Áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu của TCTD: Thực trạng và giải pháp

Nhàđầutư
Hiện nay việc xem xét vụ án nào đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán dẫn tới thiếu sự thống nhất giữa các Tòa án trong việc lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
THS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG-THS. NGUYỄN QUỐC TUẤN
17, Tháng 05, 2023 | 11:36

Nhàđầutư
Hiện nay việc xem xét vụ án nào đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán dẫn tới thiếu sự thống nhất giữa các Tòa án trong việc lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.

346115097_1481022195995129_656892558128085123_n

Hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Toạ đàm "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu. 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các Uỷ ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Ngân hàng, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và các ngân hàng thương mại.

Tạp chí Nhà đầu tư xin trận trọng giới thiệu bài tham luận của Ths. Nguyễn Thị Hương, Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Ths. Nguyễn Quốc Tuấn, Thẩm tra viên chính Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại, Tòa án nhân dân tối cao:

Áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu của TCTD: Thực trạng và giải pháp

Đặt vấn đề

Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017 đến hết ngày 31/12/2023 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng/hoặc có khi gọi là Nghị quyết số 42/2017/QH14).

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.

Việc nghiên cứu các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc nghiên cứu chế định tố tụng dân sự về áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng, thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước, thực tiễn hoạt động tố tụng dân sự là cần thiết để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của đề xuất luật hóa các quy định này sau khi hết thời gian thí điểm.

Quy định của pháp luật liên quan đến nợ xấu và việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về xử lý nợ xấu

1.1. Quy định của pháp luật hiện hành về nợ xấu:

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại khoản 2 Điều 95 "Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật…" và quy định tại khoản 3 Điều 132 thì tổ chức tín dụng được "Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay".

Trước khi có Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì "nợ xấu" (NPL), theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, là nợ thuộc nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn).

Nợ xấu được xác định theo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là (a) Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017; (b) Khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Việc xác định khoản nợ là nợ xấu căn cứ vào Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này bao gồm: khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được xác định theo quy định tại Điều 2 (Các hoạt động phát sinh nợ xấu: Cho vay; Cho thuê tài chính; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác; Bao thanh toán; Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Trả thay theo cam kết ngoại bảng; Ủy thác cấp tín dụng; Hoạt động mua, bán nợ;

Hoạt động mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết), Điều 3 {Nợ xấu xác định theo phương pháp định lượng: nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)}, Điều 4 {Nợ xấu xác định theo phương pháp định tính căn cứ vào đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở kết quả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro: nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)} và Điều 5 (Xác định nợ xấu trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên); khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của tổ chức tín dụng.

Hiện nay, theo khoản 8 Điều 3 và Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021) thì Nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.

Như vậy, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định về nợ xấu mà chỉ quy định “trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn”/ “xử lý nợ vay”, thực tế “Nợ xấu” không chỉ giới hạn là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 và/hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, mà còn bao gồm “Nợ xấu” được hình thành và xác định theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1.2. Quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về xử lý nợ xấu

1.2.1. Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục rút gọn:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tại Phần thứ tư, có 09 điều (từ Điều 316 đến Điều 324) quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Trong đó, có 6 điều (từ Điều 316 đến Điều 321) quy định về thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm, có 3 điều (từ Điều 322 đến Điều 324) quy định về thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 còn 9 điều có quy định liên quan đến thủ tục rút gọn (gồm các điều 11, 14, 65, 191, 196, 203, 205, 233, 286).

Thủ tục rút gọn, được quy định tại khoản 1 Điều 316 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Theo khoản 1 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 317, khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường: a) Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; b) Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đ) Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp.

Về trình tự đơn giản:

+ Thời hạn chuẩn bị xét xử: Đối với vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn thì trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Còn đối với các vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì Trong thời hạn là 04 tháng (+ thêm không quá 02 tháng đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan) kể từ ngày thụ lý vụ án đối với các vụ án quy định tại Điều 26 (Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) và Điều 28 (Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) của Bộ luật này; trong thời hạn là 02 tháng (+ thêm không quá 01 tháng đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan), kể từ ngày thụ lý vụ án đối với các vụ án quy định tại Điều 30 (Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) và Điều 32 (Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) của Bộ luật này.

+ Về thời hạn mở phiên tòa kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử: mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định (Điều 318), còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (khoản 4 Điều 203).

+ Về việc hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án: Đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án không bắt buộc phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Thẩm phán tiến hành hòa giải sau khi khai mạc phiên tòa (khoản 3 Điều 320). Đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì Tòa án tiến hành hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án (khoản 1 Điều 205).

+ Về sự tham gia của Hội thẩm nhân dân: Đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc xét xử sơ thẩm không có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11).

+ Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm do một Thẩm phán tiến hành (Điều 14, Điều 65).

+ Thời hạn hoãn phiên tòa theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa, trong khi vụ án xét xử theo thủ tục thông thường là không quá 01 tháng (Điều 233).

+ Thời hạn Viện kiểm sát trả hồ sơ: Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; đối với vụ án theo thủ tục rút gọn thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án (Điều 318). Còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án (khoản 3 Điều 220).

+ Về thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày tuyên án (khoản 1 Điều 322). Còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (khoản 1 Điều 273).

+ Về thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định (khoản 2 Điều 322). Còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án (khoản 1 Điều 280).

+ Về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn là trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án (khoản 1 Điều 323). Còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì  thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án (khoản 1 Điều 286).

+ Về thời hạn mở phiên tòa kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm: Trong thời hạn 15 ngày, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn (khoản 1 Điều 324). Còn đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (khoản 1 Điều 286).

Như vậy, thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết những vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Thủ tục rút gọn này có trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường. Vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn sẽ nhanh chóng, giảm chi phí nguồn lực về thời gian và tài chính, tốn ít thời gian của người tiến hành tố tụng và đương sự, tiết kiệm được tiền chi từ ngân sách nhà nước và tiền của đương sự nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

1.2.2. Quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Tại Điều 8 Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017 đến hết ngày 31/12/2023, quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án như sau:

"1) Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm.

b) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật.

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

2) Việc giải quyết tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

3) Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều này”.

1.2.3. Quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân

Trước khi ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thì Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 152/TANDTC-PC ngày 19/7/2017 (về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu) để lưu ý Tòa án nhân dân các cấp bảo đảm giải quyết các tranh chấp hiệu quả, góp phần xử lý nợ xấu.

Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Điều 2 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP đã làm rõ tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 như sau:

Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản bảo đảm hoặc giao không đúng theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm để xử lý tài sản đó nhằm giải quyết nợ xấu. Tranh chấp này là "Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu”.

Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc xác định người có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Tranh chấp này là “Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu”.

Điều 3 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP đã quy định tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Điều 4 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP còn quy định hướng dẫn về Đơn khởi kiện, nộp đơn và thụ lý đơn khởi kiện về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn:

Hình thức, nội dung đơn khởi kiện thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị quyết này.

Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện, gồm: Hợp đồng tín dụng; Tài liệu, chứng cứ chứng minh khoản nợ đang có tranh chấp là nợ xấu theo quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 42/2017/QH14; Văn bản, hợp đồng bảo đảm và tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc đã đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm; Tài liệu, chứng cứ về nơi cư trú, làm việc của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức;

Trường hợp có đương sự cư trú ở nước ngoài thì phải có một trong các tài liệu, chứng cứ sau đây: (1) Văn bản thỏa thuận giữa đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn có công chứng, chứng thực hợp pháp. Trường hợp văn bản này được lập ở nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 9 của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 01/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự; (2) Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu tài sản hợp pháp và thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản của các đương sự có công chứng, chứng thực hợp pháp. Trường hợp văn bản này được lập ở nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 9 của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 01/12/2011 của Chính phủ.

Điều 5 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP quy định thỏa thuận về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 có thể được ghi nhận trong hợp đồng bảo đảm, phụ lục hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác có hiệu lực như hợp đồng.

Tranh chấp "không có đương sự cư trú ở nước ngoài" theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tranh chấp không thuộc các trường hợp sau: Đương sự là người Việt Nam nhưng không cư trú ở Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Tòa án xác định việc cư trú của đương sự theo quy định của Luật Cư trú; Đương sự là người nước ngoài không thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Tòa án xác định việc thường trú hoặc tạm trú của người nước ngoài theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Đương sự là tổ chức nước ngoài theo quy định tại khoản 26 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp mà không ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân ở Việt Nam khởi kiện, tham gia tố tụng.

Tranh chấp "không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài" theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tranh chấp mà không có tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.

Điều 6 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP quy định về ủy quyền khởi kiện, tham gia tố tụng, theo đó: Cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; việc làm đơn khởi kiện của cá nhân thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và xác định rõ phạm vi, nội dung ủy quyền.

Trường hợp người được ủy quyền khởi kiện là cá nhân thì phân người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của pháp nhân khởi kiện và họ tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền; phần cuối đơn khởi kiện ghi đại diện của người khởi kiện, người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi rõ họ tên của người được ủy quyền; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền không bắt buộc phải ký tên, đóng dấu vào phần cuối đơn khởi kiện. Trường hợp người được ủy quyền khởi kiện là pháp nhân thì phần người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của pháp nhân khởi kiện và tên, địa chỉ của pháp nhân đại diện theo ủy quyền, họ tên và chức vụ của người đại diện hợp pháp của pháp nhân được ủy quyền; phần cuối đơn ghi đại diện của người khởi kiện, pháp nhân đại diện theo ủy quyền, người đại diện hợp pháp của pháp nhân được ủy quyền ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu của pháp nhân được ủy quyền.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền không bắt buộc phải ký tên, đóng dấu vào phần cuối đơn khởi kiện. Khi giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập trước ngày 01/01/2017 giữa tổ chức, cá nhân chưa hoặc đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án không phát sinh tranh chấp về hợp đồng ủy quyền đó thì Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng ủy quyền mà không yêu cầu các bên phải xác lập lại.

Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng tại Điều 7 như sau:

Bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán theo quy định tại khoản 4 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vụ án dân sự đang được Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm mà đương sự thực hiện việc mua bán khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Tòa án căn cứ vào hợp đồng mua bán nợ để bổ sung việc xác định tư cách đương sự, người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự như sau:

+ Bên mua một phần khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và xác định tư cách đương sự như bên bán đối với phần khoản nợ đã mua. Tòa án ghi trong các văn bản tố tụng tư cách của bên mua là “người kế thừa một phần quyền, nghĩa vụ tố tụng” của bên bán;

+ Bên mua toàn bộ khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu được kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ tố tụng và xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán. Tòa án ghi trong các văn bản tố tụng tư cách của bên mua là “người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng” của bên bán;

+ Kể từ ngày Tòa án nhận được các tài liệu, chứng cứ xác định hợp đồng mua bán nợ có hiệu lực, bên mua đã xác lập được quyền sở hữu đối với tài sản mua theo quy định của pháp luật thì văn bản tố tụng phải ghi bên mua là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bên bán.

-  Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn về tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14, cụ thể trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản. Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của bên thứ ba mà bên được bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm đó và xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật (Điều 8).

- Tại Điều 9 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP quy định đối với những vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Tòa án đã thụ lý trước khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết. Các hoạt động tố tụng đã được tiến hành trước khi Nghị quyết này có hiệu lực mà phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không phải thực hiện lại. Đối với những vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Tòa án đã thụ lý trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng vẫn đang giải quyết khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành thì Tòa án vẫn tiếp tục áp dụng những hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết.

Như vậy, từ những quy định này cho thấy, về mặt thể chế, chúng ta đã có chế định thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, cụ thể là tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, để Tòa án căn cứ giải quyết khi các bên liên quan đến khoản nợ xấu xảy ra tranh chấp. Thực trạng Tòa án có áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu hay không sẽ được trình bày ở phần sau đây.

Thực trạng tòa án áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và giải pháp

1.Thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu:

Qua công tác nghiên cứu, thống kê số liệu báo cáo; thực tế công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; Kết luận của các Đoàn kiểm tra hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao đối với công tác chuyên môn của Tòa án nhân dân các cấp cho thấy, trong thời gian từ ngày 01/10/2017 đến ngày 28/02/2023, Tòa án nhân dân các cấp không áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm.

Nguyên nhân của thực trạng này:

2.1. Ba khó khăn xuất phát từ quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự dẫn đến thực trạng Tòa án nhân dân các cấp không áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự trong xử lý nợ xấu được nêu tại Công văn số 66/TANDTC-TH ngày 11/5/2023 của Tòa án nhân dân tối cao gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gồm:

+ Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Theo khoản 1 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ 3 điều kiện: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các quy định trên, điều này làm cho việc áp dụng quy định này để xem xét vụ án nào đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán dẫn tới thiếu sự thống nhất giữa các Tòa án trong việc lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.

+ Về việc xác định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn:

Khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có). Thông thường, sau khi nhận được văn bản nêu ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc Tòa án triệu tập để làm việc về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, khi đó đủ điều kiện xác định đương sự có thừa nhận nghĩa vụ theo Điều 317 BLTTDS hay không. Đồng thời khi xem xét đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo của đương sự, nếu chưa triệu tập các đương sự trong vụ án để xác định họ có thừa nhận nghĩa vụ hay có phát sinh thêm chứng cứ mới hay không thì không thể xác định vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Do vậy, quy định khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xác định vụ án thụ lý theo thủ tục rút gọn là thiếu tính khả thi.

+ Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Điểm c khoản 3 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết “cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trên thực tế, nhiều vụ án tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, do đó, Tòa án không thể giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

2.2. Một điều kiện cụ thể theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự là “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” cũng gây lúng túng cho Tòa án. Quy định điều kiện này dẫn đến cách hiểu là đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ vào thời điểm trước khi tổ chức tín dụng khởi kiện hay thời điểm sau khi Tòa án thụ lý vụ án. Do đó, điều kiện này đã gây khó khăn cho tổ chức tín dụng và Thẩm phán trong việc có hay không lựa chọn áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết tranh chấp.

2.3. Nhiều vụ án đơn giản, bên vay/bên có tài sản bảo đảm có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng mà không thiện chí trả nợ vay, không chịu thực hiện trách nhiệm của người bảo đảm cho khoản nợ nên sau khi tổ chức tín dụng khởi kiện, Tòa án thụ lý vụ án và tiến hành triệu tập, niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án nhưng bị đơn vắng mặt  nên không đủ điều kiện để Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2.4. Khoản “Nợ xấu” được xác định theo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chỉ giới hạn là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 và/hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, nên Tòa án không thể áp dụng giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với “Nợ xấu” được hình thành và xác định từ sau ngày 15/8/2017.

2.5. Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Hòa giải theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại…. Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này. Hòa giải thành là thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong trường hợp các bên có yêu cầu. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Do thực tế Luật này đã thể hiện được tính ưu việt bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp theo tố tụng dân sự, vì vậy, nhiều tranh chấp được các bên tự nguyện hòa giải thành nên đã hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu.

2.6. Vẫn còn có Thẩm phán thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng.

3. Giải pháp:

3.1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần kịp thời ban hành các Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống Tòa án về thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại (bao gồm cả xử lý nợ xấu) mà đặc biệt là về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn.

3.2. Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán để trao đổi, giải đáp những vấn đề vướng mắc về thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017, gắn liền với việc thanh tra, kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm việc Tòa án các cấp áp dụng thủ tục rút gọn.

3.3. Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn đối với trường hợp hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại năm 2020 không thành, nhưng trong quá trình hòa giải, hòa giải viên đã hướng dẫn các đương sự cung cấp đầy đủ chứng cứ thì Tòa án có thể thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn vì Tòa án không phải thu thập chứng cứ.

3.4. Cần nghiên cứu đề xuất với Quốc hội về trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường mà có các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn thì Tòa án (cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm) chuyển từ giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường sang giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn và tháo gỡ vướng mắc theo hướng quy định rõ trường hợp vụ án vẫn được giải quyết theo thủ tục rút gọn ngay cả khi có áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đối với những vụ án đơn giản, có căn cứ xác định “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” tại thời điểm trước khi tổ chức tín dụng khởi kiện thì Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn ngay cả khi bị đơn không hợp tác, vắng mặt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ