95% doanh nghiệp Mỹ muốn thay thế nhà cung cấp từ Trung Quốc

Một cuộc khảo sát của Qima vào tháng 6 cho thấy 95% doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch thay thế nhà cung cấp của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa cũng như ổn định chuỗi cung ứng của họ.
THANH TRẦN
13, Tháng 07, 2020 | 06:38

Một cuộc khảo sát của Qima vào tháng 6 cho thấy 95% doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch thay thế nhà cung cấp của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa cũng như ổn định chuỗi cung ứng của họ.

Apple

Apple đang tích cực đẩy mạnh các kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng của công ty trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.  Ảnh: CNN 

Trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang giữa mối quan hệ Mỹ-Trung cũng như các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, tìm kiếm các nhà cung cấp mới ngoài Trung Quốc.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo các công ty Mỹ sẽ khó có thể thực hiện được điều này ngay lập tức, do phần lớn thế giới vẫn đang áp đặt các lệnh phong tỏa cũng như thực tế có rất ít thị trường tại thời điểm hiện tại có thể cạnh tranh với Trung Quốc về 2 yếu tố là chi phí và chất lượng.

Một cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy gần 50% doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu đã có kế hoạch tức thì để chuyển nguồn hàng của họ.

Xu hướng này không mới vì các công ty vốn đã bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế chi phí thấp hơn cho Trung Quốc trong nhiều năm, khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang vào tháng 7/2018. Và tất nhiên, khi mối quan hệ Mỹ - Trung chuyển từ "xấu" sang "cực kỳ tồi tệ", nhu cầu này ngay lập tức tăng vọt.

Điều trớ trêu là các cơ sở công nghiệp Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau khi đóng cửa, trong khi nhiều thị trường thay thế vẫn đang vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng như sớm có thể hoạt động trở lại.

"Chúng tôi đã giúp đỡ các khách hàng, chủ yếu là công ty của Mỹ, tìm kiếm các thị trường thay thế phù hợp trong hai năm qua. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây và đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tăng vọt", ông Simon Archer Perkins, Giám đốc điều hành tại ET2C International, cho biết.

Trong khi đó, ông Julien Brun, Giám đốc CEL Consulting tại TP.HCM, cho biết các công ty lớn như Apple, Samsung và Nintendo đã đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng những động thái như vậy sẽ là thách thức lớn đối với các công ty nhỏ, đặc biệt là vào lúc này.

"Nhiều công ty muốn chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng chắc chắn họ sẽ gặp nhiều rào cản. Hai yếu tố chính có thể gây ra khó khăn tại thời điểm này sẽ là mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm nhà cung cấp và những vấn đề về cơ sở hạ tầng", ông Brun nói.

Theo nghiên cứu của Qima, các doanh nghiệp đã trở nên mệt mỏi với thuế quan cũng như sự gián đoạn hoạt động do COVID-19. Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã nêu rõ rằng 74,9% các doanh nghiệp thành viên của họ đang phải vật lộn trong các kế hoạch kinh doanh do các áp đặt về thuế quan. Trong khi đó, hơn 40% đã hoặc đang xem xét di dời các cơ sở sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Ông Hans Till, một nhà tư vấn chuỗi cung ứng ở Hong Kong, đã xác nhận rằng ông đã nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các công ty Mỹ trong việc tìm giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Till vẫn cảnh báo rằng điều này sẽ không đơn giản như "lật một chiếc công tắc".

"Không có nhiều công ty thực sự có tầm nhìn để thực hiện điều này trong dài hạn, và tất nhiên điều đó sẽ không thể thực hiện chỉ qua 1 đêm. Vào thời điểm hiện tại, mọi người đều muốn thay đổi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng lại rất ít người thực sự có một chiến lược cụ thể và hiệu quả", ông Till nói.

Ông Alan Scanlan, người sáng lập Newlands Source có trụ sở tại Hong Kong, đã nói rằng: "Việc thay đổi các nhà cung cấp sẽ mất rất nhiều thời gian. Quá trình cơ bản ở đây là bạn cần tìm một nguồn thay thế thực sự phù hợp và sau đó thử nghiệm, trước khi hoàn tất quá trình dịch chuyển. Đó là một quy trình phức tạp có thể mất từ sáu đến 12 tháng".

Tuy nhiên, ông Fabien Gaussorgues, giám đốc điều hành của Sofeast, lại chia sẻ rằng ông đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác từ các khách hàng Mỹ ngay sau khi quốc gia này ban hành lệnh phong tỏa; với mục đích xây dựng các nhà máy mới tại Trung Quốc.

"Điều này vượt quá dự đoán của tôi và thật khó để lý giải được. Nhưng trên thực tế, tôi đang nhận được rất nhiều dự án từ Mỹ, thậm chí cả từ châu Âu. Mặc cho cuộc chiến tranh thương mại có diễn ra như thế nào, nếu những doanh nghiệp nhỏ không có số vốn lớn, họ sẽ vẫn tìm đến Trung Quốc", ông Gaussorgues nói.

(Theo SCMP)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ