6 vấn đề lớn khiến Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua

Nhàđầutư
Một số chính sách hợp lý, cần thiết mới được bổ sung nhưng chưa được nêu cặn kẽ trong Nghị quyết 18-NQ/TW là nguyên nhân cần hoãn thông qua để bổ sung căn cứ chính trị cho Luật Đất đai (sửa đổi).
THS. NGUYỄN VĂN ĐỈNH
26, Tháng 11, 2023 | 10:30

Nhàđầutư
Một số chính sách hợp lý, cần thiết mới được bổ sung nhưng chưa được nêu cặn kẽ trong Nghị quyết 18-NQ/TW là nguyên nhân cần hoãn thông qua để bổ sung căn cứ chính trị cho Luật Đất đai (sửa đổi).

Quốc hội vừa biểu quyết tán thành việc lùi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp 6 để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Theo chương trình thì sáng 29/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên sau khi thảo luận tại hội trường ở đợt 1 kỳ họp (ngày 3/11) và sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án tối ưu. Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội cho phép lùi thông qua luật.

Vậy đâu là nguyên nhân phải lùi xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến kỳ họp tiếp sau?

Du an Helianthus Tien Duong Nguyen Thi Loan Vimedimex 09

Bất động sản ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhóm 6 vấn đề đã chốt phương án

Báo cáo số 678/BC-UBTVQH ngày 2/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào 4 nội dung có 1 phương án và 22 nội dung có 2 phương án. Sau khi quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội ở đợt 1 kỳ họp và kết quả phiên họp ngày 16/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Thông báo số 3123/TB-TTKQH ngày 21/11), đã có 6/22 vấn đề mà các cơ quan đã thống nhất gút lại còn 1 phương án, gồm: Về điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45) - chốt phương án 3 (chỉ phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức);

Về chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66) - chốt phương án 1;

Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ (khoản 3 Điều 139) - chốt phương án 1 (xem xét công nhận đến trước ngày 1/7/2014);

Về tiền thuê đất trả hằng năm (khoản 3 Điều 154) - chốt phương án 1 (tiền thuê đất hằng năm được ổn định cho 5 năm, chu kỳ tiếp theo điều chỉnh không quá tổng chỉ số CPI của 5 năm trước đó);

Về hoạt động lấn biển (Điều 191) - chốt phương án 1 (luật chỉ quy định nguyên tắc về hoạt động lấn biển; giao Chính phủ quy định chi tiết);

Về giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất địa giới đơn vị hành chính (Điều 14, Điều 49, Điều 254) - chốt phương án 1 (Quốc hội chỉ xem xét trong trường hợp dẫn đến thay đổi địa giới đơn vị hành chính).

Nhóm 6 vấn đề cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền

Việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua liên quan đến 6 nhóm vấn đề hệ trọng, then chốt cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Đây là những vấn đề chưa được quy định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất (Nghị quyết 18); hoặc dự thảo có thay đổi/cần làm rõ so với Nghị quyết 18.

Do đó, mặc dù cơ quan soạn thảo (Chính phủ, Bộ TNMT) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cơ bản đã thống nhất ý kiến nhưng vẫn cần báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trước khi thể chế hóa trong luật.

Vấn đề then chốt đầu tiên là về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Vấn đề này các cơ quan cũng như đa số đại biểu Quốc hội phát biểu đều đã thống nhất chọn phương án 1: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).

Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, do Nghị quyết 18 không đề cập nội dung này nên cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Vấn đề thứ hai là về bổ sung quy định dự phòng cho phép Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại khoản 32 Điều 79). Dự thảo luật thảo luận tại hội trường ngày 03/11 quy định: Nếu cần bổ sung các trường hợp thu hồi đất mới thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đây là điều khoản "quét" cần thiết để khắc phục nhược điểm của phương pháp liệt kê; theo đó nếu phát sinh các loại hình dự án mới cần thu hồi đất thì Quốc hội sẽ sửa Điều 79 để làm cơ sở thu hồi đất. Do liên quan đến thu hồi đất là vấn đề nhạy cảm, tác động đến quyền, lợi ích của các chủ thể nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Vấn đề thứ ba cần xin ý kiến là về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Các cơ quan đều đã thống nhất với phương án cho phép ban hành quyết định thu hồi đất trong trường hợp "Người có đất thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư" (khoản 3 Điều 80, khoản 5 Điều 87). Đã có tiền lệ tại một số dự án giao thông, khi người dân chủ động tự di dời, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thi công. Tuy nhiên do Nghị quyết 18 quy định rõ "Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước..." nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền khi dự thảo luật có thay đổi.

Vấn đề lớn thứ tư là về các trường hợp cho thuê đất thu tiền một lần và hằng năm (khoản 2, 3 Điều 121). Sau quá trình thảo luận, hiện nay các cơ quan đã cơ bản thống nhất theo phương án trường hợp sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ... ; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng thì được thuê đất trả tiền một lần (ngoài ra phải thuê đất trả tiền hằng năm). Tuy nhiên do Nghị quyết 18 quy định "Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước" nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Vấn đề lớn thứ năm là về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (khoản 1, 6 Điều 128). Đây là nội dung còn có ý kiến trái chiều giữa cơ quan soạn thảo (Chính phủ) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Tại báo cáo gần đây, Chính phủ đã đề xuất theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về loại đất mà nhà đầu tư đang có hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại (tức là trường hợp nhà đầu tư không có đất ở, chỉ có đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh... thì cũng được chuyển mục đích làm nhà ở thương mại nếu phù hợp quy hoạch).

Tuy nhiên, phương án được đa số ủy viên Thường vụ Quốc hội tán thành là bảo toàn quy định hiện hành: Nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư phải có 100% đất ở; nếu đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư phải có đất ở và đất khác. Do vẫn còn ý kiến khác nhau, mặt khác Nghị quyết 18 vừa cho phép "thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại"; vừa yêu cầu "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền để thống nhất phương án cuối cùng.

Vấn đề lớn thứ sáu cần xin ý kiến là về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 16). Về vấn đề này, dự thảo hiện chỉ còn 1 phương án: Quy định việc hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (đất ở, đất sản xuất…); hỗ trợ đất đai lần hai (đã được hỗ trợ đất đai lần đầu nhưng không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức).

Tuy nhiên do Nghị quyết 18 quy định rất chặt chẽ "Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng..." nên vẫn dự thảo cần có phương án để ngăn việc đồng bào sau khi được hỗ trợ đất đai lần hai vẫn tiếp tục chuyển nhượng, đảm bảo hiệu quả của chính sách.

Về vấn đề này, một số phương án đã được đưa ra, ví dụ: quy định cấm đồng bào dân tộc thiểu số chuyển nhượng đất sau khi được hỗ trợ; hoặc cấm chủ thể khác nhận chuyển nhượng đất từ đồng bào được hỗ trợ. Tuy nhiên cả hai phương án này đều ít nhiều có nhược điểm, nếu quy định cấm thì việc đồng bào dân tộc thiểu số chuyển nhượng đất là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, trong khi đây là nhóm đối tượng yếu thế, có hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đi nơi khác sinh sống thì cần cho phép chuyển nhượng để tránh bỏ hoang đất đai.

Ngoài nhóm 6 vấn đề đã chốt phương án và nhóm 6 vấn đề hệ trọng cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền nêu trên thì trong dự thảo luật vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan còn chưa thống nhất ý kiến hoặc chưa có đủ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để lựa chọn phương án tối ưu. Ngoài ra, do nhiều chính sách chưa chốt được phương án nên các quy định chuyển tiếp cũng chưa được rà soát, xử lý để tránh tạo "khoảng trống pháp luật". Chính vì vậy, quyết định chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 là cần thiết.

Đối với đề xuất của Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư (Điều 28), theo Thông báo số 3123/TB-TTKQH ngày 21/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phương án là không mở rộng so với luật hiện hành.

Lý do đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án bảo toàn quy định hiện hành là bởi khoản 31 Điều 79 dự thảo đã quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy với các dự án được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì doanh nghiệp FDI có thể tiếp cận đất đai thông qua việc Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24760.00 24780.00 25100.00
EUR 26510.00 26616.00 27788.00
GBP 30879.00 31065.00 32019.00
HKD 3122.00 3135.00 3237.00
CHF 27134.00 27243.00 28089.00
JPY 161.27 161.92 169.44
AUD 16132.00 16197.00 16688.00
SGD 18162.00 18235.00 18775.00
THB 661.00 664.00 692.00
CAD 18070.00 18143.00 18678.00
NZD   14796.00 15288.00
KRW   17.71 19.31
DKK   3559.00 3691.00
SEK   2301.00 2391.00
NOK   2281.00 2372.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ