Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân.
LÝ TUẤN
26, Tháng 08, 2020 | 22:33

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân.

Chiều 26/8, phát biểu tại Hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc giải ngân vốn cho đầu tư công nhanh chóng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố giữa bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các ách tắc trong vấn đề này còn là nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19 (đợt 2).

Theo ông Phong, đến cuối tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 21.300 tỷ đồng, tương ứng hơn 50% kế hoạch. So với cùng kỳ 2019, hoạt động giải ngân đầu tư công của TP.HCM cao hơn về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, việc để xảy ra chậm giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là năng lực tiêu thụ vốn kém, cộng thêm năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư rất kém.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn quận nay có 32 dự án đầu tư công với tổng số vốn 150 tỷ đồng. Dù vậy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, và còn khoảng hơn 84 tỷ đồng chưa giải ngân được, với nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

imgl5774

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: HMC

Tương tự, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, quận này cũng chỉ đạt 45,36% giải ngân vốn đầu tư công cho đến nay, trong đó có 38 dự án bị vướng. Quận 9 nhiều lần đề nghị phê duyệt giá bồi thường và tái định cư phải thực hiện song song với nhau nhưng tiến độ còn chậm.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo theo hướng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đổi mới phương pháp làm việc để tạo đột phá trong quá trình giải ngân. TP.HCM cũng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020.

“Người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân. Đến ngày 15/10 giải ngân đạt từ 80%, nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt sẽ không được xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, TP.HCM đóng góp 27-28% ngân sách trung ương. Cả nước trông cậy rất lớn vào nguồn thu của thành phố, đây là trách nhiệm nặng nề, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động lên nhiều địa phương.

Đồng thời, người đứng đầu thành phố cũng lưu ý với những dự án hoàn thành chưa quyết toán cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục quyết toán. Những dự án thấy không khả thi trong quá trình triển khai vì vướng mắc, các cơ quan chủ quản cần làm việc với Sở KH&ĐT để điều chuyển vốn sang dự án khác.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đã chủ trì tổ chức giao ban 1 tuần/lần với các chủ đầu tư về tình hình giải ngân, trong đó các Sở ban ngành làm việc trước với các chủ đầu tư để nắm bắt tình hình, cũng như thống nhất phương án giải quyết. Qua đó, thành phố cũng đã trực tiếp kiến nghị nhiều giải pháp với trung ương để tháo gỡ bài toán chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Đối với các khó khăn vướng mắc tại 12 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo TP.HCM mong muốn Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngoài 12 dự án trên, đối với 126 dự án chậm thực hiện do một số vướng mắc dẫn đến chưa được giải ngân vốn thời gian qua cũng được TP.HCM kiến nghị giải quyết.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, cả hệ thống chính quyền, các Sở ngành và 24 quận/huyện sẽ nỗ lực cao nhất để đến cuối năm 2020 phấn đấu giải ngân đạt trên 95%.

Bên cạnh đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Duy Minh Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết,  tình hình nguồn thu trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm, có 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký  348.000. Trong khi đó, có 21.226 doanh nghiệp ngưng hoạt động, giảm 126.000 tỷ đồng vốn đăng ký...Tính đến nay số tiền nợ thuế lên đến 13.000 tỷ đồng, trong đó có 9.000 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thu của các chi cục thuế quận huyện.

Các cấp, các ngành của TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp để tăng nguồn thu như đẩy mạnh việc thu tiền sử dụng đất, giao đất, tiền thuê đất...

Trong khi đó, theo đại diện Sở TN&MT, trong năm 2020, nguồn thu từ đất đai có thể đạt được con số 7.200 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ