Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đối thoại với doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam

Nhàđầutư
Hôm nay 15/5, được sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ KH&ĐT và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.
NHÓM PV
15, Tháng 05, 2018 | 08:45

Nhàđầutư
Hôm nay 15/5, được sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ KH&ĐT và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.

image

Toàn cảnh hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020 

Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay và đến năm 2020, các giải pháp nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đây cũng là Diễn đàn để các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, đối thoại với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Khách mời tham dự hội thảo có:

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

- GSTS.KH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DNĐTNN, cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư.

- Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

- Bà Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trưởng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

- Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, VPCP.

- Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế các doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

- Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

- Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT.

- Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng, Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT.

- Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT.

- Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&ĐT.

- Ông Võ Trí Thành, Thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng.

- Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cức quản lý kinh tế TW, Bộ KH&ĐT

- Ông Đào Văn Hùng , Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển, Bộ KH&ĐT.

- Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế.

- Ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế.

Về phía đơn vị đồng tổ chức có:

- Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam.

- Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cùng các vị lãnh đạo của Công ty KPMG.

Cùng nhiều chuyên gia kinh tế và hơn 200 nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước.

image

TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư/Nhadautu.vn cho biết, hội thảo là diễn đàn để các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, đối thoại với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

"Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dành thời gian để cùng gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại một Diễn đàn do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG tổ chức", TS. Nguyễn Anh Tuấn nói. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chương trình Hội thảo ngoài phiên khai mạc sẽ được chia làm 2 phần chính. Trong phần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sẽ trình bày về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam và đối thoại, trả lời các câu hỏi của các đại biểu tham dự.

Phần thứ hai sẽ được dành để thảo luận sâu về động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp.

"Ban tổ chức mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tích cực đóng góp ý kiến, cùng trao đổi để góp phần làm cho Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra. Ban tổ chức cũng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền hình sẽ thông tin rộng rãi tới đông đảo công chúng, độc giả, khan, thính giả và cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước về nội dung Hội thảo hôm nay", TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE: "Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng"

Phát biểu tại hội thảo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, cách đây 2 năm Tạp chí Nhà Đầu tư cũng đã tổ chức một buổi gặp như hôm nay. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa nhậm chức, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao, tăng trưởng thấp. Lòng tin vào năm 2016 là khá thấp.

image

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Trong lần gặp thứ 2 với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hôm nay, chúng ta thấy Việt Nam đã có một Chính phủ mới rất năng động, Chính phủ kiến tạo và hành động, từ khi có Chính phủ mới, tập trung vào cải cách thể chế và tập trung vào cải cách hành chính nhà nước.

Tôi thấy được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, người dân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Bởi vậy chúng ta đã đạt được thành tựu cao trong tăng trưởng. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng cao nhất nhiều năm vừa qua, 4 tháng đầu năm 2018, tốc độ cao nhất trong 10 năm gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu 2017 đạt 211 tỷ USD, tăng cao hơn nhiều so với dự kiến Chính phủ trình Quốc hội. Có những kết quả khiến không chỉ tôi, mà nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới rất ngạc nhiên. Ví dụ, Hàn Quốc vừa công bố kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam hiện xếp thứ 3 của quốc gia này, và năm 2020 dự kiến đạt 100 tỷ USD, vượt Mỹ và đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Đây là những con số rất ấn tượng, và có thể giải thích bằng sự nỗ lực của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính Phủ.

Sau 30 năm, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD, năm nay tôi cho rằng vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD. Hiện, đảm bảo 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng, và cùng với kinh tế tư nhân, đóng vai trò là hai chân của một cơ thể cường tráng, giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn.

image

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam 

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty KPMG Việt Nam: "Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng mạnh hơn với nền kinh tế Việt Nam"

Phát biểu tại hội thảo, ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam nói: Tôi rất vui mừng chứng kiến niềm tin của nhà đầu tư ngày càng mạnh hơn với nền kinh tế Việt Nam.

Đây là cơ hội vô cùng quý giá khi quý vị có thể dành thời gian với chúng tôi tại hội thảo ngày hôm nay. Ở Việt Nam, chúng ta có cơ hôi nói lên tiếng nói của mình với người có thẩm quyền là một cơ hội.

Với bài phát biểu mở đầu, GS.TSKH Nguyễn Mại đã chia sẻ nhiều con số thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt. Hiệp định CPTPP cũng như hiệp định khác đóng vai trò quan trọng, chúng ta thấy nỗ lực của các ban ngành chung tay để Việt Nam có thành tựu ngày hôm nay.

Chúng ta biết thay dổi về thể chế như luật về đầu tư, doanh nghiệp, luật về đặc khu kinh tế, tất cả các luật này sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Những thay đổi về thể chế sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

image

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có bài phát biểu quan trọng và trả lời các câu hỏi về môi trường kinh doanh, CPTPP, đầu tư nước ngoài... của cộng đồng doanh nghiệp  

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: "Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới"

Trước hết, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi rất vui và cảm ơn ban tổ chức đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020 ngày hôm nay.

Tôi cho rằng, đây là một hội thảo quan trọng, được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang hừng hực khí thế, phát huy những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2017, tận dụng những yếu tố thuận lợi những tháng đầu năm 2018, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhanh, hiệu quả những giải pháp đã đề ra, đẩy nhanh tốc độ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra.

Thành tựu nổi bật nhất của năm 2017 là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao; đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; các khu vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao và đồng đều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực. Đây là thành tựu quan trọng nhất, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020.

Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới; cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế; tổ chức thành công những sự kiện quốc tế lớn, quan trọng như APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, như: chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực...

Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

Niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường. Thành tựu này đã đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng về một tương lai tốt đẹp của đất nước trước những chuyển biến mạnh mẽ của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Những thành tựu quan trọng trên đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh dân tộc, cùng nhau thi đua, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để xây dựng và bảo vệ đất nước vững mạnh, phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Như quý vị đã biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 là hết sức khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt, thương mại toàn cầu phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế thế giới. Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP... Có nhiều lý do để chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự  nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo...

Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hội thảo bước vào phiên hỏi đáp.

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt NamVấn đề quản lý kinh tế tại đặc khu kinh tế và chúng ta kỳ vọng gì về luật đặc khu?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Liên quan xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, sẽ thành lập 3 đặc khu vào cuối năm nay và kỳ họp thứ năm, thứ sáu dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết.

Về chủ trương, xin khẳng định đây là quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc thay đổi tư duy. Đó là sự thống nhất trong chỉ đạo chung, tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới vượt trội, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Qua đó, tạo nên sự tăng trưởng, tạo một nơi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, và mang tính lan tỏa các khu vực xung quanh và toàn nền kinh tế. Đây là chủ trương có cách tiếp cận mới và có tính chủ động của Đảng, Nhà nước.

Về mục tiêu, dự kiến hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo môi trường sống ổn định, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo sự lan tỏa. Về cách tiếp cận, xác định lợi thế so sánh trong khu vực quốc tế; đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn; tầm nhìn mang tính chiến lược và mục tiêu của các đặc khu này.

Về nguyên tắc: xác định thể chế không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Xây dựng thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội; phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. Nhất quán - ổn định – lâu dài – có tính vượt trội: nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm với sự cam kết của chính phủ. Có bộ máy tinh gọn, hiệu quả ở các đặc khu này. Đó là các chủ trương, nguyên tắc và cách tiếp cận.

Chúng tôi tin, với sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học và nhà nghiên cứu trong nước đến nay bộ luật này đảm bảo đạt chất lượng, thu hút được nhà đầu tư và đạt tính khả thi của các đặc khu này sau khi được Quốc hội ban hành.

image

Ông Nguyễn Anh Huy - Tổng giám đốc Top Solkent Việt Nam (Thai Oil Group)

Ông Nguyễn Anh Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái LanTác động của CPTPP đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy đầu tư nước ngoài? Việc Hoa Kỳ rút khỏi CPTPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: CPTPP là 1 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có thế chể cao, luật chơi mới hình thành cấu trúc thương mại mới, có quy mô và phạm vi lớn nhất trong hợp tác song phương và đa phương hiện nay.Đầu tư nước ngoài được nhìn nhận từ góc độ các nước thành viên sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, đó là cam kết mở cửa thị trưởng, mở rộng không gian, lĩnh vực đầu tư hơn từ các nước thành viên khi rào cản được gỡ bỏ.

Việc Việt Nam tham gia CPTPP tạo áp lực cho chính Việt Nam trong quá trình cải cách phù hợp với chủ trương Việt Nam đang tiến hành. Đây là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện môi trường đầu tư và sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Kinh tế Việt Nam đang có bước phát triển tích cực, với dân số 93 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn, đầu tư vào Việt Nam cũng như là đầu tư vào thế giới. Vị trí địa lý, môi trường kinh doanh hiện nay, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết (nguồn lực, đất đai, năng lượng...), xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa cơ hội tham gia CPTPP.

Việc Hoa kỳ không tham gia CPTPP thì đầu tư hoa kỳ vào Việt Nam có ảnh hưởng nhưng không lớn. Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều cơ chế và thể chế hợp tác thông qua hiệp định khung đầu tư và thương mại, Hoa Kỳ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Khi Hoa Kỳ khôgn tham gia vào Việt Nam là thiệt thòi lớn cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ sớm quay lại tham gia CPTPP để giữ nhịp độ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

image

 Ông Bùi Tất Thắng (áo trắng) - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT)

Trả lời câu hỏi quy định đảm bảo đầu từ trong hệ thống pháp luật Việt Nam với phát triển kinh tế tư nhân? 

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, thứ nhất, Hội nghị Trung ương V đã ra Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, đây là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nghị quyết này cho đến nay được 1 năm. Có thể thấy, Đảng và Chính Phủ đã nỗ lực triển khai. Tôi xin nêu ra 3 điều mong muốn Chính phủ cần làm trong thời gian tới. Hiện tại, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm Chính trị thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong 1 năm qua, cải các thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Do đó, trọng tâm vấn đề hiện nay là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ người lãnh đạo.

Đây là chuyển động của toàn bộ máy, kể các cấp quản lý, cấp dưới. Và để làm thế nào thì cần có chế tài và đây là vấn đề tôi cho thuộc diện cấp bách. Điều này mới có thể giúp giải quyết vấn đề Điều kiện kinh tế, Giấy phép con nhanh chóng.

Thứ hai, chất lượng các văn bản pháp luật, kể cả văn bản có tính pháp lý cao, những nghị định – thông tư, giấy phép con là những khó khăn. Đây là hai việc cần làm ngay và làm nhanh. Qua đó, môi trường kinh tế tư nhân mới phát triển được.

Thứ ba, về trung hạn, cần cấu trúc lại bộ máy thể chế để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển. Đổi mới ở Việt Nam đã qua 30 năm, dù nhiều thanh tựu nhưng còn nhiều khó khăn. Muốn vận động được hiệu quả cần cấu trúc bộ máy kịp phục vụ giai đoạn thực sự kiến tạo phát triển bằng cách nhìn mới, luật chơi mới để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các vướng cản trước đó để lại.

image

 Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): "Cải cách thể chế còn chậm"

Đánh giá về cải cách thể chế thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ thẳng thắn rằng dù đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

"Chúng ta nói rất nhiều về cải cách thể chế. Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của Asean 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải xếp thứ 40 trên thế giới, thực tế hiện đang đứng ở vị trí 86. Rồi Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay được 10 tháng rồi tuy nhiên chưa nhiều Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện".

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo. "Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, về cách thức làm luật của ta, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, hạn chế sức sáng tạo.

Ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích startup, các ý tưởng. Các bạn trẻ cứ làm, luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý. Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới nhanh bắt kịp thế giới. Chúng ta biết hiện tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả", ông Phan Đức Hiếu nói.

image

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa 

Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa tỏ ra lo ngại về phát triển công nghiệp của Việt Nam: Công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI. Chúng ta mong muốn trở thành một nước công nghiệp.

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá. Và các chuyên gia của họ từng khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại.

Bởi thế giới hiện nay là phẳng, các nước gần như đã mở cửa, các nền kinh tế phát triền sẽ không bao giờ để chúng ta có được công nghệ của họ. Trong bối cảnh như vậy, thì nhìn nhận phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin như vừa qua tôi cho là hợp lý.

Và để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách. Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực Đông Bắc Á. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần.

image

Ông Đõ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) 

Ông Đỗ Nhất Hoàng: "Đầu tư nước ngoài có đóng góp là một cột trụ trong nền kinh tế"

Nhà đầu tư nước ngoài có thị trường, kinh nghiệm, trong lúc chao đảo nhất nhà đầu tư nước ngoài trụ vững hơn nên nhiều người lầm tưởng nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi hơn. Tuy nhiên điều đó không đúng vì nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được đối xử bình đẳng.

Đánh giá 30 năm đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng cần rà soát lại luật pháp chính sách, tăng cường năng lực thực thi của bộ máy, tăng cường năng lực hấp thu của bộ máy. Trong bối cảnh mới, phải thu hút đầu tư có chọn lọc. Để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phải có hàng rào kỹ thuật. Chúng ta tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại với mức độ mở cửa lớn nhưng khi cần đóng thì rất khó.

Do đó cần phải có những cái “van” để đóng khi cần thiết. Ví dụ, các tỉnh như Đồng Nai, Binh Dương thu hút mạnh mẽ các dự án công nghiệp nhưng các dự án dệt may bị hạn chế. Luật có luật nào cấm các dự án dệt may vào Bình Dương nhưng tỉnh từ chối vì không phù hợp với quy hoạch.

Ông Nguyễn Anh Huy – Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Thái Lan (Thai Oil) tại VN: Ở Singapore, họ kêu gọi đầu tư rất khác biệt. Họ nhắm tới nhà đầu tư là các tập đoàn lớn. Việt Nam chưa nghĩ rằng các tập đoàn lớn sẽ trở thành một trung tâm của họ tại Việt Nam. Khi những tập đoàn lớn chọn Singapore, thì họ nhìn nhận ra những chính sách của nước đó phải tốt hơn các nước trong khu vực.

Chúng ta muốn thu hút nhà đầu tư lớn, thì phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thương mại quốc tế, chứ trong chỉ phục vụ hoạt động kinh doanh nước sở tại.Trước đây, tập đoàn dầu mỏ Shell rất muốn đầu tư vào Việt Nam và biến Việt Nam trở thành một trung tâm của Shell, tuy nhiên các hành lang pháp lý tại Việt Nam không tạo điều kiện cho các nhà dầu tư nước ngoài làm thương mại quốc tế.

image

TS. Võ Trí Thành 

Theo TS. Võ Trí Thành, các tư duy của chúng ta về cách thức quản lý, về sản phẩm đang thay đổi về căn bản. Nó đang trở thành nền kinh tế của chúng ta. Cách thức chuyển dịch, kinh doanh đều đang thay đổi và làm cho các chi phí liên quan giao dịch, giao tiếp giảm đi nhanh chóng. Qua đó, tạo ra nhiều nền tảng kinh doanh mới và làm lu mờ đi các khái niệm ngành, ví dụ như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, chế biến,…

Một điểm quan trọng cuộc Cách mạng 4.0 là sản phẩm. Vì ngành ô tô kéo theo nhiều ngành khác và Công nghệ. Hàn Quốc chọn đô thị thông minh là sản phẩm để kéo tất cả các ngành còn lại. Tập đoàn truyền thống làm ô tô, nhưng ta biết Tesla, Uber làm ô tô, nhưng có thể tương lai họ không gọi là ô tô. Hãy nghĩ, không chỉ ở sản phẩm năng suất hiện có. Việt Nam có ‘tranh thủ’ được không? 80% các doanh nghiệp IT đều nói ‘không’. Vấn đề là 20% người nói ‘có’. Về bản thân tôi là ‘có’ nhưng phải biết lựa chọn, sản phẩm gì sẽ lôi kéo?

image

 TS. Cấn Văn Lực

Về năng suất lao động, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần làm rõ thấp ở chỗ nào, từ đó tìm phương án cải thiện. "Theo số liệu của tôi tổng hợp, giai đoạn 1991-2017, năng suất lao động tăng bình quân 4,8%/năm, so với các quốc gia trong khu vực không hề thấp, như Singapore (2,3%), Indonesia (3,2%), nhưng về số tuyệt đối thì rất thấp, trong khu vực chỉ nhỉnh hơn Bangladesh hay Camphuchia.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi trình độ nhân lực còn thấp, mức độ tinh vi trong kinh doanh của chúng ta xếp 100/137 nước. Đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, so với mức bình quân châu Á là 2,5%".

Hội thảo kết thúc lúc 11h30.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ