Chân dung tân Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân

Nhàđầutư
Sáng nay, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Đảng bộ TP. HCM, giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM.
HỒ MAI
10, Tháng 05, 2017 | 08:26

Nhàđầutư
Sáng nay, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Đảng bộ TP. HCM, giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM.

nguyenthiennhan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quyết định cho tân Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân 

Sáng nay - 10/5/2017, tại TP. HCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Đảng bộ TP. HCM, giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM.

Tại hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự sáng 10/5 tại Hội trường Thành ủy TP. HCM, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã công bố quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP. HCM nhiệm kỳ 2015-2020, giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM. 

Cũng trong ngày 10/5, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Tạp chí Nhà Đầu tư xin điểm lại một số nét quan trọng trong sự nghiệp của tân Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Sự nghiệp hanh thông

Sinh năm 1953 tại Trà Vinh, ông Nguyễn Thiện Nhân có học hàm, học vị là Giáo sư - Tiến sĩ, theo học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg CHDC Đức (1972-1979).

Cha ông là Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành - cựu Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất. Gia đình ông là một trong số gia đình ít ỏi ở Việt Nam có hai cha con được phong hàm Giáo sư.

nguyen thien nhan

 Tân Bí thư TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân 

Sau khi theo học tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg CHDC Đức, trở về nước, ông có 3 năm công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, cấp bậc Thượng úy. Sau đó, ông chuyển sang làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa TP. HCM (1983-1985).

Sau đó, ông tham gia làm ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng Ban Khoa học Kỹ thuật rồi Phó bí thư Thành đoàn TP. HCM trước khi làm Tùy viên giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại CHDC Đức.

Hết nhiệm kỳ, ông dành 2 năm theo học kinh tế thị trường tại trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg CHLB Đức.

Trở lại TP. HCM, ông về công tác, làm Phó chủ nhiệm bộ môn Quản lý công nghiệp trường Đại học Bách khoa TP. HCM rồi học thạc sĩ quản lý cộng đồng tại trường Đại học Oregon (Mỹ) và khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại trường Đại học Harvard (Mỹ).

Từ 9/1995-4/1997, ông làm Trưởng khoa rồi Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP. HCM. Trong thời gian này, ông đạt học hàm Phó giáo sư kinh tế.

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP. HCM, công tác hơn 3 năm trước khi được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP. HCM. Ông nhận học hàm Giáo sư kinh tế vào năm 2002.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân thực sự được người dân biết đến nhiều từ giữa năm 2006, khi ông được bầu làm Bộ trưởng Giáo dục, rồi Phó Thủ tướng.

Dấu ấn Bộ trưởng Giáo dục

Tháng 7/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội khóa XII. Tháng 8/2007, ông giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nói về ông Nguyễn Thiện Nhân, nhiều người nhắc đến dấu ấn "Hai không": “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” khi ông làm Bộ trưởng Giáo dục. Ông Nhân còn đưa ra cuộc vận động "Năm không": "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; việc ngồi nhầm lớp và đào tạo không theo nhu cầu xã hội".

Song song với cuộc vận động trên, tháng 9/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi tới tất cả các cơ sở giáo dục đại học dự thảo đề án học phí mới với mức cao hơn những năm trước đó nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thể cung ứng dịch vụ đào tạo với chất lượng cao hơn.

Ông cũng là Bộ trưởng góp phần xây dựng chính sách vay vốn cho sinh viên nghèo. Trước đó, nhiều học sinh học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn thường tìm đến các trường quân đội, công an, sư phạm để khỏi phải đóng học phí. Nhưng từ khi chính sách ưu việt đó ra đời, các thí sinh có lực học tốt – hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nhiều lựa chọn.

nguyen thien nhan 12

Dù đã thôi giữ chức Bộ trưởng nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn luôn dành sự quan tâm đến ngành Giáo dục

Ông được đánh giá là người cởi mở với báo chí và học sinh, sinh viên. Ngay từ thời làm Bộ trưởng Giáo dục, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã có bài giảng bằng tiếng Anh tại ĐH Ngoại thương Hà Nội. 

Tháng 4/2010, trong thời gian chờ Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay thế, ông được Thủ tướng đồng ý tạm thời cho thôi điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng.

Ngay cả khi đã thôi giữ chức Bộ trưởng, ông vẫn luôn dành sự quan tâm đến ngành Giáo dục.

Năm 2015, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dự Lễ khai giảng năm học mới của Trường Việt - Đức tại Bình Dương. Trong suốt buổi nói chuyện với Ban giám hiệu nhà trường, các giảng viên và sinh viên, ông Nguyễn Thiện Nhân dùng tiếng Anh. Hơn 1.200 sinh viên trong và ngoài nước theo học tại trường tỏ ra thích thú và hào hứng với bài nói chuyện này.

Tâm sự với báo giới, ông từng thổ lộ: “Ngày Tết, tôi chỉ mong có những lúc được tắt điện thoại di động, không nghĩ đến công việc để dành thời gian cho gia đình…Từ khi nhận chức Bộ trưởng tôi đã không hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình. Lẽ ra tôi phải ở gần bên để chăm sóc gia đình, nhưng trọng trách đã nhận khiến tôi thường xuyên phải xa nhà”.

Kỳ vọng cương vị mới

Ngày 5/9/2013, tại Hội nghị lần thứ 6, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bầu ông vào Mặt trận, Đoàn Chủ tịch, Ban thường trực Mặt trận và giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII.

Kể từ ngày 12/11/2016, ông Nguyễn Thiện Nhân thôi chức vụ Phó Thủ tướng để tập trung cho cương vị Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khi làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngoài những công tác bề mặt, ông Nguyễn Thiện Nhân còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề phức tạp về xã hội và cơ bản ổn định tình hình.

Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer (người Australia) từng đánh giá: "Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương Tây. Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời".

Trong khi đó, nói với hãng tin Bloomberg, ông Fred Burke, Giám đốc điều hành Công ty luật Baker & McKenzie ở TP. HCM, người đã một số lần đi cùng ông Nhân sang Mỹ, cho hay: "Ông ấy thuyết trình bằng PowerPoint cho những người muốn đầu tư, và cách tiếp cận của ông thật xuất sắc. Ông ấy thuộc thế hệ mới đã tiếp xúc nhiều với quốc tế".

Trên cương vị mới, người dân đặt niềm tin và hy vọng tân Bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân sẽ đóng góp và cống hiến, đưa TP. HCM phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ