Chủ sở hữu Cienco 8 huy động 200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu

Nhàđầutư
Cùng ngày Tập đoàn Phúc Lộc phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, cả doanh nghiệp và Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tường đã thế chấp tài sản đảm bảo lần lượt tại chi nhánh Sở giao dịch một nhà băng và một công ty chứng khoán lớn.
BẢO LINH
06, Tháng 03, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Cùng ngày Tập đoàn Phúc Lộc phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, cả doanh nghiệp và Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tường đã thế chấp tài sản đảm bảo lần lượt tại chi nhánh Sở giao dịch một nhà băng và một công ty chứng khoán lớn.

tap-doan-phuc-loc-thay-doi-nhieu-nhan-su-lanh-dao-hinh-anh0328651230

Một dự án của Tập đoàn Phúc Lộc

CTCP Tập đoàn Phúc Lộc vừa công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2019, Tập đoàn Phúc Lộc đã thanh toán 5,73 tỷ tiền lãi cho lô trái phiếu 200 tỷ đồng  

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, lô trái phiếu này được Tập đoàn Phúc Lộc phát hành thành công vào ngày 27/9/2019. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền. Kỳ hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Lãi suất là 11,5%/năm, và cố định trong toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu.

Thông tin chi tiết liên quan đến tài sản đảm bảo không được công bố, Tập đoàn cho biết: ”Trái phiếu được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản của Tổ chức phát hành (TCPH) và của các tổ chức, cá nhân khác theo thỏa thuận giữa TCPH và các nhà đầu tư mua trái phiếu”.

Cùng với đó, trái chủ lô trái phiếu này chỉ được định danh là “1 nhà đầu tư tổ chức”.

Vài nét về Tập đoàn Phúc Lộc

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Tập đoàn Phúc Lộc thành lập ngày 19/4/2010, trụ sở chính tại lô C2, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Lương Minh Tường (sinh ngày 26/11/1973). Dữ liệu cho thấy, Tập đoàn Phúc Lộc từ năm 2016 đến nay đã tăng vốn liên tục 2 lần: Ngày 17/11/2016, Phúc Lộc tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 2.650 tỷ đồng; Ngày 3/9/2019, tiếp tục nâng lên 2.689 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông không được Tập đoàn công bố. Dù vậy, một dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, ông Lương Minh Tường đang nắm ít nhất 66,2% vốn doanh nghiệp.

Nói đến tên doanh nhân họ Lương, giới đầu tư không thể không nhắc đến thương vụ đại gia này thâu tóm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8).

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đầu năm 2014), vốn điều lệ của Cienco 8 là 350 tỷ đồng, tương đương phát hành 35 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17,15 triệu cổ phần, chiếm 49% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1,4%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 21%; bán đấu giá công khai hơn 10 triệu cổ phần, tương đương 28,6% vốn điều lệ.

Ba cổ đông chiến lược của Cienco 8 là: CTCP Cầu đường Long Biên góp 35 tỷ đồng (chiếm 10% tỷ lệ vốn điều lệ), CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC góp 21 tỷ đồng (chiếm 6% tỷ lệ vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam góp 17,5 tỷ đồng (chiếm 5% tỷ lệ vốn điều lệ).

Các cổ đông chiến lược Cienco 8 sau đó âm thầm thoái vốn. Và, chỉ đến khi Cienco 8 (vào năm 2015) công bố thông tin ông Lương Minh Tường được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, giới đầu tư mới sáng tỏ thông tin Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang (vợ ông) đã hoàn tất việc mua vốn nhà nước, và từ các cổ đông chiến lược với tổng cộng 51,99% tổng số cổ phần tại Cienco 8.

Sau khi Tập đoàn Phúc Lộc và vợ chồng ông Lương Minh Tường nắm quyền chi phối Cienco 8, công ty này có đợt tăng vốn điều lệ lên 589,9 tỷ đồng. Lúc này, Nhà nước chỉ nắm khoảng 18% vốn điều lệ, còn nhóm cổ đông Tập đoàn Phúc Lộc chiếm cổ phần chi phối với 78,51%.

Đáng chú ý, liên danh Cienco 8 – Tập đoàn Phúc Lộc đã được chỉ định thầu nhiều dự án tại Thái Nguyên, trong đó điển hình nhất là dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (gọi tắt là dự án Sông Cầu) thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP – Hợp đồng BT.

Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 18.211,61 tỷ đồng, cụ thể: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác là 5.611,61 tỷ đồng, và nguồn vốn của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động hợp pháp là 12.600 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng các hạng mục của dự án BT là 9.811,61 tỷ đồng, và chi phí đầu tư các hạng mục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu đô thị 2 bên bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên để thu hồi vốn dự án BT là 8.400 tỷ đồng.

Không chỉ địa bàn Thái Nguyên, Tập đoàn Phúc Lộc còn sở hữu nhiều dự án lớn ở các tỉnh thành khác.

Tại Bình Định, ngày 01/7/2014, UBND tỉnh Bình Định có Văn bản số 2745/UBND-KTN giao cho CTCP Tập đoàn Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 02 dự án (đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa) theo hình thức BT.

Dự án đầu tư xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 581 tỷ đồng. Còn dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa có tổng mức đầu tư dự kiến là 634 tỷ đồng.

Đổi lại, tỉnh Bình Định sẽ dùng dự án Khu đô thị du lịch văn hóa thể thao hồ Phú Hòa làm vốn đối ứng. Dự án này có diện tích 317,88 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.722 tỷ đồng.

Tại Ninh Bình, Tập đoàn Phúc Lộc là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn với tổng mức đầu tư 859,74 tỷ đồng. Năm 2015, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 584/QĐ-BGTVT mở cảng cạn (ICD) Phúc Lộc - Ninh Bình cho doanh nghiệp của ông Lương Minh Tường.

Năm 2017, Tập đoàn Phúc Lộc đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và dịch vụ tại Khu kinh tế Đông Nam tại tỉnh Nghệ An.

Cùng với đó, Tập đoàn này cũng là chủ đầu tư nhiều dự án lớn khác, như: Dự án khu biệt thự sinh thái và nhà ở liền kề , Phường Hồng Châu, TP Hưng Yên; Dự án Nhà máy chế biến Khoáng sản Gia Thanh; Dự án "Đường bao Đông Nam quận Hải An"; Dự án Đầu tư cải tạo nền, mặt đường và công trình Km8 – Km29 và Km40 – Km66 trên Quốc lộ 4A ở Lạng Sơn; Liên danh Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Xây dựng miền Trung - CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An trúng thầu dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa; Liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn.

Tại Hà Nội, Tập đoàn Phúc Lộc là chủ đầu tư toà nhà LOD số 38 Trần Thái Tông, dự án tọa lạc tại một trong những đường phố trung tâm phát triển thương mại lớn nhất của Hà Nội. Hồi tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra dự án này.

CTCP Chứng khoán MB (MBS) tham gia vào đợt phát hành 200 tỷ đồng của Tập đoàn Phúc Lộc với vai trò là đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại lý quản lý tài sản bảo đảm 2, đại diện người sở hữu trái phiếu.

Cùng trong ngày 27/9/2019, ông Lương Minh Tường đã thế chấp 178 triệu cổ phiếu Tập đoàn Phúc Lộc, tương đương 66,2% vốn doanh nghiệp tại MBS.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bảo Việt – chi nhánh Sở Giao dịch lại sắm vai đại lý quản lý tài khoản, đại lý thanh toán, đại lý quản lý tài sản bảo đảm bảo 1.

Giống MBS, nhà băng này ngày 27/9/2019 đã nhận thế chấp một số tài sản đảm bảo của Tập đoàn Phúc Lộc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ