Đại biểu Quốc hội: Cần trả 'món nợ' hạ tầng và nhân lực khi nỗ lực xây dựng kinh tế số

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khi Việt Nam nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, thì cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước còn thiếu.
QUANG TUYỀN
01, Tháng 11, 2023 | 20:25

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khi Việt Nam nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, thì cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước còn thiếu.

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Quốc gia đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới, sáng tạo

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho hay, năm 2023, bức tranh toàn cảnh của kinh tế - xã hội Việt Nam dù có gam màu trầm nhưng đã có rất nhiều điểm sáng, rất đáng khích lệ và là động lực để chúng ta hoàn thành mục tiêu đề ra cho thời gian tới.

Về lĩnh vực xã hội, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới, sáng tạo trong thập kỷ qua. Vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc được khánh thành là thêm một minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Đảng đã đề ra.

Cũng đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII đề ra là trở thành nước phát triển vào năm 2045, thì Việt Nam phải nỗ lực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, thoát bẫy thu nhập trung bình và nợ công chồng chất, đủ sức để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đồng thời, phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, gia công với lao động giá rẻ và có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, có 3 lĩnh vực cần đột phá là thể chế, hạ tầng và nhân lực.

"Trong nỗ lực để đồng hành với thế giới về nền kinh tế số và xã hội số, tôi cho rằng trong 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực có nhiều nội dung, nhiều bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 chúng ta vẫn chưa có.

Chúng ta vẫn chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa, bởi vì chúng ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa đất nước, ngay cả ở những đô thị lớn của đất nước", ông ĐBQH đoàn TP.HCM nói.

Cần trả những "món nợ" về thể chế, hạ tầng và nhân lực

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thừa nhận, Việt Nam vẫn chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa. Bởi, ngay cả ở những đô thị lớn của đất nước, những hạ tầng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 vẫn chưa hoàn tất như: Xử lý chất thải, rác thải, chống ngập, chống lũ, xây dựng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, hệ thống y tế, giáo dục.

“Trình độ văn minh và văn hóa của xã hội cho thấy chúng ta còn phải thanh toán những món nợ của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0; còn cách mạng 3.0 diễn đã ra trên thế giới từ nửa thế kỷ thì chúng ta vừa mới bắt đầu 10 năm nay”, ông Nghĩa thẳng thắn.

Theo đại biểu này, khi chọn lựa đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, chuỗi giá trị cao như chip bán dẫn, AI, linh kiện máy bay... các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lựa chọn Việt Nam hay các quốc gia khác.

Khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, thì cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước đang còn thiếu.

truong-trong-nghia

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.HCM nêu ý kiến.

"Việc này cũng quan trọng không kém những nỗ lực số hóa nền kinh tế và sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 mà bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ngược lại, sự thiếu vắng yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0. Đây cũng là thách thức lớn nhất của lãnh đạo và người dân Việt Nam trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

“Nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới tư duy và nhận thức, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy thực chất dân chủ xã hội, tin tưởng vào nhân dân, thu hút và trọng dụng hiền tài trong xã hội trong và ngoài nước để thu hút vào đội ngũ cán bộ, công viên chức và nhất là ở cấp cao. Tôi e rằng tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng và khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ