'Con sóng thần' cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bao giờ kết thúc?

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là tại HNX và UPCoM với đặc thù biên độ cao.
BÌNH AN
15, Tháng 11, 2021 | 09:26

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là tại HNX và UPCoM với đặc thù biên độ cao.

Trong khoảng thời gian 4 tháng qua, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành nhưng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thay vì nhóm vốn hóa lớn như ở thời gian trước đó.

Chỉ tính riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch trong nhóm VNMID và VNSML (đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ) trong khoảng nửa tháng gần đây đều duy trì ở mức trên 50% so với tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm VN30 (đại diện cho các nhóm vốn hóa lớn) chỉ chiếm dưới 40%.

Không chỉ thanh khoản tăng mạnh, chỉ số VNMID và VNSML cũng có sự tăng trưởng vượt bậc hơn so với VN30. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số VNMID đã tăng 21,7% và liên tục đi tìm đỉnh mới. Tương tự, chỉ số VNSML cũng tăng 24,4%. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian trên, chỉ số VN30 chỉ tăng 5,1%.

1

Giá trị giao dịch kể từ đầu năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng.

Chỉ trong khoản thời gian ngắn, nhà đầu tư được chứng kiến nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng rất mạnh, thậm chí tính bằng lần. Trong đó, nhiều cổ phiếu còn tăng bất chấp kết quả kinh doanh mới được công bố kém khả quan

Bên cạnh đó, dòng tiền lớn không chỉ dừng lại ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở sàn HoSE mà còn tìm đến nhiều cổ phiếu tại sàn HNX và UPCoM với đặc thù biên độ cao hơn. Đáng kể nhất là ở phiên 12/11, sàn UPCoM ghi nhận số mã tăng trần cao kỷ lục với 127 mã.

Chỉ tính riêng trong tuần giao dịch từ 8-12/11, sàn UPCoM ghi nhận hơn 50 cổ phiếu tăng giá trên 20%. Trong đó có rất nhiều cổ phiếu ghi nhận thanh khoản tăng vọt như L12 của Licogi 12 (UPCoM: L12), CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông (UPCoM: CMT), TL4 của Xây dựng Thủy lợi 4 (UPCoM: TL4), XMC của Bê tông Xuân Mai (UPCoM: XMC)...

Tính xa hơn, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã có mức tăng tính bằng lần như SDA của Simco Sông Đà (HNX: SDA). Giá cổ phiếu SDA đã lên gấp đôi chỉ sau 10 phiên giao dịch từ mức 30.000 đồng/cp lên 64.500 đồng/cp. Tính xa hơn và trong khoảng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu SDA đã lên gấp 14 lần. Cùng với đó, từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA nâng lên mức hàng trăm nghìn đơn vị.

Tương tự là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG), gấp 2,3 lần thời điểm đầu tháng 10 và liên tục đi tìm đỉnh mới. Chốt phiên 12/11, DIG đạt 70.900 đồng/cp. Đà tăng sốc này đã giúp vốn hóa của DIG lọt vào top 50 toàn thị trường chứng khoán với 40.760 tỷ đồng.

Lý giải về biến động như trên của thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Hội sở của Mirae Asset Việt Nam cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất là ngành ngân hàng thiếu câu chuyện tạo ra sự kỳ vọng do áp lực tăng trưởng về lợi nhuận và nợ xấu. Vì vậy, dòng tiền cần một nơi để thoả mãn. Bên cạnh đó, với sự dẫn động của các tư vấn viên cũng như tâm lý đầu cơ hội tụ, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đặc biệt là có tính "ăn nhanh" (biên độ lớn – mạo hiểm cao) thuộc sàn HNX và UPCoM được lựa chọn là điều hợp lý. 

Một yếu tố nữa là các nhà đầu tư lớn am hiểu tâm lý đám đông nên đã chuẩn bị trước như "gom hàng" ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trước, sau đó thực hiện “định hướng, dẫn động đám đông" để hiện thức hoá lợi nhuận. Đây là bối cảnh quen thuộc của hơn 10 năm về trước tương đồng với giai đoạn 2011-2012.

Dù vậy, ông Tuấn thận trọng khi lưu ý về bản chất của thị trường chứng khoán là "chóng nở sẽ sớm tàn". "Giá cả là thứ chúng ta phải trả và giá trị là thứ chúng ta nhận được", ông Tuấn cho biết đây là một vấn đề hết sức đơn giản nhưng ít nhà đầu tư chú ý.

Đối với một cuộc đầu cơ như hiện tại, chuyên gia đến từ Mirae Asset liên tưởng đến câu nói nổi tiếng trong đầu tư "thủy triều rút mới biết ai là người tắm truồng". Hiện tượng này có tính lặp lại qua hàng trăm con sóng lớn nhỏ trong 21 năm tồn tại và đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, thị trường đi lên nhanh và mạnh thì sẽ có nhưng cuộc điều chỉnh ngắn vừa phải để làm cân bằng và tạo tính bền vững hơn. Về mặt định giá P/E của thị trường hiện tại vẫn đang ở mức quanh 17.x lần và sẽ rẻ hơn cho năm 2022 khi EPS tăng tốt nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này giúp cho triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn sáng.

Ngược lại, ông Tuấn đánh giá nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cần một lực tiền rất mạnh đi kèm kỳ vọng lớn. Trong đó, lực tiền mạnh thường tới từ tổ chức định hướng hơn là nhà đâu tư cá nhân vì tính đầu cơ của nhóm này là rất cao. Khi có sự tham gia mạnh hơn của tổ chức đi kèm với câu chuyện cải thiện về lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.

Trước thực trạng nói trên, Giám đốc môi giới Hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận định rủi ro ngắn và trung hạn như tính đầu cơ cao đi kèm nền tảng yếu ở rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân cần trang bị nhiều hơn về kỹ năng và kiến thức lựa chọn cổ phiếu để cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận.

Đối với nhà đầu tư đứng ngoài thì nhịp điều chính nếu có diễn ra sẽ là một cơ hội để quay trở lại thị trường thuận lợi hơn. Nhà đầu tư này nên có cái nhìn tích cực về trung hạn đối với thị trường chứng khoán từ đó sẽ có tính chủ động hơn trong các quyết định đầu tư.

(Theo NDH)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ