Có hay không việc WHO và Trung Quốc che giấu thông tin COVID-19 như Tổng thống Trump cáo buộc?

Nhàđầutư
Tổng thống Donald Trump tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu COVID-19 nhằm khiến Mỹ - đối thủ kinh tế của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.
PHƯƠNG LINH
15, Tháng 04, 2020 | 16:10

Nhàđầutư
Tổng thống Donald Trump tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu COVID-19 nhằm khiến Mỹ - đối thủ kinh tế của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.

Tại cuộc họp 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cắt ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này đã che giấu tính nghiêm trọng của COVID-19 ở Trung Quốc.

Theo ông, WHO đã không minh bạch về dịch bệnh và Mỹ sẽ "thảo luận xem nên dùng số tiền đáng lẽ về tay WHO như thế nào". Tổng thống Trump lưu ý Mỹ mỗi năm cấp ngân sách cho WHO từ 400 đến 500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".

"Với sự bùng phát của COVID-19, chúng tôi quan ngại sâu sắc liệu tấm lòng hào phóng của nước Mỹ có được sử dụng một cách tốt nhất hay không?", ông nói.

Ông Trump tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu về COVID-19 nhằm khiến Mỹ - đối thủ kinh tế chính của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Theo ông, điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.

Cáo buộc của Tổng thống Mỹ là rất nghiêm trọng tuy nhiên có cơ sở hay không lại cần phải có những bằng chứng điều tra xác đáng. Tuy nhiên, những dấu hiệu nào đã khiến ông Trump tin vào điều ông nói như vậy?

WHO chưa tuyên bố COVID-19 là khủng hoảng y tế toàn cầu dù Trung Quốc thừa nhận dịch

Chính quyền Trung Quốc công bố dịch COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, theo dữ liệu của nước này mà South China Morning Post tiếp cận được, một người sống ở Hồ Bắc (55 tuổi) có thể là bệnh nhân đầu tiên và bị nhiễm vào ngày 17/11/2019.

Trong bối cảnh truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, 634 trường hợp được xác nhận mắc bệnh, cơ quan y tế Trung Quốc thông báo trường hợp qua đời đầu tiên bên ngoài khu vực này, nâng tổng số người chết do dịch bệnh này tại Trung Quốc lên 25. Các quan chức y tế lo ngại tốc độ lây bệnh có thể tăng tốc khi hàng trăm triệu người Trung Quốc đi du lịch trong và ngoài nước trong kỳ nghỉ kéo dài một tuần dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu vào ngày 25/1.

Để ngăn chặn dịch bệnh, chính quyền Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc, đình chỉ hầu hết các phương tiện giao thông vào ngày 23/1, bao gồm cả các chuyến bay đi, và yêu cầu mọi người không rời đi.

Thế nhưng, sau hai ngày họp bàn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng vẫn là "hơi quá sớm" để tuyên bố dịch viêm phổi do virus Corona là vấn đề y tế khẩn cấp của cộng đồng toàn cầu. Tổ chức này cho biết, họ chưa khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào rộng hơn đối với việc đi lại hoặc giao thương.

Trung Quốc chỉ trích biện pháp hạn chế nhập cảnh của các nước 

Theo tờ Nikkei Asian Review, Trung Quốc đáng được hoan nghênh vì phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh đáng được coi là một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, cũng như không phải là Trung Quốc đã cứu thế giới. Ngược lại, thế giới sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản ứng nhanh chóng khi thông tin về virus được công bố lần đầu tiên vào năm 2019 tại Vũ Hán, thay vì tìm cách che giấu thông tin.

Khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, hồi tháng 2/2020, Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ và các quốc gia khác về việc áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, gọi các biện pháp này là phản ứng quá đà. Theo Nikkei, chính phản ứng hung hăng của Bắc Kinh đã khiến các nước khác trì hoãn, thay vì khẩn trương hành động.

Trong khi đó, ngày 31/1, WHO tuyên bố dịch viêm phổi do virus Corona đã giết chết 213 người ở Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trong một cuộc họp báo ở Geneva nhưng cho biết WHO lo ngại về việc virus sẽ lây lan sang các quốc gia không có nguồn lực để đối phó với nó.

"Lý do chính cho tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn", ông Tedros nói. "Chúng ta chỉ có thể chặn đứng dịch bệnh nếu cùng hợp tác", tổng giám đốc WHO nói, thêm rằng "không có lý do" để ra lệnh cấm đi lại và giao thương quốc tế.

Ngày 29/2, WHO chỉ nâng mức đánh giá rủi ro toàn cầu về COVID-19 lên mức cao nhất sau khi dịch bệnh lan sang khu vực châu Phi và khiến thị trường tài chính sụt giảm kỷ lục.

"Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là virus, đó là nỗi sợ hãi, tin đồn và sự kỳ thị. Tuy nhiên tài sản lớn nhất của chúng ta là sự thật, lý trí và sự đoàn kết", ông Tedros nói.

Thậm chí, ngày 12/3, WHO chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là một đại dịch toàn cầu, thế nhưng Tổng giám đốc WHO vẫn cho rằng "Việc tuyên bố một đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus này gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và nó sẽ không thay đổi những gì các quốc gia nên làm".

Việt Nam dùng biện pháp nghiêm ngặt ngay từ đầu

Ngày 14/4, trang East Asia Forum (Diễn đàn Đông Á) đăng bài viết nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á thành công nhất trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, ngay từ khi dịch COVID-19 vẫn giới hạn trong phạm vi Trung Quốc đại lục.

Hãng truyền thông Deutsche Presse-Agentur (DPA) của Đức cũng có bài viết ca ngợi hoạt động chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, cho rằng dù có chung biên giới với Trung Quốc nhưng Việt Nam nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội đã tránh được những thiệt hại lớn hơn và kiểm soát số ca mắc COVID-19 ở mức vài trăm, không có ca nào tử vong. Hãng tin Đức cho rằng “phần lớn thành công của Việt Nam” trong việc ứng phó với dịch COVID-19 nhờ vào “sự đoàn kết xã hội.”

Trong ngày 12/4, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chúc mừng sự thành công của Việt Nam và ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, với hơn khoảng 50% số bệnh nhân nhiễm đã bình phục hoàn toàn.

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng các nước nên học hỏi phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam: “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.” Ông phân tích 3 lý do vì sao Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng, gồm đầu tiên là việc Việt Nam sớm kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch ngay khi Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào cuối tháng 12/2019.

Việt Nam đã sớm lên kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch lây lan từ nước ngoài và lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Thứ hai là cách tiếp cận toàn dân của Chính phủ Việt Nam và người dân có sự đồng thuận và niềm tin vào quyết sách của Chính phủ.

Thứ ba, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để nâng cấp năng lực của ngành y tế, hệ thống phòng thí nghiệm, khả năng phản ứng trước các tình huống cụ thể của các bệnh viện.

Trong khi đó, ông Christoph Dölitzsch, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuyên sâu của Viện nghiên cứu Dalia Research, cho biết: “Việt Nam có khả năng khống chế sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm, trái ngược hoàn toàn với tình hình ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đáng chú ý, tuy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được điều này với những biện pháp quyết liệt nhưng không làm nhiều người bỏ cuộc.”

Về phần mình, Viện khảo sát Dalia cũng nhận định rằng Việt Nam “khống chế có hiệu quả” số ca nhiễm COVID-19, và người dân tin tưởng vào các biện pháp mạnh của Chính phủ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ