'Có thời điểm, Chính phủ phải vay 40.000 tỷ/tháng để trả nợ'

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng. Có thời điểm, Chính phủ phải vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ/tháng.
THẮNG QUANG
30, Tháng 05, 2019 | 12:53

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng. Có thời điểm, Chính phủ phải vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ/tháng.

Sáng 30/5, 91 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Phải trả nợ đến hạn khoảng 700.000 tỷ đồng

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao những kết quả nổi bật như 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch.

"Tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện", đại biểu Hàm phát biểu.

Tuy nhiên, dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu đoàn Phú Thọ phân tích mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững.

Duong-quang-ham

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu. Ảnh: Bảo Lâm.

Theo ông, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ.

Nhưng, tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ông Hàm dẫn chứng cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường; năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn...

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ rõ sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.

"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng. Có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ/tháng", vị đại biểu nhấn mạnh và đề nghị ưu tiên, dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng và chú tâm đến việc tổ chức thực hiện.

Cũng lo lắng vấn đề này, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) nhận định, năm 2018 đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 7,08%, thu ngân sách vượt dự toán, các khu vực kinh tế phát triển tương đối đồng đều.

Sang quý I/2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Dù vậy, thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, không phải thu từ sản xuất kinh doanh, bởi vậy, đây là những con số không bền vững.

Năm 2020 chúng ta phải trả nợ đến hạn. Theo tính toán mỗi tháng phải tiết kiệm 21-27.000 tỷ đồng để trả nợ. Ông nói: với tình hình này, chúng ta có thể phải vay để trả nợ".

Gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ bị tử hình cũng chưa đáng

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu phản ánh bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện. Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng lộ trình điều chỉnh giá điện là vấn đề gây bức xúc cử tri thời gian qua.

Chính phủ khẳng định đã xem xét điều chỉnh theo đúng quy định. Nhưng, vấn đề cử tri quan tâm không phải đúng quy định hay không. Cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới, việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Theo đại biểu Hận, việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đương nhiên chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm, qua đó là tăng giá, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và giảm sức mua của người dân.

khai-mac-qh-01

Sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Bảo Lâm.

"Trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, tôi kiến nghị Quốc hội đưa vào Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này", đại biểu Hận đề nghị.

Về việc thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông, các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội.

Đại biểu đoàn Cà Mau cũng nhận định với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.

"Vì thế, ngoài chế tài nặng, việc thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng hy sinh đời bố, củng cố đời con, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời", ông Nguyễn Quốc Hận nói thêm.

Kết thúc phiên thảo luận sáng 30/5, có 27 đại biểu phát biểu tham luận, 1 đại biểu phát biểu tranh luận, còn 68 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ