Xuất khẩu tôm đang đối mặt với những thách thức nào?

Nhàđầutư
Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng, tuy nhiên do chi phí giá thành sản phẩm cao nên mức lợi nhuận của chuỗi ngành hàng này rất thấp, đây là một thách thức của ngành hàng thủy sản chủ lực này trong năm 2023 và những năm tiếp sau.
AN HÒA
16, Tháng 04, 2023 | 12:59

Nhàđầutư
Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng, tuy nhiên do chi phí giá thành sản phẩm cao nên mức lợi nhuận của chuỗi ngành hàng này rất thấp, đây là một thách thức của ngành hàng thủy sản chủ lực này trong năm 2023 và những năm tiếp sau.

tom 2023

Mặc dù nguồn cung tôm nguyên liệu tại thời điểm này rất ít nhưng giá vẫn giảm mạnh. Ảnh TL

Bất thường khi "cung ít" nhưng giá vẫn giảm

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, bức tranh xuất khẩu tôm trong hơn 3 tháng đầu năm rất ảm đạm do hầu hết thị trường đều giảm nhập khẩu.

"Điều bất thường trái quy luật cung cầu trong vụ tôm năm nay là mặc dù chi phí đầu vào tăng, nguồn cung tôm nguyên liệu giảm nhưng giá bán tôm nguyên liệu chẵng những không tăng mà còn giảm mạnh, khó tiêu thụ. Hiện nay giá tôm nguyên liệu loại 30 con/kg chỉ khoảng 140.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3 nhưng cũng rất khó tiêu thụ.

Đáng quan tâm hơn là mặc dù giá tôm nguyên liệu trong nước đã xuống mức gần như thấp nhất nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 30% so với tôm của Ecuador, Indonesia, điều này đã đặt người nuôi tôm tại Việt Nam vào thế ngày càng khó khăn hơn", ông Lực cảnh báo.

Là một doanh nhân có trên 30 năm kinh nghiệm nuôi, chế biến xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú nhận định: ngành tôm Việt Nam đã đi trước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia từ 3 - 4 năm về công nghệ chế biến. Tuy nhiên, lợi thế này đang ngày càng bị thu hẹp.

"Cho dù chúng ta hơn các quốc gia xuất khẩu tôm khác ở công nghệ chế biến nhưng chi phí nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của ta cao nên dẫn đến chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn 30% so với các nước đối thủ. Mặt khác, giá nhân công ngành tôm Ấn Độ-quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam, chính điều này thôi thúc chúng ta phải thay đổi toàn diện ngành tôm, nếu không thì ngành tôm Việt Nam sẽ  đi trước nhưng về sau", ông Quang trăn trở.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm cả nước chỉ đạt 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu tôm không chỉ giảm mạnh trong Quý I mà còn được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong Quý II do các nhà nhập khẩu vẫn đang tồn kho số lượng lớn và một số quốc gia xuất khẩu tôm khác đang vào vụ thu hoạch mới.

"Thông thường, đến đầu Quý II hàng năm, các doanh nghiệp đã có đơn hàng giao đến Quý IV, nhưng năm nay phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa ký được đơn hàng lớn, chủ yếu là đơn hàng nhỏ, giao nhanh nhưng giá bán rất thấp nhằm cố gắng duy trì được hoạt động, giữ chân lao động để chờ thị trường hồi phục", Tổng thư ký VASEP cho hay.

Chia sẻ tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm "VietShrimp 2023" do Hội Nghề cá Việt Nam, UBND TP. Cần Thơ và Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức vào cuối tuần qua tại Cần Thơ, bà Shirlene Maria Anthonysamy - Chủ tịch Tổ chức Liên Chính phủ về Thông tin Tiếp thị và Dịch vụ tư vấn Công nghệ thủy sản - Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INFOFISH) cho biết, tôm là loài thủy sản được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới, tôm đóng góp 16% vào thương mại toàn cầu.

"Theo FAO, sản lượng tôm toàn cầu đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, đạt gần 9 triệu tấn, cao hơn nhiều so với con số ước tính khoảng 6 triệu tấn trước đó.

Ngành nuôi trồng thủy sản chiếm gần 70% nguồn cung thủy sản toàn cầu chủ yếu là do tôm thẻ chân trắng chiếm gần 70% sản lượng tôm nuôi toàn cầu. Châu Á vẫn là khu vực sản xuất tôm nuôi chính là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Như vậy, mặc dù nguồn cung tôm tại Việt Nam đang sụt giảm do giảm diện tích nuôi nhưng sản lượng tôm thương mại toàn cầu lại tăng mạnh. Điều này càng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh hơn cho ngành nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam", bà Shirlene Maria Anthonysamy lưu ý.

tom ngay 16-4

Giá tôm xuống thấp, diện tích thả nuôi tôm vụ mới giảm, doanh nghiệp chế biến lo thiếu nguyên liệu để chế biến. Ảnh TC

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ có nhiều thay đổi khi mà thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ hàng tồn kho còn lớn, giảm nhu cầu nhập khẩu do lạm phát. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang EU cũng không tích cực do tác động chiến tranh Nga-Ukraine. Nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đã chậm lại do kinh tế khó khăn. Duy chỉ có thị trường Nhật Bản, dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023.

"Với diễn biến thị trường như vậy, dự báo xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ còn rất khó khăn, nhu cầu chỉ có thể bắt đầu phục hồi từ Quý II nhưng xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu muốn "trụ được" thì phải có chiến lược tối ưu chi phí, tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng; chuyển hướng sang xuất khẩu sản phẩm đặc thù như tôm rừng, tôm lúa; chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường", ông Hòe khuyến cáo.

Nhận định về cơ hội thách thức của ngành hàng tôm xuất khẩu, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, Việt Nam hơn nhiều quốc gia khác trong đa dạng mô hình nuôi tôm, nhất là sản phẩm tôm - rừng, tôm - lúa, chất lượng rất tốt, bền vững với môi trường.

Tuy nhiên, do vùng nuôi chưa được quy hoạch tập trung, mức đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi, sản xuất con giống, ứng dụng công nghệ thông tin vawfo vùng nuôi còn thấp, trong khi giá chi phí đầu vào tăng cao nên giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ.

"Như vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm thì Nhà nước cần quy hoạch những vùng nuôi tôm tập trung lớn có kênh cấp nước, thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông - điện - nước hoàn chỉnh; gia hóa tôm bố mẹ theo hướng chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam. Kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ thông qua nuôi; ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu quá chi phí sản xuất. Hiện nay, trình độ chế biến của các nhà máy tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nếu chúng ta có được nguồn nguyên liệu chất lượng, giá thành thấp thì năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm sẽ tốt hơn", ông Quang đề xuất. 

Theo ông Ngô Tiến Chương - Chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), sự phát triển vượt bậc của nuôi tôm nước lợ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua đã góp phần vào phát triển kinh tế cho Việt Nam, tuy nhiên, mặt trái đã có những tác động môi trường từ sản xuất thiếu bền vững. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam, đòi hỏi phải có sự quản trị tốt về môi trường, đặc biệt về sử dụng đất, chất lượng nước, thức ăn, nguồn cung cấp giống và công nghệ áp dụng…

Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thừa nhận, chuỗi ngành hàng sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu đang tồn tại những hạn chế: giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao; phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; việc thực thi pháp luật trong nuôi tôm còn hạn chế cùng với một số thách thức mới về thị trường xuất khẩu.

"Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp trọng tâm năm 2023 như tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật thuỷ sản 2017; triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt; tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ; tiếp tục làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm tập trung...", ông Khôi cho biết.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu thả nuôi 750.000ha tôm các loại; sản lượng dự kiến đạt trên 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn, còn lại là tôm khác với kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD, tương đương với năm 2022.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ