'Người dân không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân'

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng người dân có thể chấp nhận hi sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân.
VŨ PHẠM
14, Tháng 11, 2022 | 12:04

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng người dân có thể chấp nhận hi sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân.

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình làm việc Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18 về đất đai, khắc phục những hạn chế, bất cập Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng góp ý và nêu ra những tồn tại, vướng mắc để Quốc hội, cơ quan chức năng nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi cụ thể hóa luật quan trọng này.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai

Góp ý về thủ tục hành chính về đất đai đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

quoc-hoi-khoa-xv

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Trong khi đó, báo cáo của ban soạn thảo, hiện nay, Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo, các đạo luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Đầu tư, Nhà ở... để xác định phạm vi điều chỉnh của tưng luật để đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.

Về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư với cộng đồng dân cư, đại biểu Hiếu nhìn nhận, thực tế việc thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có những trường hợp đưa lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng dân cư xung quanh. Tuy nhiên, cũng có những dự án ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân, đặc biệt là các dự án có tác động lớn đến môi trường như khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, xây dựng nghĩa trang, các khu dự án xử lý rác…

"Tác động dễ thấy nhất là giá đất trong khu vực sẽ sụt giảm, tạo ra những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, nhiều dự án theo hình thức này đã bị người dân xung quanh phản ứng, ngăn chặn việc triển khai thi công. Đồng thời, việc đền bù và hỗ trợ hiện nay chủ yếu được thực hiện trọn gói một lần bằng tiền mà không hướng đến việc tạo ra nguồn sinh kế mới cho người dân…", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Dự án Luật đất đai lần này dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, vị ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân, nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư.

Đồng thời, để bảo đảm chất lượng của dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan có liên quan trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội cần xác định những vấn đề chính sách lớn của luật để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề để có cơ sở báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp kế tiếp.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin rất lớn vào Quốc hội. Đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng, tiến độ sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được các bức xúc, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức một kỳ họp chuyên đề để thảo luật thật sâu về dự án luật vô cùng quan trọng này.

Quy định điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.

quoc-hoi-khoa-xv-1

Các ĐBQH đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội

Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố "thật cần thiết", quy định rõ các điều kiện nào là "thật cần thiết" để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoa đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

"Cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai", đại biểu Hoa lưu ý.

to-van-tam

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).

Trong khi đó, theo đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

"Người dân có thể chấp nhận hi sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm", đại biểu Tám cho hay.

Chính vì vậy, đại biểu nhìn nhận sửa đổi Luật Đất đai cần giải quyết được vấn đề này. Đồng thời, cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định. Do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân.

"Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, khu vực, tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất…", đại biểu lưu ý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ