Các thị trường bị ảnh hưởng thế nào sau cuộc tấn công Ukraine của ông Putin?

Trong lúc những lo ngại về lạm phát và việc các ngân hàng trung ương cắt giảm các hỗ trợ còn chưa dứt, thì người ta lại buộc phải bận tâm nhiều hơn sự căng thẳng địa chính trị và đặt ra câu hỏi rằng điều này có thể gây ra những tổn hại gì cho nền kinh tế toàn cầu?
AN LE
26, Tháng 02, 2022 | 11:09

Trong lúc những lo ngại về lạm phát và việc các ngân hàng trung ương cắt giảm các hỗ trợ còn chưa dứt, thì người ta lại buộc phải bận tâm nhiều hơn sự căng thẳng địa chính trị và đặt ra câu hỏi rằng điều này có thể gây ra những tổn hại gì cho nền kinh tế toàn cầu?

Chuyện gì đang xảy ra?

russia-putin-markets

Một người dân Nga đang xem buổi phát sóng trực tiếp về quyết định của Tổng thống Nga Putin tiến đánh Ukraine hôm thứ Hai, 22/2/2022. 

Chứng khoán toàn cầu được một phen chao đảo hôm thứ Ba (22/2) sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân đội tiến vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Cùng thời điểm đó, các quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với động thái này của ông Putin.

Trước tin tức này, giá dầu đã chứng kiến bước nhảy vọt, với giá dầu Brent giao sau có thời điểm vượt mức 99 USD/thùng. Trong khi chỉ số S&P 500 vào thứ Ba (22/2) vượt ngưỡng 10%, đồng nghĩa với việc rơi vào vùng điều chỉnh.

Vào thứ Năm (24/2), khi Nga chính thức phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, giá dầu thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng, trong khi các thị trường châu Á, châu Âu và chứng khoán tương lai Mỹ đồng loạt lao dốc. Tuy nhiên, tình hình chứng khoán Mỹ đã được cải thiện vào cuối ngày khi Tổng thống Biden tuyên bố đợt trừng phạt mới đối với Nga. Dù vậy, chỉ số S&P vẫn tiếp tục nằm trong vùng điều chỉnh.

Trong khi quá trình hình thành giá trên thị trường dựa vào kinh nghiệm của các sự kiện xung đột chính trị đã xảy ra trước đó, lần này thực tế lại có những khác biệt. Và có hai lý do chính cho sự khác biệt này.

1. Tâm lý thay đổi

Tâm trạng của các nhà đầu tư đã trở nên ảm đạm hơn trong tháng qua, khi lạm phát tăng cao đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương sẽ có những can thiệp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, nếu họ tăng mạnh lãi suất và bắt đầu giảm số lượng trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của mình, điều đó sẽ lấy đi nguồn hưng phấn của thị trường có được rất lâu sau khi đại dịch xảy ra.

David Madden, một nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital cho biết: “Thị trường chứng khoán đã không còn sôi sục trong năm nay. Và viễn cảnh về một cuộc chiến trừng phạt "ăn miếng trả miếng" chỉ càng làm các nhà đầu tư thêm mất niềm tin".

2. Cuộc xung đột có thể gây tổn hại cho nền kinh tế

Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt chính của thế giới. Nếu dòng chảy năng lượng bị gián đoạn vì cuộc xung đột với Ukraine, điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu.

Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu là quốc gia đặc biệt phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này. Vào hôm thứ Ba (22/2), nước này thông báo đã tạm ngừng đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi được gọi là "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) sau hành động của Moscow ở miền đông Ukraine.

Ngoài ra, những lo ngại về việc giảm nguồn cung dầu và khí đốt, vốn đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, cũng có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát.

Ông Madden nói: “Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là giá dầu tăng lên 110 USD hoặc 120 USD, và việc tăng giá năng lượng cũng có thể gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi các nền kinh tế vẫn chưa phục hồi kể từ sau sự bùng nổ của đại dịch, thì giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là một cú sốc về năng lượng".

Các nhà chiến lược tại JPMorgan cho biết trong một lưu ý cho khách hàng rằng trong khi căng thẳng Nga-Ukraine không có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty Mỹ, thì việc tăng giá năng lượng "trong bối cảnh ngân hàng trung ương tích cực tập trung vào lạm phát có thể làm nhụt chí các nhà đầu tư và giảm triển vọng tăng trưởng".

Nga đã phải trả một cái giá quá đắt về tài chính

Chứng khoán Nga lao dốc và đồng rúp trượt gần mức thấp kỷ lục vào hôm thứ Ba (22/2) khi các nhà đầu tư phản ứng trước quyết định điều quân đến miền đông Ukraine của Tổng thống Putin.

Chỉ số chứng khoán MOEX của Moscow đã giảm 4% vào thứ Ba (22/2) sau khi giảm hơn 10% vào thứ Hai, đưa mức thua lỗ trong năm nay lên đến hơn 20%, theo CNN. Tổng cộng, hơn 40 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị cổ phiếu Nga chỉ trong tuần này.

Đồng rúp từng có thời điểm giảm xuống mức 81 so với đồng USD, mức thấp nhất trong hơn một năm và gần với mức thấp nhất mọi thời đại.

Trước tình hình này, ngân hàng trung ương Nga đã công bố các biện pháp hỗ trợ các ngân hàng, bao gồm một điều khoản cho phép họ sử dụng giá cổ phiếu và trái phiếu vào thứ Sáu tuần trước (18/2) khi báo cáo tình hình tài chính của họ.

Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase đã viết: “Chúng tôi dự kiến thị trường chứng khoán Nga sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới".

Ngay khi cuộc tấn công quân sự toàn diện của Nga vào Ukraine nổ ra hôm thứ Năm (24/2), Mỹ, Anh và EU đã ngay lập tức đưa ra đợt trừng phạt thứ hai, bổ sung vào các biện pháp trước đó. Các quốc gia như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, New Zealand và Australia cũng tuyên bố sẽ tham gia vào các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga, đồng thời kêu gọi nước này dừng mọi hoạt động được coi là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Các lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, hàng hóa lưỡng dụng, việc kiểm soát xuất khẩu sang Nga và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, cũng như các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân và tổ chức của Nga.

Tuy nhiên, cả EU và Mỹ đều quyết định tạm thời không loại bỏ Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), theo yêu cầu của Ukraine.

(Theo CNN)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ