Xuất khẩu nông sản liệu có đạt 40 tỷ USD?

Tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I đạt con số kỷ lục trong 13 năm qua. Toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 40-40,5 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD). Giữa lúc thiên tai diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản cần giải cứu, Bộ NN&PTNT làm gì để đạt con số trên?
NAM KHÁNH
07, Tháng 04, 2018 | 09:12

Tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I đạt con số kỷ lục trong 13 năm qua. Toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 40-40,5 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD). Giữa lúc thiên tai diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản cần giải cứu, Bộ NN&PTNT làm gì để đạt con số trên?

5A_GPVX

Thủy sản là một trong lĩnh vực góp phần quan trọng giúp toàn ngành nông nghiệp hướng mục tiêu xuất khẩu 40-40,5 tỷ USD năm 2018. Ảnh: Bình Phương. 

Những “ngôi sao” bất ngờ

Theo Bộ NN&PTNT, quý I/2018 GDP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng tới 4,05%, mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu trong quý này toàn ngành cũng đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,4% mục tiêu của 2018.

Đóng góp tốc độ tăng trưởng trên, ngành trồng trọt nổi lên như một điểm sáng, tăng tới 5,16%. Đáng lưu ý, ngành hàng lúa gạo sau năm 2017 “thức tỉnh” và bật dậy bất ngờ, 3 tháng đầu năm nay tiếp tục giữ nhịp tăng. Tổng sản lượng lúa cả nước ước đạt gần 11,2 triệu tấn, tăng trên 570 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt được cải thiện. Dự báo xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt 6,5 triệu tấn.

Trong khi đó, một “ngôi sao đang lên” khác chính là rau quả, khi kim ngạch xuất khẩu trên 930 triệu USD ngay trong quý I, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2017. Còn hai “ông lớn” khác là thủy sản và gỗ đều tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,87 tỷ USD.

Năm nay, dù gặp nhiều rào cản về thị trường, đặc biệt là vấn đề thuế chống bán phá giá của Mỹ áp với tôm, cá tra, “thẻ vàng” của EU... Tuy nhiên, thủy sản là lĩnh vực được đặt mục tiêu với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD.  

Nhìn về bức tranh tổng thể xuất khẩu nông sản năm nay, trao đổi với PV Tiền Phong ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex - doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản hàng đầu Việt Nam cho rằng, có nhiều “cửa sáng” để hướng đến mục tiêu 40 tỷ USD toàn ngành.

Ông Nam cho biết, năm ngoái, cà phê Việt Nam mất mùa, sản lượng chỉ 1,5 triệu tấn, nhưng trên thế giới cung vượt cầu, nên giá có giảm. Đây cũng là điều bất lợi cho năm 2018, khi dự báo nguồn cung của Việt Nam dự kiến tăng lên khoảng 10% so năm 2017.

“Năm ngoái, giá bình quân cà phê khoảng 45 nghìn đồng/kg, nhưng hiện đã giảm còn khoảng 36-37 nghìn đồng/kg. Do vậy, nếu mức giá có cải thiện hơn mức giá hiện tại, cộng với sản lượng khả năng tăng lên, kim ngạch cũng chỉ ở mức xấp xỉ năm 2017, đạt khoảng trên 3,2 tỷ USD”- ông Nam nói.

 Cũng theo ông Nam, về mặt hàng điều, hiện cung vẫn không đủ cầu, nên hy vọng giá sẽ tăng thêm so với hiện nay. Còn mặt hàng gạo, năm nay, nhu cầu cũng đang tăng lên, nên kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 6 triệu tấn. “Bên cạnh trái cây, thuỷ sản, cao su đang tăng nhanh, nếu giá trị xuất khẩu cà phê, điều, gạo… tăng 5-10%, có thể góp phần tăng kim ngạch chung của ngành, với mục tiêu khoảng 40 tỷ USD trong năm 2018”- ông Nam nhận định.

Không giúp dân kiểu giải cứu, xót thương

Theo ông Đỗ Hà Nam, nông nghiệp dư địa đang rất tốt, tuy nhiên khâu yếu nhất chính là chế biến. Theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT, nông nghiệp đang phải đứng trước “4 chữ T”: Thiên tai và thị trường. Do vậy, ông đề xuất cần có quy hoạch sản xuất và có hỗ trợ cho những vùng đất diện “thích nghi”. Dẫn thí dụ từ vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, ông Ngọ nói: “Trước đây chúng ta có khoán chui, bây giờ đừng để dân làm chui nữa, mà dân làm chui là khổ lắm đấy”.

Ông Ngọ cho rằng, bên cạnh bức tranh “màu xám” của thiên tai năm 2017, có sự bứt phá, thắng lợi toàn diện của nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản. Thực tế, nhiều mô hình chuyển đổi thích ứng với thực trạng hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như lúa-tôm, lúa-cây ăn quả... cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. “Thậm chí, mấy năm vừa rồi, người trồng lúa tủi thân lắm, nhưng năm 2017, cũng chưa có năm nào, người dân vui vẻ vì giá cao, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn”- ông Ngọ nói.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, để đạt mục tiêu tăng nói trên, giải pháp ưu tiên số 1 là thị trường, thậm chí trên cả vấn đề thiên tai. Cũng theo ông Tuấn, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản. Trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phải vào cuộc quyết liệt, bám sát kịch bản tăng trưởng lĩnh vực, theo dõi để chủ động có giải pháp, nhằm đảm bảo mục tiêu cán đích đã đề ra.

 Những con số năm ngoái và quý 1 năm nay đã đem đến nhiều hy vọng về sự đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều loại nông sản đến mùa lại phát động giải cứu, như: Củ cải, chuối, hành tím, dưa hấu, lợn..., thậm chí tồn dư mía đường cao; đủ loại chất cấm tràn lan trong chăn nuôi; không biết Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ xoay xở ra sao để đạt được mục tiêu đặt ra xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm nay đạt khoảng 40 tỷ USD?

(Theo Tiền Phong)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ