm đắc khi ngay từ tên gọi của Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng đã thể hiện rất rõ mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải tạo ra được một động lực đưa đất nước ta trở thành một nước có thu nhập cao.

Theo ông, nếu thực hiện mục tiêu này thì phải đưa nhiệm vụ trọng tâm của việc sửa đổi luật là phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Đấy là mục tiêu của nghị quyết.

Đừng để luật cản trở luật

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nam đại biểu Quốc hội cho rằng theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch và phát triển tổng thể quốc gia, hiện nay chúng ta chưa thông qua quy hoạch tổng thể.

Từ đó, ông đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này, dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất, chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo được sự minh bạch, ổn định phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

vu-tien-loc-ha-noi

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: Quốc hội.

Cũng theo đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, Luật Đất đai có liên quan đến rất nhiều những luật có liên quan. Khi sửa đổi Luật Đất đai có thể đưa ra những phương án rất tốt nhưng lại cản trở ở các luật khác, có đến cả trăm luật liên quan đến luật.

"Cùng với việc sửa đổi Luật Đất đai trong 3 kỳ họp, chúng ta cũng rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một luật sửa nhiều luật, đồng bộ với Luật Đất đai để khi Luật Đất đai đưa vào là có thể phát huy ngay tác dụng. Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ gặp lại bài học trong lịch sử, Luật Đất đai có thể tốt nhưng các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai", đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Về việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, ông Vũ Tiến Lộc phân tích xuất phát từ yêu cầu của nghị quyết Hội nghị Trung ương, việc phải thực hiện phương án nhà nước đứng ra thu hồi, giải tỏa, đền bù để thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng các ngành kinh tế và các doanh nghiệp chủ lực trong nền kinh tế để có thể tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo ra những thương hiệu hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

"Điều đó rõ ràng các dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu quy hoạch nằm trong những lĩnh vực được khuyến khích, dù có nhằm cho lợi ích cụ thể của doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng vẫn nhằm cho lợi ích quốc gia", đại biểu Lộc nhấn mạnh.

Cho nên, theo ông, không thể nói một doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều, phát triển trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng chỉ có lợi ích của riêng họ, mà chính sự phát triển của những dự án đó sẽ nâng cao năng lực và nâng cao tiềm năng phát triển của tất cả các địa phương và của cả nước này.

Cũng theo đại biểu, rất khó nói rằng 1 doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra năng lực cạnh tranh cao lại không có đóng góp cho sự phát triển quốc gia, công cộng. Chính vì vậy, ông đồng ý với cách tiếp cận của dự luật trong Điều 86 đã bổ sung rất nhiều lĩnh vực vào các dự án mà Nhà nước cần phải giải tỏa, đền bù, tuy nhiên ông thấy vẫn còn thiếu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung thêm các công trình văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, các dự án cho giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế, .., còn rất nhiều lĩnh vực cần phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp cận đất đai để thúc đẩy. Đối với vấn đề này, ông cho rằng có 2 cách xử lý: Một là quy định luôn các lĩnh vực trong luật này; hai là giao cho Chính phủ quy định bảng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn.

Thành lập cơ quan định giá đất độc lập

Về vấn đề giá đất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương nêu rõ "giá đất nhà nước quyết định phải phù hợp với giá đất thị trường" và vấn đề này tôi nhất trí với thiết kế của dự luật là bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương. Đại biểu đoàn TP. Hà Nội phân tích cần phải phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn định giá và Hội đồng thẩm định giá và quyền quyết định thuộc về UBND.

Một là, thành lập ra cơ quan xác định giá riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc HĐND các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính. Phương án 2 là giao cho Chủ tịch UBND cũng là một phương án mà ông nghĩ là cũng hiện thực.

dai-bieu

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Quốc hội.

Đối với các dự án không thuộc dạng giải tỏa, đền bù mà Nhà nước đứng ra trực tiếp làm quyết định này, ông đề nghị Nhà nước cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc này với tư cách là chủ sở hữu toàn dân. Trên cơ sở doanh nghiệp thỏa thuận với người dân, với sự trợ giúp của các tổ chức định giá hay các cơ quan thẩm định thì có thể trình lên cơ quan chính quyền có thể phê duyệt phương án này để đảm bảo thực hiện.

Trong trường hợp như một số đại biểu nêu, có thể đối với một dự án chúng ta thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận đa số, ví dụ 70-80% các hộ dân đồng ý phương án đó, nhưng chỉ có một số ít hộ dân không đồng ý, tôi đề nghị chính quyền các cấp phê duyệt phương án giá như vậy và đảm bảo thực hiện để cho các dự án có thể tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn, tôi nghĩ điều đó có thể thực hiện được.

Cuối cùng, trong cơ chế giải quyết tranh chấp, chúng ta có nói đến tòa án, trọng tài, hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại ở tòa án, nhưng còn phương thức xử lý tranh chấp nữa cũng rất hiệu quả để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân đã được quy định trong nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại, đại biểu Lộc đề nghị bổ sung thêm phương thức hòa giải thương mại vào trong cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất.

"Trong mọi trường hợp, việc chúng ta quyết định giá hay phê duyệt giá thì mục tiêu cao nhất không phải là chúng ta thu được nhiều tiền, không phải là người dân thu được nhiều tiền nhất mà vấn đề làm sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất đai với mức giá cả hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Lộc đề nghị Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ