Xuất khẩu thủy sản vượt khó, khởi sắc dịp cuối năm

Nhàđầutư
Theo nhịp đập của thị trường, xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu hồi phục, đạt tăng trưởng dương ở một số thị trường. Dòng chảy hàng hóa được khơi thông đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vượt qua khó khăn, có nhiều cơ hội bứt tốc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023.
NINH KHANG
18, Tháng 09, 2023 | 14:30

Nhàđầutư
Theo nhịp đập của thị trường, xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu hồi phục, đạt tăng trưởng dương ở một số thị trường. Dòng chảy hàng hóa được khơi thông đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vượt qua khó khăn, có nhiều cơ hội bứt tốc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023.

vu sinh TTX

Các mặt hàng thủy sản chế biến sâu của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Ảnh Vũ Sinh

Kim ngạch xuất khẩu được cải thiện

Theo bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng năm 2023 đạt hơn 5,8 tỷ USD, trong đó các mặt hàng chủ lực như tôm đạt 2,2 tỷ USD, cá tra đạt 1,2 tỷ USD, cá ngừ đạt 530 triệu USD, hải sản khác đạt gần 2 tỷ USD.

Phân tích cụ thể đối với các mặt hàng chủ lực, bà Lan cho hay: Về xuất khẩu tôm, tốp 5 thị trường tiêu thị tôm sú lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan; tốp 5 thị trường lớn nhập khẩu tôm thẻ lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Tuy xuất khẩu chưa có đột phá rõ rệt nhưng 3 tháng gần đây, xuất khẩu tôm có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm.

Sự khởi sắc thể hiện rất rõ ở thị trường Hoa Kỳ, khi mà doanh số xuất khẩu tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng thứ 2 liên tục.

Về xuất khẩu cá tra, trong tháng 8 đã ghi nhận mức sụt giảm ít nhất so với 6 tháng đầu năm.

Trung Quốc chiếm 32% thị phần với kim ngạch đạt 374 triệu USD, tuy giảm 30,7% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 16%; thị trường EU chiếm 10%. Các thị trường khác như Brazil, Anh, Mexico chiếm từ 3,6 – 5%. 

Mới đây, đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), đã đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ với kết quả tích cực. Đây sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong những tháng tới.

"Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vẫn chưa bằng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 đến nay, xu hướng thị trường đã có tín hiệu khởi sắc, đáng chú ý là các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đã bắt đầu tăng nhập khẩu để phục vụ cho những ngày lễ cuối năm", bà Lan nhận định.

Đồng quan điểm đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng đưa ra nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hồi phục và xu thế hồi phục được dự báo tiếp tục giữ vững đến cuối năm.

"Riêng đối với mặt hàng tôm, từ nay đến cuối năm là giai đoạn có nhiều lễ hội tại các nước, chắc chắn sức cầu tăng nên các nhà nhập khẩu cũng tăng mua tích trữ ngay từ bây giờ", ông Lực cho biết.

Ở thời điểm này nguồn cung tôm từ các nước đều giảm do đã qua cao điểm mùa vụ.

Trong khi đối với ngành tôm Việt Nam hiện nay nguồn hàng vẫn còn nhất là các sản phẩm tôm chế biến sâu, một thế mạnh của ngành tôm Việt Nam được ưa chuộng trong mùa lễ hội, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng cuối năm, ông Lực nhận định.

tom ST TC

GIá thành sản xuất nguyên liệu cao là một điểm yếu của ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh TC

Cần nỗ lực giảm chi phí giá thành

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Kiên Giang), trong những tháng đầu năm nay ngành xuất khẩu thủy sản rơi vào khó khăn kép khi đơn hàng, giá bán sụt giảm mạnh nhưng các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, lãi vay, cước vận chuyển đều tăng.

"Hiện nay, tuy thị trường đã có dấu hiệu tốt lên, nhưng nếu ngành thủy sản muốn vượt qua được khó khăn thì cần phải nỗ lực giảm giá thành sản xuất. Đáng quan tâm là hiện nay lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 4,8 – 5,2% năm, tức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Việc thanh toán bằng đồng rúp khi bán sang thị trường Nga cũng chưa thuận lợi, đây cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu", ông Minh nói.

Chia sẻ về khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết, ngày 13/4, trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đại diện VASEP đã có đề xuất với Thủ tướng về gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp dành cho ngành thủy sản.

Tuy nhiên, đến ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho thủy sản và lâm sản. Với việc chậm triển khai gói tín dụng này cũng làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.

"Tôm nuôi sinh thái và tôm khai thác tự nhiên là một mặt hàng có thế mạnh của ngành tôm Việt Nam. Thường vụ tôm này thu hoạch rộ từ tháng 3 – 6, khi đó doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để thu mua nhưng do chưa tiếp cận được vốn tín dụng nên không có tiền để mua làm cho tôm rớt giá rẻ như khoai lang. Cần lắm ngân hàng linh hoạt hạn mức để đáp ứng nhu cầu mua nguyên liệu khi giá xuống thấp", ông Hiển đề xuất .

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngành nuôi, chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh là công nghệ chế biến nhưng có điểm yếu chưa khắc phục được là giá thành tôm nguyên liệu cao hơn tôm nuôi ở Ecuador, Ấn Độ. Để khắc phục điểm yếu này cũng cần có thời gian dài hơi hơn.

"Trước mắt, tuy hàng tồn kho một số nước như Ecuador, Ấn Ðộ còn khá nhưng tập trung hàng sơ chế; cho nên hàng chế biến sâu của chúng ta có nền tảng thuận lợi bứt phá cho 3 tháng tới, nhất là vào mùa lễ hội mảng dịch vụ có nhu cầu hàng chế biến sâu tăng cao. Sự hồi phục của xuất khẩu tôm dù chưa thực sự như ý, nhưng cũng là tin vui đối với toàn ngành trong bối cảnh thị trường ảm đạm suốt hơn nửa năm nay", ông Lực nhận định.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể tôm chân trắng loại 50 con/kg nuôi ở Việt Nam có giá tối thiểu 90.000 đồng/kg, đắc hơn từ 20.000 – 33.000 đồng/kg so với tôm nuôi ở Ấn Độ, Ecuado.

Nguyên nhân là do chi phí thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng động cơ chạy bằng xăng, dầu để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện);

Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, với lãi suất cao, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của người nuôi tôm.

Đối với mặt hàng thủy sản chủ lực thứ hai sau tôm là cá tra, hiện giá thành sản xuất khoảng 26.500 - 27.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 26.200 - 26.500 đồng/kg làm cho người nuôi thua lỗ, thiếu vốn đầu tư tái sản xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ