Các khu kinh tế miền Trung: Liên kết chặt để 'bắt tay' hút vốn FDI

Nhàđầutư
Khi các Khu kinh tế (KKT) miền Trung bắt tay hợp tác, liên kết vùng chặt chẽ sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
VIỆT HƯƠNG
25, Tháng 08, 2017 | 07:29

Nhàđầutư
Khi các Khu kinh tế (KKT) miền Trung bắt tay hợp tác, liên kết vùng chặt chẽ sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một số ý kiến chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho rằng, vấn đề thu hút đầu tư không chỉ đơn thuần là hút nguồn vốn của nhà đầu tư cho nền kinh tế mà điều đặc biệt quan trọng là thu hút được công nghệ mới, hiện đại, máy móc thiết bị tiên tiến, tạo nên năng suất cao, thu hút được cách thức quản lý tốt, chuyên gia giỏi, quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến, sản phẩm tốt, đẹp, sức cạnh tranh cao, tạo ra thị trường rộng lớn, tạo việc làm, tăng thu thập cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước.

6

 Đồng bộ về cơ sở hạ tầng là một trong những tiêu chí mà nhà đầu tư ngoại chọn Nghệ An làm điểm đến. Ảnh: Sỹ Minh

Trên thực tế, dù chưa thể sánh được với hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc, song “khúc ruột miền Trung” như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang nổi lên là một trong những khu vực thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cả vốn đầu tư trong nước, bất chấp đây là khu vực có điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) kỳ vọng, thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD. Số liệu mới nhất về lũy kế đến nay tại Hà Tĩnh đã thu hút được gần 11,56 tỷ USD vốn FDI, đứng vị trí số 8 trong danh sách các địa phương thu hút FDI lớn của cả nước; 6 tháng đầu năm 2017, Thanh Hóa là địa phương đứng ngay sát Nghệ An - vị trí số 1 với hơn 3 tỷ USD...

2

 Đại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiếp nhận 270 ngàn tấn dầu thô đầu tiên và dự kiến đưa vào vận hành thương mại quý 4/2017. Ảnh: Việt Hương

Thực tế cũng đã có một số dự án quy mô lớn đầu tư tại 3 tỉnh này. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, quy mô hơn 9 tỷ USD đang ở vào giai đoạn xây dựng cuối cùng trước khi vận hành. Liên hợp thép Formosa - hơn 10 tỷ USD - dù vẫn chưa được phép đi vào hoạt động chính thức sau khi là tác nhân gây sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền Trung - nhưng cho đến nay vẫn là dự án FDI quy mô lớn nhất cả nước. Đặc biệt là khi được vận hành thử lò cao số 1 và cho ra hàng trăm triệu tấn gang thép chất lượng, từng bước khắc phục hoàn toàn về các lỗi thông số, đảm bảo môi trường xung quanh dự án.

Những dự án này được kỳ vọng tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, cũng như để thu hút đầu tư. Một trong những điểm nhấn tạo đà cho sự thu hút đầu tư tại địa phương chính là cơ chế mở tại các KKT miền Trung.

“Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 3 vùng kinh tế: Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng BQL Khu kinh tế Nghi Sơn nói.

Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn thì nếu loại trừ hai đại dự án trên, tổng vốn FDI mà Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thu hút được còn khá khiêm tốn. Như vậy, vẫn còn những “điểm nghẽn” cần khơi thông để 3 địa phương này có thể tăng tốc thu hút FDI.

Năm 2016 - 2017, Nghệ An được xem là khoảng thời gian “được mùa” về thu hút đầu tư vốn FDI về các KKT của tỉnh này như VSIP Nghệ An trở thành KCN trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay ở tỉnh miền Trung này với tổng vốn đầu tư 76 triệu USD;  Dự án hạ tầng Hamaraj, KOVINET Hàn Quốc ôm trọn khu hạ tầng bắc Nghệ An...

Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư bởi nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, có quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan và Myanmar với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Nà Phàu. Đây là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại với các nước trong khu vực.

8

 KKT Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đang là điểm hút nhà đầu tư tại địa phương này với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2 tỷ USD/ năm. Ảnh VH

"Năm 2015, KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào danh mục các KKT trọng điểm quốc gia, đồng thời được đánh giá là KKT tăng trưởng năng động nhất trong cả nước so với các KKT có chung biên giới với nước Lào. Đây là những tín hiệu đáng mừng và là cơ hội để tỉnh Quảng Bình thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các KKT, KCN", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài xác nhận.

Có thể nói, miền Trung Việt Nam là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) với cơ chế mở, thủ tục đầu tư rất thông thoáng cùng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động… Đến nay, một số KCN cơ bản được lấp đầy như Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Hoà Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), Tịnh Phong (Quảng Ngãi), Phú Tài (Bình Định), Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Rồng (Gia Lai), Hòa Bình (Kon Tum)…

Tại khu vực Bắc miền Trung có các KKT mở như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nam Cấm (Nghệ An)... đang là một "khoảng trời" hội đủ điều kiện để nhà đầu tư lựa chọn.

(Còn tiếp)

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ