Bắc Úc - 'Miền đất mới' cho nhà đầu tư Việt Nam

Bắc Úc sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai phá, một vùng đất giàu tài nguyên, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch; đồng thời có nhu cầu cao đối với lao động cũng như vật tư, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng.
THANH THẮNG
01, Tháng 05, 2022 | 06:30

Bắc Úc sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai phá, một vùng đất giàu tài nguyên, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch; đồng thời có nhu cầu cao đối với lao động cũng như vật tư, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng.

12

Thành phố Darwin - Thủ phủ của Bắc Úc.  Ảnh: Getty Images.

Nhiều tiềm năng chưa được khai phá

Vùng lãnh thổ Bắc Úc là một trong 6 tiểu bang và Vùng lãnh thổ thuộc Liên bang Úc với thủ phủ là thành phố Darwin.

Bắc Úc có diện tích 1.349.129 km2 (gấp 4 lần Việt Nam) song dân số chỉ ở mức 246.500 người (số liệu thống kê năm 2020). Trong đó người nhập cư (không sinh ra tại Úc) chiếm trên 30%, chủ yếu đến từ: Philippine, Anh, New Zealand, Ấn độ, Hy Lạp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, ...; tỷ lệ người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Bắc Úc là rất khiêm tốn so với các thành phố khác như Sydney hay Melbourne.

Ngoài ra, GDP của Bắc Úc trong giai đoạn 2019-2020 đạt 26.153 triệu AUD; GDP bình quân đầu người là 106.851 AUD.

Các ngành kinh tế chủ đạo của Bắc Úc bao gồm: Khoáng sản, dầu khí, du lịch, giáo dục đào tạo quốc tế, quốc phòng và nông nghiệp. Ngành du lịch là động lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bắc Úc với rất nhiều điểm nhấn về những thắng cảnh hoang sơ, hùng vỹ, rất nhiều vườn quốc gia được bảo tồn thiên nhiên hoang dã, và nền văn hóa thổ dân.

Được biết, 25% dân số Bắc Úc là thổ dân (người bản địa) nhưng sở hữu đến 50% đất đai và 80% bờ biển toàn lãnh thổ Bắc Úc. Với hơn 100 thổ ngữ khác nhau thì tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ yếu (đứng hàng thứ 3-4) trong giao tiếp tại nhà; hiện có 73 cộng đồng sống ở vùng sâu trên tổng số 500 bộ tộc sống rải rác khắp lãnh thổ Bắc Úc; ...

Theo các nghiên cứu, Bắc Úc hiện sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch, năng lượng và khoáng sản…

Đặc biệt, quốc phòng cũng là một nhân tố quan trọng mang tính lịch sử đóng góp vào nền kinh tế của Bắc Úc, và vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các cơ hội đáng kể trong tương lai với sự đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực quốc phòng, cũng như sự tăng cường hiện diện của Mỹ và đồng minh khác.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra một vài lĩnh vực có tiềm năng nhỏ hơn nhưng cũng có nhiều cơ hội cho tăng trưởng việc làm và phát triển kinh tế trong tương lai của Bắc Úc như nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe nhiệt đới, các ngành công nghệ sáng tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường, dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho biết: "Bắc Úc là một vùng đất còn rất nhiều dư địa chiến lược và lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Bắc Úc đang rất thiếu nhân lực và có nhu cầu rất lớn về vật tư và vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng kinh tế. Trong khi đây lại là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam trong hiện tại và tương lai".

Hợp tác chiến lược Việt Nam - Bắc Úc

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đã nỗ lực thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Úc từ đầu năm 2013.

Cho dù là nỗ lực cá nhân hay là cùng với các đối tác, cũng như nỗ lực của Chính quyền Bắc Úc thì tiến triển cũng còn rất chậm và còn xa, chưa xứng với tiềm năng vốn có - một vị trí địa lý chiến lược độc tôn của thành phố Darwin với vai trò là cửa ngõ giữa châu Á với phần còn lại ủa châu Úc.

Cố gắng đóng góp tạo nên sự khác biệt trong việc thúc đẩy tốc độ phát triển của Bắc Úc, một chiến lược hợp tác đã được Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc xây dựng, qua đó thể hiện rõ những mục tiêu, lộ trình cụ thể, và biến nó trở thành động lực kích thích tăng trưởng mạnh mẽ cho cả hai quốc gia.

Theo đó, trong khuôn khổ mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Úc cần tận dụng lợi thế sự khác biệt giữa hai nước để xây dựng chiến lược đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động vào Bắc Úc.

Trên cơ sở đó từ nay đến năm 2025, cần xây dựng chiến lược hợp tác giữa Việt Nam với Bắc Úc như là một bộ phận cấu thành quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Úc; chú trọng đặc điểm của Bắc Úc là vùng có nhiều thổ dân sinh sống, đất đai chủ yếu thuộc quyền sở hữu của thổ dân, do đó cần nghiên cứu đặc điểm, tập quán, nền văn hóa, lợi ích của thổ dân để thiết lập quan hệ cùng có lợi với một số dân tộc thiểu số của Việt Nam thông qua Ủy ban Dân tộc.

Về lao động, phải tuyển chọn, đào tạo nghề nghiệp và tiếng Anh, xây dựng đội ngũ người lao động có tay nghề cao, đủ sức khỏe, có ý thức lao động để đưa sang Bắc Úc. Trong 5 năm từ 2021-2025 thí điểm đưa khoảng 30-50.000 người Việt Nam sang Bắc Úc nhằm mục tiêu trong vòng 20 năm đưa khoảng 1 triệu người Việt Nam sang lao động, học tập tại Bắc Úc.

Về nông nghiệp, cần tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ có thể trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, chế biến nông sản thực phẩm để xuất khẩu trở lại Việt Nam và sang các nước. Thành lập một số cụm nông - công nghiệp do người Việt Nam quản lý và làm việc, từ đó hình thành một số làng - xã của người Việt Nam ở Bắc Úc.

Về thương mại, hiện nay Việt Nam hầu như chưa có quan hệ xuất nhập khẩu với Bắc Úc, nếu thực hiện được việc xuất khẩu lao động, hình thành các cụm nông - công nghiệp thì có khả năng đột phá trong quan hệ thương mại giữa hai bên, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc, gia tăng đáng kể tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về du lịch, Bắc Úc có khí hậu tương tự khí hậu của Nam bộ , có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô (nhưng trái mùa với nhau) do đó có thể mở rộng nhanh chóng du lịch giữa hai bên; trước hết là khuyến khích các công ty du lịch lữ hành quốc tế của Việt Nam thăm dò và khai thác tiềm năng phát triển du lịch tại Bắc Úc, thí điểm mở các chuyến bay trực tiếp giữa Hà Nội, TP.HCM với Bắc Úc; khi lượng khách du lịch, thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động đã gia tăng thì có thể thiết lập đường hàng không trực tiếp giữa một số thành phố lớn của Việt Nam với Bắc Úc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ