Bảo hiểm Viễn Đông đầu tư trái luật vào công ty của Chủ tịch?

Nhàđầutư
Sau khi được tân Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức góp vốn thêm 260 tỷ đồng, Bảo hiểm Viễn Đông đã mang 195 tỷ đồng đầu tư ngược trở lại doanh nghiệp BOT nơi bà Minh Đức sở hữu cổ phần chi phối.
NGHI ĐIỀN
25, Tháng 09, 2017 | 16:41

Nhàđầutư
Sau khi được tân Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức góp vốn thêm 260 tỷ đồng, Bảo hiểm Viễn Đông đã mang 195 tỷ đồng đầu tư ngược trở lại doanh nghiệp BOT nơi bà Minh Đức sở hữu cổ phần chi phối.

do-thi-minh-duc-nhadautu.vn

 Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Viễn Đông bà Đỗ Thị Minh Đức

Sở hữu chéo

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đang ghi nhận khoản đầu tư 195 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14, hoạt động trong lĩnh vực BOT.

Trong bối cảnh VASS thua lỗ nhiều năm liền, với lỗ luỹ kế tới cuối năm 2016 gần 900 tỷ đồng, thì việc bỏ ra một số vốn tương đương với 2/3 vốn điều lệ (VĐL 300 tỷ đồng) đầu tư vào một doanh nghiệp ở lĩnh vực hoàn toàn xa lạ là dấu hỏi lớn đối với ban lãnh đạo của VASS.

Không chỉ vậy, việc đầu tư này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi mà theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, bà Đỗ Thị Minh Đức, Chủ tịch HĐQT VASS chính là cổ đông lớn nhất, chiếm 66% vốn của Công ty Toàn Mỹ 14 (theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 25/7/2016).

Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 11 Thông tư 125/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông (thành viên) góp vốn hoặc người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Quy định này tiếp tục được nâng lên và nhấn mạnh tại Nghị định 73/2016 của Chính phủ (Điểm c, Khoản 2 Điều 59), có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Mục tiêu của các yêu cầu khắt khe kể trên là nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động, tránh chủ các doanh nghiệp lợi dụng huy động vốn từ nghiệp vụ bảo hiểm để đầu tư trở lại các công ty “sân sau”.

Và bởi vậy, mức phạt đi kèm cũng rất nặng. Điều 29 Nghị định 98/2013 quy định mức phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông (thành viên) góp vốn hoặc người có liên quan theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê duyệt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có được. Một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 tháng đến 3 tháng.

Áp vào trường hợp của Bảo hiểm Viễn Đông, Công ty Toàn Mỹ 14 là “người liên quan” với VASS quy định tại Mục g, Khoản 18, Điều 4 Luật Doanh nghiệp.

Bởi vậy, bên cạnh mối lo ngại sở hữu chéo, việc VASS đầu tư 195 tỷ đồng trở lại doanh nghiệp nơi Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức nắm cổ phần chi phối là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Lộ diện mục đích thâu tóm

Cuối năm 2012, nằm trong chiến lược tái cơ cấu, VASS tiến hành giảm vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng xuống còn 40 tỷ đồng để xóa lỗ lũy kế.

Bà Đỗ Thị Minh Đức sau đó thông qua CTCP Bamboo Capital (Mã chứng khoán: BCG) đầu tư thêm 260 tỷ đồng, đẩy vốn điều lệ của VASS lên 300 tỷ đồng.

Ngày 11/7/2012, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận phương án tái cấu trúc của VASS, đánh dấu trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay được giảm vốn xóa lỗ đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) trong năm 2012 cũng có đề xuất tương tự nhưng không được thông qua).

Báo cáo tài chính các năm 2012, 2013, 2014 của VASS không được công bố, tuy nhiên BCTC kiểm toán của Bamboo Capital cho thấy bà Đỗ Thị Minh Đức đã đổ vào VASS lần lượt 130 tỷ, 20 tỷ và 110 tỷ đồng trong 3 năm 2012-2014.

Mặc dù có sự tham gia điều hành của nhân tố mới, song tình hình của VASS thậm chí còn xuống dốc nhanh hơn giai đoạn trước, với lỗ lũy kế tới cuối năm 2016 là 886 tỷ đồng, gần gấp 3 vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu ở mức âm 584 tỷ đồng.

Việc thâu tóm VASS rồi kinh doanh tiếp tục thua lỗ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu việc thâu tóm này của bà Đỗ Thị Minh Đức có thực chất vì muốn vực dậy thương hiệu bảo hiểm 14 năm tuổi, hay còn có những mục đích khác?

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14, nơi bà Đỗ Thị Minh Đức hiện chiếm 66% cổ phần, là chủ đầu tư dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn tỉnh Đắk Nông có tổng mức đầu tư 1.023,79 tỷ đồng. Điều trùng hợp là dự án được khởi công vào giữa năm 2013, cùng với khoảng thời gian bà Minh Đức thâu tóm VASS.

Vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin

Bảo hiểm Viễn Đông hiện là công ty đại chúng quy mô lớn (trên 100 cổ đông, vốn điều lệ lớn hơn 120 tỷ đồng) và bởi vậy bắt buộc phải công bố thông tin theo Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính, bao gồm báo cáo tài chính các quý, năm dạng đầy đủ; báo cáo thường niên và nhiều loại báo cáo khác trên website của mình.

Dù vậy tại website chính thức của Bảo hiểm Viễn Đông (Vass.com.vn), ngoài báo cáo tài chính năm 2015 được trình bày ở dạng tóm tắt, không có nhiều tài liệu hữu ích đối với các cổ đông của doanh nghiệp này. VASS đã từng công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2016 dạng đầy đủ, song sau đó đã gỡ văn bản này xuống.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ