Xuất khẩu thủy sản nhiều 'cửa sáng' cuối năm

Nhàđầutư
Theo nhận định Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), diễn biến kinh tế các thị trường lớn đã có sự hồi phục, các quốc gia nhập khẩu thủy sản có xu hướng mua hàng nhiều hơn, đây là điều kiện tốt để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam "tăng tốc" trong những tháng cuối năm.
NINH KHANG
21, Tháng 08, 2023 | 14:40

Nhàđầutư
Theo nhận định Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), diễn biến kinh tế các thị trường lớn đã có sự hồi phục, các quốc gia nhập khẩu thủy sản có xu hướng mua hàng nhiều hơn, đây là điều kiện tốt để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam "tăng tốc" trong những tháng cuối năm.

tom xuat khau

Xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh TL

Thị trường xuất khẩu đang tốt lên

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới hết tháng 7/2023 đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu 'sáng lên', tốc độ sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 6,7 đã thấp hơn các tháng trước đó.

Điển hình trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 830 triệu USD, chỉ giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi các tháng trước đó mức độ sụt giảm so với cùng kỳ lên đến trên 20%. Về góc độ thị trường, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7 tăng đến 45%. Dự trữ và tồn kho thủy sản của Hoa Kỳ đã giảm, trong khi nhu cầu trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng thêm.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP xuất khẩu thủy sản trong hơn nửa đầu năm 2023 tuy sụt giảm khoảng 30% so với năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 gần bằng với năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19), đây là một kết quả rất khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào thời điểm khó khăn.

Hiện nay, tín hiệu hồi phục kinh tế ở các thị trường lớn đã có dấu hiệu tốt lên, đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng quan điểm đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, theo tập quán tiêu dùng thì trong những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu tôm của các thị trường sẽ tăng. Mặt khác, do năm nay giá tôm rẻ nên đã kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn. Tuy nhiên, yếu tố bất lợi cho tôm Việt Nam do Ecuador tạo ra sản lượng tôm quá lớn, giá rẻ nên trong thời gian qua tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh.

"Tuy vậy, ngành tôm Ecuador cũng đang đối mặt với những thách thức do mở rộng nuôi tôm trái phép dẫn đến cung vượt cầu chất lượng không được kiểm soát. Cùng với việc giảm giá thành quá mức khiến lợi nhuận của ngành tôm Ecuador cũng sụt giảm nên không kích thích được sản xuất.

Để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, Chính phủ Ấn Độ cũng thắt chặt hơn các khoản trợ cấp của chính phủ hỗ trợ ngành tôm nhằm điều tiết sản xuất ở quy mô phù hợp với nhu cầu của thị trường. Với tín hiệu tích cực của thị trường và nguồn cung ở mức vừa phải, kỳ vọng thị trường xuất khẩu tôm sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm", ông Lực kỳ vọng.

nuoi tom st

Giá tôm nguyên liệu sựt giảm mạnh khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Ảnh TC

Nỗ lực đạt mục tiêu 10 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023 ngành xuất khẩu thủy sản đặt ra mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, hiện Bộ cũng chưa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của năm nay. 

"Báo cáo của VASEP cho biết đã có những tín hiệu tích cực về thị trường cả với tôm và cá tra. Dự trữ và tồn kho nhiều quốc gia nhập khẩu giảm, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng vào cuối năm.

Về phía các doanh nghiệp và nông dân sản xuất: Hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đang được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến dự trữ nguồn hàng nhằm tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Như vậy, cơ hội sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm đang mở ra, nếu chúng ta chớp được thời cơ để tăng tốc xuất khẩu thì mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt được", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng có những thế mạnh vượt xa đối thủ. Đặc biệt là đẳng cấp chế biến sâu của Việt Nam gần như dẫn đầu các nước xuất khẩu tôm.

"Cả nước có 374 cơ sở chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường, với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thế mạnh của ngành hàng xuất khẩu chủ lực này", ông Hòa cho hay.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn như lạm phát, chiến tranh Nga - Ukraine, thiếu hụt nguồn cung năng lượng, lãi suất tăng cao…

Những khó khăn về thu nhập, việc làm đã làm người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, chọn ăn những mặt hàng thực phẩm giá rẻ.

Trong khi đó, giá thành tôm nuôi của Việt Nam từ 4,8 - 5,0 USD/kg thì giá thành tôm nuôi Ấn Độ chỉ từ 3,4 - 3,8 USD/kg, tôm Ecuador chỉ từ 2,2 - 2,4 USD/kg. Điều này khiến cho tôm nuôi của Việt Nam nói chung và sản phẩm tôm của Minh Phú nói riêng, tiêu thụ chậm. Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam.

Để hóa giải những khó khăn về thị trường, Minh Phú gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất, đây là 3 loài tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có.

Để gia tăng sản lượng 3 mặt hàng tôm này, Minh Phú đang tập trung đẩy mạnh gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ; phát triển vùng nuôi, nâng cao công suất chế biến, tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% hiện tại lên 20%.

Minh Phú cũng đang hợp tác với các Công ty tôm bố mẹ ở Hawaii để gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.

Đồng thời Minh Phú cũng xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Về nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm, theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 là 1,16 triệu ha, tương đương cùng kỳ 2022; 9,2 triệu m3 lồng nuôi biển, đạt 89,9% kế hoạch năm 2023.

Trong đó, tôm nước lợ có diện tích nuôi lớn nhất là 705.000 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản là 2,85 triệu tấn, đạt 47,18% so với kế hoạch năm. Trong đó, tôm nước lợ đạt trên 552.000 tấn, cá tra đạt trên 900.000 tấn, vượt khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2022; nuôi biển là 329.000 tấn, đạt 49% kế hoạch.

Dự báo, diện tích nuôi trồng thủy sản trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ổn định. Tổng sản lượng nuôi có khả năng đạt thêm gần 3 triệu tấn. Trong đó, nuôi biển 470.000 tấn, nuôi thủy sản nước lợ 830.000 tấn (cá 40.000 tấn; tôm nước lợ 477.000 tấn; nuôi hổn hợp, khác 313.000 tấn); nuôi thủy sản nước ngọt 1,5 triệu tấn (cá tra hơn 719.000 tấn; rô phi 120.000 tấn; nuôi hỗn hợp, thủy sản khác 660.000 tấn). Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 có khả năng đạt trên 5,3 triệu tấn.

Theo nhận định của Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, đến thời điểm này, sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn đang tăng trưởng rất tốt, đáp ứng được yêu cầu chế biến xuất khẩu của mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2023.

Theo dự báo của VASEP, trong các tháng cuối năm 2023 yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu thực phẩm cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ xuất khẩu, VASEP cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần phát huy nội lực, ứng dụng công nghê trong sản xuất, chế biến nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn về những bất cập về thủ tục, điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, hỗ trợ về nguồn vốn cho chuỗi ngành hàng thủy sản. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ cho người nuôi để duy trì vùng nguyên liệu vì hiện nay giá bán nguyên liệu đang xuống thấp khiến cho nhiều nông hộ thiếu vốn đầu tư tái sản xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ