2 thập kỷ trên thương trường của ông Trịnh Văn Quyết

Nhàđầutư
Là doanh nhân được đánh giá có tư duy khác biệt, có công lớn trong việc phát triển tại nhiều địa phương, tuy nhiên ông Trịnh Văn Quyết cũng vướng vào không ít lùm xùm, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.
TẢ PHÙ
30, Tháng 03, 2022 | 08:33

Nhàđầutư
Là doanh nhân được đánh giá có tư duy khác biệt, có công lớn trong việc phát triển tại nhiều địa phương, tuy nhiên ông Trịnh Văn Quyết cũng vướng vào không ít lùm xùm, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.

Ty-phu-Trinh-Van-Quyet-tr

Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Internet.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ngày 29/3 đã ra quyết định khởi tố, bắt thạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Theo Cơ quan công an, ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc CTCP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan có dấu hiệu "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đây là sự kiện gây rúng động dư luận cũng như thị trường tài chính, bởi ông Trịnh Văn Quyết là một trong những doanh nhân được biết đến nhiều nhất cả nước. 

Ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975) khởi nghiệp từ rất sớm. Xuất thân trong gia đình công chức nghèo tại Vĩnh Phúc, ông từng tay không bắt đầu với nhiều công việc như gia sư, kinh doanh điện thoại di động cũ, sửa chữa đồ điện tử… trước khi hoàn thành 2 chương trình học tại Học viện Hành chính Quốc gia và trường Đại học Luật Hà Nội vào năm 24 tuổi.

Quá trình hành nghề tư vấn luật với việc sáng lập Công ty Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư SMIC (năm 2001) là bước ngoặt đầu tiên của doanh nhân gốc Vĩnh Phúc. Ông đã tham gia hàng loạt vụ tranh chấp như: Honda Vietnam tranh chấp với Công ty GMN về khoản 2,2 triệu USD tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên hay giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005...

Kinh nghiệm tích lũy khi hành nghề, cùng các mối quan hệ có được từ những khách hàng lớn đã trở thành nền tảng quan trọng đầu tiên trên con đường lập nghiệp của vị tỷ phú gốc Vĩnh Phúc.

Hệ sinh thái FLC Group và những thành công cần ghi nhận

Năm 2008, ông chuyển sang làm bất động sản và thành lập Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune, với số vốn 18 tỷ đồng. Năm 2010, trên cơ sở hợp nhất các công ty thành viên, CTCP Tập đoàn FLC được thành lập, và sau đó đến năm 2011 thì niêm yết lên HNX với mã là FLC (chuyển sang HoSE năm 2013). Đây cũng là năm CTCP Xây dựng FLC Faros (tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà – HoSE: ROS) ra đời.

FLC và đặc biệt là ROS là 2 mã cổ phiếu nổi bật gắn liền với tên tuổi ông Quyết. Dù mới niêm yết vào tháng 9/2016, cổ phiếu ROS trong chưa đầy hơn 1 năm đã đạt đỉnh ở mức giá 214.100 đồng/CP (giá chưa chỉnh tính tại phiên 7/11/2017).

Năm 2017 cũng đánh dấu ông Quyết là tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với số cổ phiếu trực tiếp sở hữu trị giá 58.851 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất vào con số này là hơn 318 triệu cổ phiếu ROS. Dù vậy, Chủ tịch FLC chưa một lần xuất hiện trong danh sách xếp hạng tỷ phú của Forbes.

Sau FLC, ROS, hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết có thêm nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực lên sàn chứng khoán, như: CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (HoSE: GAB) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu; CTCP Chứng khoán BOS (HNX: ART) – chứng khoán; CTCP Nông dược H.A.I (HoSE: HAI) - nông nghiệp, hóa chất; CTCP Đầu tư Thương mại & Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) – du lịch & giải trí; CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HoSE: AMD) – dịch vụ bán lẻ.

Tuy hoạt động đa ngành nghề, song lĩnh vực kinh doanh chính ông Quyết định hướng vẫn là bất động sản, với hạt nhân là FLC. Theo đánh giá của giới địa ốc, ông Quyết được cho là người có tầm nhìn, với phương châm kinh doanh là “biến cát, đầm lầy thành vàng, thay vì biến vàng, kim cương thành đồ trang sức”.

Ngay ở dự án đầu tay, FLC chọn mảnh đất trũng, đầy cỏ dại quy mô 4.500m2 ở đường Lê Đức Thọ (TP. Hà Nội) để xây dựng cao ốc chung cư, văn phòng 32 tầng (sau này là FLC Landmark Tower) giữa bối cảnh ngành địa ốc khủng hoảng và la liệt các dự án phải "đóng băng" hoặc giải thể.

Chuyển hướng đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, với phong cách quen thuộc, ông Quyết chọn những vùng đất sơ khai tại Sầm Sơn, Quảng Bình, Quy Nhơn… thay vì tìm đến các “điểm nóng” lúc bấy giờ là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…

Sự xuất hiện của FLC có công lớn, góp phần đáng kể, tích cực về hạ tầng du lịch cao cấp, đồng bộ, qua đó giúp các địa phương này thay đổi diện mạo, nâng tầm du lịch, thu hút dòng vốn đầu tư.

Trong đó, FLC Sầm Sơn (khai trương năm 2015) – dự án nghỉ dưỡng đầu tiên của FLC, là một trong những điểm nhấn đáng chú ý. Từ vùng đất hoang vu, khu vực dự án Sầm Sơn đã trở nên sầm uất. Doanh nhân họ Trịnh từng bộc bạch: ”Khi chưa được đầu tư, đây chỉ là đầm lầy và nước sâu 10 – 20m. FLC đã hút cát và nối vào thành phố Sầm Sơn bây giờ. Đất ở đó trước từ giá 500.000/m2 đã lên đến hàng chục triệu/m2. Bản thân FLC đã bán những mảnh đất trên 20 triệu/m2 mà trước đây là đầm lầy. Rõ ràng, khuôn viên đất của FLC từ giá không đáng mấy trăm nghìn đã tăng lên rất nhiều”.

Bên cạnh bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không là một điểm nhấn được đánh giá cao của ông Trịnh Văn Quyết cùng Tập đoàn FLC. Trong giai đoạn 2014 - 2017, ông Quyết ấp ủ, lên kế hoạch chuẩn bị thủ tục và chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. 

Đến ngày 16/1/2019, Bamboo Airways chính thức cất cánh chuyến bay đầu tiên. Sau 3 năm hoạt động, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, hãng bay này nắm đến 20% thị phần nội địa. Sự tham gia của Bamboo Airways thay đổi đáng kể thị trường hàng không Việt Nam, vốn trước giờ là cuộc cạnh tranh chủ yếu giữa Vietnam Airlines và VietJet Airs.

Lùm xùm trên thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, đi kèm những thành tựu kể trên, vị doanh nhân tuổi Mão cũng dính vào không ít lùm xùm, đặc biệt liên quan đến các cổ phiếu.

Trước hết, đó là những vụ việc liên quan tới giá cổ phiếu “họ” FLC, điển hình nhất là diễn biến giảm giá liên tục của ROS, từ 200.000 đồng về 2.000 đồng/CP, dù nằm trong nhóm VN30. Không những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có những quỹ ngoại chơi theo chỉ số đã mất tiền "cay đắng" với ROS. 

Cùng thời điểm ROS giảm mạnh, cổ phiếu GAB lại giao dịch rất ấn tượng. Tính riêng năm 2020, GAB tăng đến 1.100% - mức tăng lớn nhất trên cả 3 sàn. Chốt phiên giao dịch 29/3/2022, GAB đạt 196.400 đồng/CP và là một trong các mã có thị giá cao nhất sàn HoSE.

Đáng kể nhất, ông Quyết từng dính bê bối bán chui cổ phiếu FLC 2 lần. Lần đầu vào tháng 11/2017, ông bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo HoSE. Giao dịch ông thực hiện khi thị giá FLC quanh ngưỡng 7.100 – 7.700 đồng/CP, với giá trị giao dịch ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng. Ông Quyết sau đó bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 65 triệu đồng.

5 năm sau, ông Quyết vào chiều 10/1/2022 bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin trước đó. HoSE vào ngày 11/1 đã ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Về hành vi này, như đã biết, doanh nhân quê Vĩnh Phúc đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ