Chủ tịch Thuỷ sản Minh Phú: Sức nặng của vương miện 'Vua tôm'

Nhàđầutư
Tết Nguyên Đán năm 2018, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú chính thức bước sang tuổi lục tuần, cái tuổi nhiều người nghĩ đến chuyện an hưởng tuổi già. Thế nhưng gặp "vua tôm", thấy ông vẫn nặng lòng với những trăn trở về nghề, về hàng trăm nghìn công nhân đang trông vào Minh Phú.
HIỂU MINH
03, Tháng 05, 2018 | 07:00

Nhàđầutư
Tết Nguyên Đán năm 2018, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú chính thức bước sang tuổi lục tuần, cái tuổi nhiều người nghĩ đến chuyện an hưởng tuổi già. Thế nhưng gặp "vua tôm", thấy ông vẫn nặng lòng với những trăn trở về nghề, về hàng trăm nghìn công nhân đang trông vào Minh Phú.

MrQuang-Minh-Phu

 "vua tôm" vẫn nặng lòng với những trăn trở về nghề, về hàng trăm nghìn công nhân đang trông vào Minh Phú

Theo tử vi tướng số, người tuổi Tuất thường được đánh giá cao về sự mưu trí, có khả năng dự đoán trước tình hình, tính quyết đoán cao, có tinh thần cộng đồng, biết kiềm chế bản thân nên họ luôn đạt được thành công trong nhiều việc.

Với ông chủ tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang (sinh năm 1958 - Mậu Tuất), những điều làm nên "ngôi vua" trên thương trường không chỉ gói gọn trong vài tính từ kể trên, đó là cả một câu chuyện dài gần một nửa thế kỷ.  

Con đường lên ngôi vua

Ông Quang xuất thân là kỹ sư nuôi tôm làm trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng với những cơ chế còn nhiều ràng buộc, năm 1988, ông Lê Văn Quang quyết định rẽ sang con đường riêng: làm đại lý thu mua tôm cho một doanh nghiệp tư nhân.

Nhận định thị trường còn nhiều tiềm năng, có thể chế biến tôm nguyên liệu thành tôm thành phẩm với lợi suất cao, Xí nghiệp Chế biến Cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú ra đời năm 1992 với số vốn khởi điểm 120 triệu đồng, hoạt động chính là thu mua, chế biến thủy hải sản cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh.

Cũng giống như hàng loạt "ông vua" khác, danh hiệu "vua tôm" trong ngành thuỷ sản gắn liền với Minh Phú, với doanh nhân Lê Văn Quang từ khi công ty lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2006. Khi đó, Minh Phú với vốn điều lệ 600 tỷ đồng trở thành một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thủy sản lớn nhất góp mặt trên thị trường, doanh thu xuất khẩu vượt mốc 100 triệu USD, cùng với Camimex, Kim Anh, Minh Hải hay VietFood trở thành những trụ cột trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đến năm 2014, Minh Phú đã đạt kết quả kinh doanh kỷ lục với con số 15.000 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lợi nhuận. Ngôi vương ngành tôm tưởng chừng khó có thể vuột khỏi tay, thậm chí Chủ tịch Lê Văn Quang từng tuyên bố "Minh Phú muốn lợi nhuận bao nhuận bao nhiêu là quyền của Minh Phú". Nhưng đến năm 2015, biến cố xảy đến với con tôm trên thị trường, Minh Phú bất ngờ báo lỗ 7 tỷ đồng - "ác mộng" đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, chưa nói đến "ông vua" đang ngồi trên ngai vàng như Chủ tịch Lê Văn Quang.

Ông Quang hồi tưởng: "Còn nhớ năm 2015-2016 giá dầu xuống 30 USD/thùng, Indonesia phá giá đồng tiền đến 90% để khai thác dầu không lỗ nên giá tôm của họ bán rẻ đến một nửa, hình thành thị trường tôm thế giới giá như vậy. Trong khi đồng tiền Việt Nam phá giá chỉ 3-5%, vô hình trung giá tôm của Việt Nam quá cao, cao thì mình không bán được. Để có lời buộc phải giảm giá đầu vào, nhưng giảm giá đầu vào thì người nuôi tôm lỗ, họ lỗ sang năm không nuôi nữa thì Minh Phú lấy đâu nguyên liệu để chế biến, nên năm 2015-2016 Minh Phú vẫn gắng sức mua, mình chấp nhận lỗ để người dân không lỗ. Với quyết định như vậy thì trời ơi, tôi bị hội đồng quản trị rầy quá trời luôn!"

Không vì lợi ích trước mắt mà quên đi hướng đường dài cho thương hiệu và sự phát triển của con tôm Việt, với năng lực của mình, nếu muốn, Minh Phú có thể chạy đua theo mức giá tôm thế giới, khi đó kịch bản sẽ khác. Nếu Minh Phú tung một lượng hàng lớn, với mức giá siêu thấp, thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục lao dốc thảm hại. Ông Quang chấp nhận bị "rầy quá trời" để hàng vạn hộ dân nuôi tôm khắp vùng miền Tây Nam Bộ thoát cảnh điêu đứng.

"Thuyền lớn thì sóng lớn" - câu nói này đúng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt với Minh Phú giai đoạn hai năm trước đây. Sự kiện Minh Phú huỷ niêm yết tự nguyện trên sàn chứng khoán hai năm trước như một bước lùi để chuẩn bị cho sự trở lại của "vua tôm".

 Trở lại làm vua

Cuối tháng 10/2017, Minh Phú quay lại sàn chứng khoán sau thời gian dài vắng bóng để tìm kiếm nhà đầu tư, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Nghe kể mới hay, trong hai năm qua, Minh Phú và Chủ tịch Lê Văn Quang đã nỗ lực để "thoát khỏi cái mác công ty đại chúng", đáp ứng yêu cầu của cổ đông chiến lược là Tập doàn Mitsui của Nhật.

Tuy nhiên lần trở lại này, tình hình không có nhiều thay đổi, nỗ lực gom cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ lẻ chỉ giúp Minh Phú rút bớt số lượng cổ đông từ mấy chục ngàn xuống còn hơn một ngàn cổ đông - còn quá xa so với tiêu chí dưới 100 người theo luật định.

Theo số liệu công bố mới nhất, Tập đoàn Minh Phú đạt doanh thu gần 1.800 tỷ đồng trong tháng 10/2017, nâng doanh thu luỹ kế 10 tháng đầu năm lên 12.600 tỷ. Lãi trước thuế theo đó tăng mạnh lên 610 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Sau hơn 25 năm thành lập và phát triển, Minh Phú đã trở thành thương hiệu quốc tế, lọt top 100 doanh nghiệp ngành thuỷ sản lớn nhất thế giới năm 2017 được UnderCurrentNews - trang thông tin về thuỷ sản nổi tiếng của Mỹ công bố.

Khi được hỏi cảm nghĩ về những kết quả đạt được, câu trả lời của "vua tôm" Lê Văn Quang khá bất ngờ: "Thực ra tôi cũng thấy bình thường, tôi chỉ cố gắng hết sức, chỉ nghĩ làm sao đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu của khách hàng, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên để người ta làm cho mình, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Triết lý của Minh Phú coi khách hàng như tri kỷ, khách hàng tăng trưởng thì mình tăng trưởng. Vì phương châm như vậy nên đối tác đến với Minh Phú gần như không bỏ Minh Phú".

Từ lợi thế có khách hàng lớn, lượng hàng lớn thì Minh Phú có khả năng thu mua nguyên liệu với số lượng lớn, tốt. Từ đó có thể dẫn dắt được thị trường nguyên liệu tại Việt Nam và có ảnh hưởng đến thị trường tôm trên toàn cầu. Đối với người nông dân, ông Lê Văn Quang cũng có những "chiêu thức" để chiều lòng họ, khiến họ trở thành đầu mối cung cấp nguyên liệu trung thành trong hàng thập kỷ qua, đáp ứng được nhu cầu sản xuất khủng của doanh nghiệp.

Với phương châm win - win (đôi bên cùng có lợi), Minh Phú đã phát triển bền vững nhiều năm qua. "Quan điểm của tôi là làm sao áp dụng được công nghệ nuôi bền vững, người nuôi tôm ít nhất cũng đảm bảo lợi nhuận đạt 20-30%, người dân có lời thì mình mới có nguồn nguyên liệu ổn định. Ngược lại, mình có mạng lưới, nguồn cung ổn định thì khách hàng cũng nhìn vào đó, họ yên tâm mua tôm của Minh Phú. Đối với cán bộ công nhân viên thì làm sao để họ thấy Minh Phú là ngôi nhà thứ 2, như là gia đình để cống hiến hết mình. Cán bộ đã ở Minh Phú đi rất ít, mất rất ít. Những người phải rời đi là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ở quê neo đơn thì phải về quê để phụng dưỡng. Đối với khách hàng, tôi xem họ như là tri kỷ, tri kỷ thì mới sẵn sàng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau thì mới gọi là tri kỷ. Từ phương châm, từ văn hoá đó thì Minh Phú mới phát triển nhanh, phát triển nhanh nhưng bền vững" - Chủ tịch Minh Phú chia sẻ.

Để ngành tôm được phát triển bên vững với lợi nhuận ngày một nâng cao và hài hoà giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối tôm năm 2017 Minh Phú xây dựng các “Chuỗi giá trị tôm rừng”, “Chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm”. Đó là bước đột phá của ngành tôm Việt Nam cũng như ngành tôm của toàn cầu. “Đây là chuỗi giá trị tôm mà thông qua đó chúng tôi có trách nhiệm đối với mội trường, xã hội, với người lao động, trách nhiệm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm xuyên suốt trong từng chuỗi giá trị” – ông Quang giải thích. Đó là các mô hình liên kết, hợp tác nuôi tôm với các hộ nuôi tôm theo mô hình doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng, chuỗi tôm quảng canh, chuỗi tôm lúa và chuỗi tôm thâm canh mà Minh Phú sẽ triển khai trong năm 2017 và các năm tiếp theo./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ