Cuộc chiến vương quyền để giành đế chế của tỷ phú Murdoch

Tỷ phú Rupert Murdoch luôn né tránh quyết định sẽ nhường đế chế cả đời gây dựng cho ai. Ai có năng lực hơn trong hai anh em Lachlan và James?
TRỌNG THUẤN - SƠN TRẦN
03, Tháng 09, 2019 | 10:48

Tỷ phú Rupert Murdoch luôn né tránh quyết định sẽ nhường đế chế cả đời gây dựng cho ai. Ai có năng lực hơn trong hai anh em Lachlan và James?

COVER_DESKTOP_9

 

Rupert Murdoch đã xây dựng thành công đế chế khổng lồ. Điều này dẫn tới câu hỏi lớn: ai sẽ thay thế ông điều hành tập đoàn truyền thông này khi Rupert Murdoch ra đi? 70, 75 rồi 80 sinh nhật trôi qua, ông trùm vẫn né tránh đưa ra quyết định chính thức về việc này.

Tỷ phú được cho là có sự ưu ái nhất định cho con trai cả, khi đưa Lachlan lên quản lý chuỗi các tờ báo tại Australia khi mới 22 tuổi, và giám sát quá trình thăng tiến đến vị trí phó giám đốc điều hành News Corps của Lachlan 11 năm sau đó. Nhưng mọi chuyện gián đoạn sau khi Lachlan liên tục xung đột với các quản lý cấp cao của tập đoàn, những người coi Lachlan là một hoàng tử kiêu căng.

Bực bội vì cha đứng về phía các nhân viên, Lachlan rời bỏ tập đoàn vào năm 2005, trở lại Australia với khoản tiền 100 triệu USD đền bù để ra kinh doanh riêng. James, người đang đứng đầu Sky TV tại Anh lúc đó, trở thành người nhiều khả năng sẽ thừa hưởng chiếc ghế quyền lực.

Nhưng đến mùa hè năm 2015, ông trùm bất ngờ đổi ý, James bị cho “ra rìa”, và Lachlan trở lại Mỹ. Thông tin này được thông báo cho James không phải từ Murdoch mà từ chính Lachlan và chủ tịch tập đoàn là Chase Carey, trong một bữa trưa ở Manhattan: Lachlan sẽ trở điều hành tập đoàn, và James sẽ phải báo cáo công việc cho anh trai mình.

James tái mặt. Hai anh em và cha mình đã bàn về chuyện này hai năm trước, trong đó James sẽ điều hành và Lachlan sẽ chỉ giữ vai trò biểu tượng. Trong con mắt James, anh không chỉ đã được hứa hẹn, anh đã chứng tỏ được bản thân mình khi dành hàng chục năm để góp phần xây dựng công ty, đưa vợ con đi khắp nơi từ Hong Kong đến London để tham gia vào hoạt động mở rộng thị trường của tập đoàn, cũng như lên kế hoạch đầu tư áp dụng công nghệ mới.

Cũng trong thời gian đó, Lachlan ở Australia câu cá và đầu tư những dự án vô bổ. Vô cùng giận dữ, James dọa sẽ nghỉ việc, đứng dậy bỏ dở bữa ăn và đi thẳng ra sân bay.

Với một giọng nói hơi Anh, cặp kính cận và những bộ vest lịch thiệp, James là đại diện điển hình của tầng lớp thượng lưu toàn cầu. Nhưng trước đây, cậu con trai thứ đã làm cha mình hết sức lo lắng khi là thành viên nổi loạn trong gia đình. Từng bấm khuyên tai, nhuộm tóc và có hình xăm lớn ở cánh tay, James bỏ học Harvard vào năm 1995 để thành lập hãng đĩa riêng, Rawkus Records.

jameslachlanandrupertmurdoch

Ông Murdoch luôn né tránh quyết định sẽ nhường sự nghiệp cả đời gây dựng cho người anh Lachlan (trái), hay người em James. Ảnh: AP.

Một năm sau, Rupert Murdoch mua lại hãng đĩa này, chấm dứt thời gian tự do ngắn ngủi của James. Nhưng năm 2000, James cưới Kathryn Hufschmid, người mẫu đến từ bang Oregon, Mỹ, với những quan điểm tự do, và vợ anh trở thành người “lệch gió” với phần còn lại của đại gia đình.

Kathryn nhiều lần tranh cãi với bố chồng về quan điểm chính trị, và tỷ phú Murdoch được cho là quan ngại về sự ảnh hưởng của con dâu lên con trai. Mỗi khi có việc cần bàn với James, ông trùm thường gợi ý hai cha con nên đi ăn tối riêng. Và mặc dù là một phần của đế chế bảo thủ này, James vẫn cố gắng đưa công ty theo một con đường mới đến tương lai, hướng tới những giá trị hiện đại hơn, ví dụ như yêu cầu các tòa nhà công ty hạn chế thải carbon, đầu tư vào công nghệ như Hulu, hay thậm chí là điều hòa các quan điểm cực hữu của Fox News.

Tự nhận mình là người có quan điểm chính trị trung lập, James coi Fox Newslà cản trở lớn nhất với việc đa dạng hóa tập đoàn. Trong một cuộc họp với các quản lý cấp cao, James từng tuyên bố muốn thay đổi hình ảnh của đế chế truyền thông này sao cho nó không chỉ đơn thuần được biết đến như thể “một sản phẩm duy nhất (Fox News) với nhà sáng lập cuốn hút (Rupert Murdoch)”.

Nhưng Lachlan rất giống với nhà sáng lập cuốn hút đó. Quỹ đạo của Lachlan khác với James. Giống như cha mình, Lachlan có một sự gắn kết nhất định với Australia, vì lịch sử gia đình, và cũng vì văn hóa mạnh mẽ, thô ráp của xứ sở này. Lachlan lớn lên ở trang trại của gia đình, cưỡi ngựa chăn cừu và đi săn kangaroo.

Sau khi tốt nghiệp đại học Princeton, Lachlan trở lại Australia tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, trở thành người nổi tiếng và xuất hiện ở các sự kiện với đôi ủng cao bồi. Con trai lớn của tỷ phú Murdoch không chia sẻ công khai quan điểm chính trị của mình, nhưng cấp dưới ở Australia cho biết Lachlan có quan điểm thiên hữu trong nhiều vấn đề.

Chris Mitchell, Tổng biên tập lâu năm của tờ The Australian, trong cuốn hồi ký năm 2016 từng nhận định “quan điểm bảo thủ của Lachlan mạnh mẽ hơn bất kỳ chính trị gia nào ở Australia”, đôi khi cực đoan hơn cha mình trong nhiều vấn đề. Lachlan được cho là đã phản đối việc các tờ báo trong tập đoàn ủng hộ kết hôn đồng giới. Ông cũng tin rằng biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên đang được chú ý quá nhiều.

Lachlan coi em trai mình là một nhà lãnh đạo tốt, nhưng Lachlan cũng cảm thấy mình đã chứng minh được bản thân tại Australia bằng việc chấp nhận rủi ro. Dù thất bại trong một số thương vụ, Lachlan cũng có những thành công khác. Trong khi đó, Rupert đã nhiều lần mời Lachlan trở lại Mỹ để điều hành đế chế gia đình. Phải đến khi tỷ phú ly dị người vợ thứ 3 Wendi Deng vào năm 2013, Lachlan mới chấp nhận điều đó.

QUOTE1_DESKTOP_3

 

Cả Lachlan và James đã ngăn cha mình khi ông muốn cưới Wendi vào năm 1999. Bà mẹ kế là chủ đề hiếm hoi mà hai anh em đồng quan điểm. James và ít nhất một nhân viên cấp cao trong tập đoàn đã nghe một quan chức ngoại giao cho rằng bà Wendi là điệp viên của chính phủ Trung Quốc. Và gia đình Murdoch cũng không hài lòng khi bà Wendi từng gọi chồng mình là “già” và “ngu ngốc”.

Ngoài mẹ kế, hai anh em dường như không đồng quan điểm về bất cứ vấn đề nào. Không chỉ cạnh tranh để giành quyền kiểm soát tập đoàn, Lachlan và James cũng tranh nhau ngôi biệt thự tại Beverly Hills mà cha mình mua năm 1980. Đây là ngôi nhà có nhiều kỷ niệm với hai anh em và họ không hài lòng khi Rupert Murdoch muốn bán ngôi nhà với giá 35 triệu USD cho tài tử Leonardo DiCaprio. Lachlan và James từng thảo luận kế hoạch cùng mua lại ngôi nhà, và ai đến Los Angeles lúc nào thì có thể sử dụng nó. Cuối cùng James mua lại ngôi nhà với giá 30 triệu USD, và Lachlan không hài lòng vì điều đó. Để hòa giải, Rupert Murdoch quyết định tặng Lachlan một số nội thất quý giá trong nhà, dù James và vợ cho rằng số tiền mà họ bỏ ra bao gồm toàn bộ nội thất.

Thỏa hiệp để giữ James: Anh em cùng làm Sếp

Trong khi James đã rời Mỹ, và chuẩn bị rời bỏ công ty, cha và anh trai Lachlan đưa ra một thỏa hiệp kỳ lạ: Tất cả các đơn vị của 21st Century Fox sẽ báo cáo lên hai anh em cùng lúc. James giữ vị trí giám đốc điều hành, trong khi Lachlan giữ vị trí cao hơn về mặt lý thuyết, đồng chủ tịch với người cha.

Tuyên bố được đưa ra một cách cẩn thận để đảm bảo người nghe tin rằng vai trò của 2 anh em là như nhau, tránh để James mất mặt dù cho Lachlan mới là người có vị trí cao hơn. Mức lương của họ cũng như nhau, khoảng 20 triệu USD mỗi năm. James điều hành từ New York trong khi văn phòng của Lachlan nằm ở trụ sở hãng phim 21st Century Fox tại Los Angeles.

James đồng ý các điều khoản một cách thận trọng, nhưng câu hỏi về người kế vị vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng ít nhất về mặt công khai, James vẫn được coi là người thừa kế.

Đầu năm 2015, Murdoch nhận được cuộc gọi từ Ivanka Trump, mời ông trùm đi ăn trưa cùng cha mình.

Họ gặp nhau ngay sau đó tại tòa nhà Fox News ở trung tâm Manhattan. Chồng Ivanka là Jared Kushner cũng có mặt. Ngay khi món ăn đầu tiên được đưa ra, Trump nói với Murdoch rằng ông sẽ ra tranh cử.

Theo lời kể của một số người có mặt ở đó, ông trùm truyền thông thậm chí còn không rời mắt khỏi bát súp của mình và nói: “Ông hãy chuẩn bị, vì sẽ bị đánh đập dữ dội đấy”.

Murdoch có quan hệ sâu sắc với gia đình Trump từ lâu. Ông Trump từng nhiều lần xuất hiện trên tờ New York Post trong những năm cuối 1970 đầu 1980, giai đoạn ông trở thành ngôi sao ở New York. Kushner cũng thân thiết với Murdoch sau khi con rể ông Trump mua lại tờ New York Observer vào năm 2006. Ông trùm truyền thông và bà Wendi còn đưa vợ chồng Jared và Ivanka đi nghỉ hè trên du thuyền của họ.

Sau khi tỷ phú ly dị bà vợ ba, Kushner là người đã tìm cho tỷ phú người trang trí nội thất cho ngôi nhà mới của ông Murdoch. Ivanka là một trong 5 người giám sát quỹ trị giá 300 triệu USD dành cho hai con gái của Murdoch và vợ Wendi.

Murdoch luôn coi Trump là gương mặt tuyệt vời để thu hút người xem, nhưng không coi ông là người nghiêm túc, chứ đừng nói đến một ứng viên tổng thống đáng tin cậy. Những người thân cận với Rupert Murdoch cho biết, khi được hỏi về Trump, ông trùm truyền thông thường nói: “Ông ấy là một kẻ ngốc”.

Roger Ailes, Giám đốc điều hành Fox News trong thời gian dài, cũng có quan hệ thân thiết với ông Trump trong quá khứ. Tuy nhiên theo nguồn tin của New York Times, ông Ailes cũng không cho rằng Trump có cơ hội bước vào Nhà Trắng.

Sự lưỡng lự của Fox News trong việc ủng hộ kế hoạch tranh cử tổng thống khiến ông Trump không hài lòng. Ông Trump cho rằng mối quan hệ gần gũi với Murdoch và Ailes sẽ giúp ông được Fox News hỗ trợ nhiều hơn. Roger Ailes thậm chí từng viết email gửi Trump hỏi xem đài Fox có thể làm gì để giúp đỡ.

Trong giai đoạn đầu tranh cử, Trump rất bực bội khi thấy Fox ưu tiên hai ông Ted Cruz và Marco Rubio. Mối quan hệ giữa Trump và Fox News trở nên căng thẳng, ông Trump thậm chí còn chỉ trích Fox ngay khi đang phát biểu trên chương trình của kênh, cho rằng một số nhà bình luận chính trị của đài nên bị sa thải vì có “thành kiến” với ông.

Và đúng là ông Trump cũng có những đòn bẩy nhất định trong mối quan hệ với Fox News, những người ủng hộ trung thành ông Trump chính là những khán giả của Fox News, và tài khoản Twitter của ông Trump cũng giúp kết nối trực tiếp với các cử tri mà không cần thông qua truyền thông.

Nếu những người ủng hộ phải chọn giữa ông Trump và Fox News, Giám đốc Roger Ailes không muốn thấy kết quả của điều đó. Hơn nữa, một loạt các kênh thông tin cánh hữu khác như Breitbart, Gateway Pundit, One America News và Sinclair, đã tập trung vào chiến dịch tranh cử của ông Trump vì sức hút với người xem. “Tôi có thể mặc đồ ngủ xuất hiện trong chương trình Today, và vẫn sẽ có 5 triệu người xem”, Trump từng cảnh báo Ailes như vậy.

QUOTE3_DESKTOP

 

Trump bất ngờ dẫn đầu, Murdoch miễn cưỡng ủng hộ

Sau khi mâu thuẫn với người dẫn chương trình Megan Kelly của đài Fox, ông Trump tẩy chay cuộc tranh luận lần thứ hai giữa các ứng viên đảng Cộng hòa. Không có ông Trump, cuộc tranh luận lần hai trên Fox News giảm một nửa sức hút so với cuộc tranh luận đầu.

Jared Kushner bí mật tìm gặp Murdoch để thuyết phục ông trùm thay đổi quyết định và ủng hộ bố vợ. Nhưng dù sự ủng hộ ông Trump ngày càng tăng, tỷ phú Murdoch vẫn cố tìm một phương án khác.

Kathryn, vợ của James, biết bố chồng mình không tin tưởng Trump, đã tìm cách làm trung gian giữa ông và đội ngũ của bà Hillary Clinton. Nhưng ông Murdoch không cần con dâu giúp đỡ. Ông đã gọi điện trực tiếp đến trụ sở chiến dịch tranh cử của bà Clinton và để lại lời nhắn. Nhưng ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã gọi lại ngay lập tức và từ chối một cuộc gặp với ông trùm truyền thông.

Trong các cuộc vận động, ông Trump xác định rõ quan điểm của mình, chống lại can thiệp quân sự nước ngoài, chống nhập cư, và chống tự do thương mại. Đây đều là những quan điểm đối lập với Murdoch, người nhiệt liệt ủng hộ cuộc chiến Iraq, tuyên truyền cho chính sách nhập cư cởi mở (chính ông là người nhập cư từ Australia vào Mỹ). Murdoch còn kêu gọi Australia tránh tranh luận chống người Hồi giáo nhập cư như ở Mỹ, và ủng hộ các hiệp định thương mại quốc tế như TPP.

QUOTE4_DESKTOP

 

Thái độ của ông Murdoch với hệ tư tưởng mới nổi của Trump thường được thể hiện qua các bài viết chống Trump trên chuyên trang xã luận của tờ Wall Street Journal. Tổng biên tập Paul Gigot thường xuyên liên lạc với ông chủ của tờ báo.

Tuy không mặn mà lắm với Trump, chính ông Murdoch đã tạo các tác nhân giờ đây đang châm ngòi cho sự trỗi dậy của Trump. Trong thời Tổng thống Obama, Fox News phát hiện lượng người xem và lợi nhuận tăng vọt khi đưa tin liên tục về các cuộc biểu tình của phong trào Tea Party (phong trào có tính chất dân túy, yêu cầu giảm thuế), cùng các chương trình bình luận công kích, đặt dấu hỏi về gốc gác của tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử.

Trong khi quá trình tranh cử sơ bộ bên phía đảng Cộng hòa vẫn tiếp diễn, nguồn năng lượng dân túy, chống lại các thiết chế của Fox News nhanh chóng xoay quanh nhân vật mới: Donald Trump.

Đến tháng 3/2016, ứng viên mà tỷ phú Murdoch từng không hy vọng gì một năm trước, đã bất ngờ trở thành người dẫn đầu cuộc đua. Ông trùm bắt đầu có những bước đi để đón đầu cho một tương lai trong đó ông Trump là chủ nhân Nhà Trắng.

“Nếu ông ấy (trở thành tổng thống) là điều không thể tránh khỏi, sẽ thật điên dại nếu đảng (Cộng hòa) không đoàn kết cho điều đó”, Murdoch viết trên Twitter.

Khi tôi đến phố Downing, họ làm theo ý tôi

Bên kia bờ Đại Tây Dương, một làn sóng cánh hữu tương tự đang đe dọa buộc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, trong đó có bàn tay của ông trùm Murdoch. Tờ The Sun, báo hàng ngày có ảnh hưởng nhất ở Anh thuộc sở hữu nhà Murdoch, từ lâu đã ủng hộ việc rời khỏi EU.

Bản thân tỷ phú cũng không thích thú Liên minh châu Âu. Theo Anthony Hilton, cây viết cho tạp chí The Evening Standard, Murdoch từng nói: “Khi tôi đến phố Downing, họ làm theo ý tôi; khi tôi đến Brussels, họ không quan tâm”. Cựu thủ tướng John Major từng trả lời trong một cuộc điều tra rằng vào năm 1997, Rupert Murdoch đã nói sẽ không ủng hộ ông Major nếu không thay đổi lập trường về EU - tức ông Murdoch đang đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý về rời khỏi EU. Đến mùa hè năm 2016, cuộc trưng cầu cuối cùng đã diễn ra.

16070209371202brexitmarch0702super169

Bên kia bờ Đại Tây Dương nổi lên Brexit - làn sóng cánh hữu đe dọa đẩy Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: CNN.

Ý tưởng đưa nước Anh ra khỏi EU luôn như một giấc mơ cho giới dân tộc chủ nghĩa, hơn là một mục tiêu thực tế. Nhưng vào năm 2016, những người ủng hộ Brexit có thể nhìn vào chính trị toàn cầu và cảm thấy lạc quan. Chiến dịch của ông Trump với quan điểm xây tường, bài nhập cư được ủng hộ mạnh mẽ. Chủ nghĩa dân tộc cũng trở thành làn sóng mạnh mẽ trên toàn cầu: tại cuộc bầu cử tổng thống Áo, ứng viên của Đảng Tự do, được thành lập bởi một cựu sĩ quan Đức Quốc Xã, chỉ thua sát nút.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã có một phiên bản bức tường của riêng mình với hàng rào dây thép gai ở biên giới, để chống điều mà ông gọi là “những kẻ xâm lược Hồi giáo”.

Trong khi đó ở Philippines, người dân bầu lên ông Rodrigo Duterte, tranh cử dựa trên giọng điệu chỉ trích doanh nhân và tầng lớp tinh hoa chính trị, và hứa giết nhiều tội phạm rồi vứt xác xuống sông đến mức cá ở vịnh Manila sẽ béo lên.

Trong những tuần trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, tờ The Sun mạnh mẽ khuyến khích người đọc bỏ phiếu “Rời đi”, tờ báo này mô tả cuộc trưng cầu là sự lựa chọn giữa hai phe, một bên là “những kẻ kiêu ngạo say đắm châu Âu” và một bên là tầng lớp lao động của nước Anh. The Sun cũng cho rằng việc là thành viên của EU dẫn đến tình trạng “nhập cư số lượng lớn, khiến tiền lương thấp và tạo gánh nặng cho hệ thống trường học, bệnh viện, giao thông và nhà cửa”.

Một tờ báo khác cũng thuộc sở hữu của tỷ phú Murdoch, tờ The Times với quan điểm trung lập hơn, vẫn khuyến khích độc giả bỏ phiếu ở lại EU, nhưng The Sun mới là nơi ông Rupert Murdoch đặt tâm huyết và ảnh hưởng vào đó.

Tầm ảnh hưởng ông lên nền chính trị Anh đến đâu vẫn là một câu hỏi mở. Vào năm 2011, tỷ phú Murdoch gần như đã bị đuổi khỏi London, khi vướng bê bối có lẽ lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Tờ News of the World, một trong những báo lá cải của ông trùm, đã nhiều năm nghe trộm điện thoại các chính trị gia, người nổi tiếng, thành viên hoàng gia và cả của một cô bé 13 tuổi.

Những gì diễn ra sau đó ảnh hưởng lớn tới gia đình Murdoch và đế chế của ông. Rebekah Brooks, một trong những cấp dưới thân cận, người gần như là đứa con thứ 7 của tỷ phú, đã bị bắt giữ, xét xử, nhưng sau đó được trắng án. Andy Coulson, cựu tổng biên tập của tỷ phú, người từng làm việc cho Thủ tướng David Cameron, phải ngồi tù do khuyến khích các phóng viên của mình hành động phi pháp.

Để kiểm soát thiệt hại từ vụ bê bối này, tập đoàn của tỷ phú bỏ ra hàng triệu USD để dàn xếp với những người bị hại. Tỷ phú và con trai James phải ra điều trần trước quốc hội Anh, James phủ nhận biết việc nghe trộm diễn ra trên diện rộng, nhưng bị đối chất về một email gửi tới ông vào năm 2008, cảnh báo về tính nghiêm trọng của vấn đề này.

Đây là một vụ bê bối của cả tập đoàn, nhưng vì bản chất của tập đoàn này, nó cũng là một vấn đề gia đình. James đổ lỗi cho cha mình vì đã tạo môi trường cho văn hóa nghe trộm diễn ra, và cũng vì Murdoch đã để James phải hứng mọi búa rìu dư luận, dù nạn nghe trộm bắt đầu từ trước khi James vào làm việc.

James cho rằng cha mình tức giận vì James đã không tiến hành một cuộc che đậy. James thậm chí còn nói với vài thành viên ban quản trị rằng ông lo về sức khỏe tâm thần của cha mình. Về phần mình, ông Murdoch cho rằng James có lỗi khi xung quanh James là những cố vấn vô dụng, những người đã không thể xử lý được cuộc khủng hoảng khi nó vẫn có thể được kiềm chế.

Theo nguồn tin của New York Times, con gái Elizabeth, người từ lâu đã không được cân nhắc vai trò kế vị, nhân cơ hội này đã tái xuất và thúc giục tỷ phú Murdoch sa thải James và thay thế bằng mình. Murdoch đã đồng ý sẽ sa thải James, nhưng rút lại quyết định trước khi nó được công bố.

Cũng nhân cơ hội này, Lachlan xuất hiện như vị cứu tinh của gia đình trong cuộc khủng hoảng, gọi điện cho cha mình khi đang quá cảnh ở Bangkok, trên đường từ Australia đến Anh. Lachlan yêu cầu Murdoch không nóng vội. Khi xuất hiện ở văn phòng của tập đoàn với làn da rám nắng, Lachlan ngay lập tức khiến ông trùm an lòng.

Tuy nhiên nhà Murdoch vẫn chịu chỉ trích sau đó, với cuộc điều tra lớn của chính phủ Anh về hoạt động của ngành báo chí nước này, mà trọng tâm là những tờ báo thuộc sở hữu của tỷ phú. Kết quả cuộc điều tra - Báo cáo Leveson - mô tả nước Anh là nơi mà một gia đình duy nhất tích tụ được quyền lực lớn tới mức mà những luật lệ không thể đụng tới họ.

“Đôi khi, ông Murdoch có thể vận dụng quyền lực của mình mà không cần phải trực tiếp nói ra điều mình muốn”, báo cáo nhận định và chỉ ra rằng “các chính trị gia ngầm hiểu rằng ông Murdoch có thể trao cho họ sự ủng hộ chính trị nhờ những tờ báo có lượng phát hành lớn”.

newsoftheworld_060112

Bản giấy cuối cùng của News of the World ngày 10/7/2011 đề chữ lớn "Cảm ơn và tạm biệt" sau vụ bê bối nghe lén rộng khắp ở tờ báo này. Ảnh: PRI

Khi Báo cáo Leveson được công bố vào năm 2012, tỷ phú Murdoch đã giải thể tờ News of the World để tránh bị chú ý ở Anh. Nhưng đến năm 2016, người đàn ông quyền lực này bất ngờ tái xuất: ông kết hôn với người vợ thứ tư là Jerry Hall. Mặc dù họ gặp nhau ở Australia nhưng tỷ phú và bà vợ mới dành nhiều thời gian ở dinh thự 26 phòng tại London, thuộc sở hữu của bà Hall và bạn trai cũ là siêu sao nhạc rock Mick Jagger.

Trở lại thành phố mà ông từng xây dựng đế chế khổng lồ sau khi gặp bà Magaret Thatcher, Rupert Murdoch sử dụng The Sun – tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Anh, để khuyến khích người đọc bỏ phiếu rời khỏi EU. Trang bìa của tờ báo này vào ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý là hình ảnh dựa trên poster của bộ phim Ngày Độc lập: Hồi sinh ra mắt cùng ngày, dòng chữ nổi bật cũng được sửa lại thành “Ngày Độc lập: Sự hồi sinh của nước Anh”.

Sau khi có kết quả, Rupert Murdoch so sánh quyết định rời khỏi EU của Anh với hành động “vượt ngục” và ăn mừng cùng Nigel Farage – một trong những kiến trúc sư của chiến dịch rời EU - tại biệt thự ở London của nhà tài phiệt Evgeny Lebedev.

Kết quả của cuộc trưng cầu đã hiện thực hóa tham vọng bị trì hoãn từ lâu của tỷ phú Murdoch, và đưa ông lại trở lại vị trí ảnh hưởng trên chính trường Anh, tưởng chừng đã không còn sau vụ bê bối của News of the World. The Sunkhông chỉ góp phần quan trọng vào việc Anh rời EU, mà trong những biến động chính trị sau đó, tờ báo đã ủng hộ bà Theresa May, và giúp bộ trưởng Nội vụ của ông Cameron lên làm thủ tướng Anh.

Ngay khi bước vào nhiệm sở, bà May đã dành thời gian gặp riêng Murdoch, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 36 tiếng tới New York để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Vài tuần sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, ông Trump cũng dành thời gian gặp riêng tỷ phú Murdoch trong chuyến đi tới Scotland. Ở sân golf Aberdeen, các phóng viên bắt gặp cảnh đích thân tổng thống Mỹ lái xe cart chở ông trùm truyền thông và vợ Jerry Hall. Tối hôm đó, hai gia đình đã có bữa ăn tối cùng nhau, với sự xuất hiện của cả Ivanka và Jared Kushner.

murdochmay

Người biểu tình chế giễu ảnh hưởng của ông Murdoch lên cựu thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Getty Images.

Đây là công việc lúc về hưu của tôi

Mùa hè năm 2016 là thời gian tuyệt vời đối với một đài truyền hình chuyên phục vụ các khán giả cánh hữu như Fox. Tuy nhiên tương lai lại có gì đó khá mông lung. Thương hiệu truyền thông hàng đầu của tỷ phú Murdoch đang ủng hộ một ứng viên Cộng hòa không chỉ xa rời khỏi giá trị truyền thống của đảng, mà còn được dự báo sẽ thua khi bầu cử. Thêm nữa, CEO của Fox News trong hơn hai thập kỷ, Roger Ailes, buộc phải từ chức do hàng loạt cáo buộc quấy rối tình dục.

Chính James và Lachlan đã phối hợp để đẩy Roger Ailes ra khỏi Fox, dù cha của họ ban đầu phản đối. Cũng như bà vợ thứ 3 của tỷ phú, Roger Ailes là chủ đề hiếm hoi khác mà hai anh em có cùng quan điểm, dù lý do mà họ không thích CEO của Fox là khác nhau.

Lachlan xung đột nhiều với Ailes trong thời gian đầu sự nghiệp ở New York. Con trai đầu của ông Murdoch nói với bạn bè rằng căng thẳng lên đỉnh điểm vào năm 2005, khi Lachlan nghe cha mình nói với Ailes: “Đừng bận tâm về thằng bé”. Trong khi đó, James coi Ailes là một ông già thô lỗ, đại diện cho sự bảo thủ và cực đoan trên sóng của Fox: chủ nghĩa bản địa bài ngoại; nỗi sợ thái quá về người nhập cư và người Hồi giáo; sự thích thú các thuyết âm mưu; và nhất là quan điểm phủ nhận biến đổi khí hậu. Tất cả đều trái với quan điểm cấp tiến hơn của James.

Sau khi Roger Ailes phải khăn gói ra đi, James nhìn thấy một cơ hội để đưa Fox News đi theo một hướng mới. James muốn mang tới một giám đốc điều hành có kinh nghiệm, người sẽ định vị lại Fox News thành hệ thống tin tức có trách nhiệm hơn, dù vẫn giữ những giá trị bảo thủ. Một giám đốc điều hành có thể chấm dứt thói quen hiện nay của các MC vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của báo chí như tính chính xác, công tâm và một điều nữa mà James gọi là “sự đàng hoàng”.

Ứng viên trong đầu James là David Rhodes, lúc đó là Chủ tịch của CBS News. Rhodes cũng là cựu nhân viên cấp cao của Fox News và là anh trai của Ben Rhodes, cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, cả ông trùm Murdoch và Lachlan đều phản đối. Họ muốn một sự tiếp nối, không phải sự thay đổi. Cũng giống như cha, Lachlan coi việc thay đổi một hệ thống đang đem lại lợi nhuận khổng lồ là điên khùng.

Thay vì đưa về một CEO mới, tỷ phú Murdoch bước vào văn phòng của Ailes và đích thân điều hành, một giải pháp ngắn hạn để làm yên lòng cổ đông và nhân viên công ty. Không lâu sau đó, người ta thấy tỷ phú Murdoch trở lại phòng tin tức, tham gia các cuộc họp và đi thăm trường quay. Ông trùm gọi đây là “công việc lúc về hưu của tôi” và có được niềm vui mà nhiều năm rồi ông đã không cảm thấy.

Từng hoài nghi về chiến dịch tranh cử của ông Trump, giờ đây, tỷ phú Murdoch và Fox News lại hoàn toàn đứng sau chống lưng cho chiến dịch này. Trong giai đoạn cuối của thời gian tranh cử, Fox cắt giảm sự xuất hiện của những nhà phân tích và bình luận có quan điểm chống Trump, tăng thời lượng cho những người ủng hộ Trump.

F60FE536BDA8418D91AB191245BAA845

Từng hoài nghi về chiến dịch tranh cử của ông Trump, giờ đây, tỷ phú Murdoch và Fox News lại hoàn toàn đứng sau chống lưng cho chiến dịch này. Ảnh: AP.

Thêm vào đó, trên Fox News cũng xuất hiện nhiều hơn những giọng điệu chỉ trích ứng viên Hillary Clinton. Người dẫn Sean Hannity tạo nên những chương trình xoay quanh các tin đồn và thuyết âm mưu về ứng viên đảng Dân chủ, nội dung tương tự với tin giả từ các trang cánh hữu và tài khoản mạng xã hội có nguồn gốc Nga, chẳng hạn nói bà Hillary bị bệnh có thể đe dọa tính mạng.

Vì cho rằng bà Clinton sẽ chiến thắng, trong ngày có kết quả bầu cử sơ bộ, James và vợ mình là Kathryn mời Ivanka và Jared Kushner tới ăn tối tại căn hộ của họ ở Upper East Side, New York, như một động thái bày tỏ sự cảm thông. Bản thân James và Kathryn từng phải hứng chịu ánh mắt soi mói của công chúng sau vụ bê bối News of the World, vì vậy họ muốn chia sẻ với vợ chồng nhà Kushner, và muốn khẳng định Jared và Ivanka vẫn được chào đón trong cộng đồng thượng lưu ở Manhattan, dù cho ông Trump thất bại.

Nhưng kết quả, ông Trump đắc cử bất ngờ, cơn địa chấn trên chính trường Mỹ và thế giới mà Fox đã góp phần tạo ra. Vợ chồng nhà Kushner từ không có kinh nghiệm chính trị trở thành những cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng.

(Theo Zing.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ