20 năm Khu công nghệ cao TP.HCM: Thay đổi điện mạo công nghệ quốc gia

Sự hiện diện của Intel, Samsung, TTI, Nidec… cho thấy sức hút và nội lực phát triển đáng trông đợi của Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sau 20 năm.
LIÊN THƯỢNG
25, Tháng 01, 2023 | 07:00

Sự hiện diện của Intel, Samsung, TTI, Nidec… cho thấy sức hút và nội lực phát triển đáng trông đợi của Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sau 20 năm.

nang-suat-39-1411

SHTP đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển. Ảnh: SHTP

Cuộc đổ bộ của những ông lớn

Cách đây 20 năm, ngày 24/10/2002, SHTP được thành lập theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với định hướng trở thành một trung tâm kinh tế - kỹ thuật, xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài.

SHTP có diện tích 913ha, là một trong 3 mô hình khu công nghệ cao đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng ký quyết định thành lập. Đây là dự án trọng điểm của TP.HCM, được đầu tư 100% từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Và cũng là nơi huy động các nguồn lực về khoa học và công nghệ cao, hình thành lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao.

Đơn cử như sự xuất hiện của Intel. Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới đánh dấu sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam với nhà máy đầu tiên ở SHTP vào năm 2006. Tháng 12/2006, Intel điều chỉnh bổ sung đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy tại SHTP, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI lớn vào SHTP. Đến ngày 28/4/2010, nhà máy này chính thức xuất khẩu lô chipset đầu tiên.

Đánh giá về việc này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, việc tập đoàn sản xuất chip điện thoại lớn nhất thế giới xuất hiện ở SHTP đã nâng tầm vị thế công nghệ cho SHTP nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu ngày ấy, Ban quản lý SHTP không nỗ lực kéo Intel về, Việt Nam sẽ không thể trở thành quốc gia phát triển mạnh về công nghệ thông tin như ngày nay.

"Ngày ấy, Intel có 3 lựa chọn mở rộng đầu tư tại khu vực châu Á. Một là xây dựng nhà máy số 2 về chip ở Trung Quốc. Hai là ở Ấn Độ. Cuối cùng mới là SHTP. Sự lựa chọn SHTP của Intel đã biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất phụ kiện điện thoại lớn nhất thế giới. Khi cứ 3 đến 4 chipset điện thoại cung ứng ra thị trường, sẽ có một cái được sản xuất ở Việt Nam", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Không chỉ riêng Intel, 20 năm SHTP còn chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ quốc tế và Việt Nam.

Ngày 1/10/2014, Samsung HCMC CE Complex, nhà máy trực thuộc tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) chính thức được thành lập với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.

Đến quý IV/2020, dự án có tổng vốn đầu tư 650 triệu USD của Techonic Industries (TTI) chính thức được khởi công, đánh dấu sự hiện diện của nhà sản xuất thiết bị công nghiệp hàng đầu thế giới tại SHTP.

Trả lời báo chí, ông Nate Easter, Phó chủ tịch điều hành Chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm ngoài trời Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) cho biết, SHTP là một trong những địa điểm chiến lược bởi vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực TP.HCM, khả năng kết nối mạng lưới cung ứng chặt chẽ và tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao.

Dự án tại Việt Nam rất quan trọng đối với chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu của TTI. Đồng thời, dự án tại SHTP sẽ là nhà máy lớn thứ hai và cũng là nơi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn thứ hai trên toàn cầu của Tập đoàn TTI.

Ông Nate Easter, Phó chủ tịch điều hành Chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm ngoài trời Tập đoàn Techtronic Industries (TTI)

Phát triển năng lực nội sinh để đón "đại bàng"

Ông Trương Gia Bình nhận định, TP.HCM nói riêng và Việt Nam không thể phát triển đến như hiện tại, nếu không có SHTP.

"Thực tiễn chứng minh 20 năm trước đây là một vùng đất thấp và công nghệ của Việt Nam chưa có gì. 20 năm sau, nhờ nỗ lực dấn thân của tập thể, Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ số thế giới, chúng ta làm được máy bay không người lái (Drone), xe tự lái… thu hút hàng loạt ông lớn công nghệ như Intel, Samsung… cũng như rất nhiều chuyên gia quốc tế… và chúng ta trở thành trung tâm sản xuất phụ kiện công nghệ, game… hàng đầu. SHTP đóng vai trò quan trọng thức đẩy điều đó", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Còn PGS.TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP cho biết, sau 20 năm thành lập, SHTP đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

"Đến nay, SHTP  bước đầu hình thành một Trung tâm Công nghệ cao Quốc gia, nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM và là một trong 3 trụ cột của Khu đô thị sáng tạo phía Đông - TP. Thủ Đức gồm Khu Công nghệ cao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia. Sau 20 năm, tổng giá trị sản xuất công nghệ cao đạt hơn 120 tỷ USD (51 dự án FDI 10 tỷ USD), giá trị xuất khẩu đạt hơn 112 tỷ USD và tổng thu ngân sách hơn 107 tỷ USD", ông Nguyễn Anh Thi thông tin.

Người đứng đầu Ban quản lý SHTP cũng cho biết, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn 12,068 (vốn FDI 10,107 tỷ USD, trong nước 1,961 tỷ USD). Trong đó, có 23 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và 3 dự án dịch vụ công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD.

Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của SHTP ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD (xuất siêu 6,725 tỷ USD). Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.

Việc chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong SHTP không ngừng được nâng cao, đạt 117,92 triệu USD năm 2021. Bước đầu hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB... Năng suất lao động tại SHTP ước đạt 16,6 lần của cả nước.

Tuy nhiên, hiện tại, SHTP vẫn còn nhiều hạn chế. Ban Quản lý SHTP nhìn nhận những hạn chế để khắc phục và phát triển năng lực nội sinh.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư vào SHTP cần phải đảm bảo tính chủ động, có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành.

Liên quan đến chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp đang phản ánh về mức giá thuê đất tại đây là cao. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thuê đất tại SHTP được tính theo bảng giá đất của TP.HCM, ban quản lý không tự đưa ra mức giá thuê.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm). Sau thời gian xây dựng, sẽ được miễn 15 năm đối với dự án không thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng SHTP.

Còn đối với những dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư sẽ được miễn 19 năm theo chính sách ưu đãi đặc biệt (Điều 7, Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ), miễn toàn bộ tiền thuê đất, hoặc miễn từ 18-22 năm, giảm tiền thuê đất từ 55-75% tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án.

Ngoài ra, khi tham gia đầu tư vào SHTP, các nhà đầu tư sẽ được giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1-3% tổng vốn đầu tư).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ