Xu hướng đầu tư thông qua các quỹ sẽ phát triển?

Nhàđầutư
Tỷ lệ nhà đầu tư trực tiếp ở Việt Nam còn cao, trong khi vai trò của uỷ thác đầu tư, đầu tư chứng chỉ quỹ, thông qua các quỹ còn thấp. Đây là dư địa phát triển rất lớn trong thời gian tới của loại hình này.
KHÁNH AN
26, Tháng 01, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Tỷ lệ nhà đầu tư trực tiếp ở Việt Nam còn cao, trong khi vai trò của uỷ thác đầu tư, đầu tư chứng chỉ quỹ, thông qua các quỹ còn thấp. Đây là dư địa phát triển rất lớn trong thời gian tới của loại hình này.

TOAN

Các chuyên gia trao đổi tại Talkshow Phố Tài chính.

Năm 2021 được đánh giá là một năm hoạt động hiệu quả của các công ty quản lý quỹ cũng như các quỹ đầu tư ở Việt Nam. Số lượng quỹ cũng tăng theo cấp số nhân cho thấy nhu cầu rất lớn từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ hiện chỉ chiếm 5,5% GDP, con số này còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Trả lời trong Talkshow Phố Tài chính vào tối ngày 24/1, ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ, UBCKNN và ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết các quỹ còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các quỹ nói chung ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Long: Hoạt động quản lý quỹ nói riêng hay một thị trường quản lý quỹ của Việt Nam được chia ra nhiều thời kỳ, giai đoạn đầu tiên là những giai đoạn sơ khởi, chỉ có một vài công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên kể từ khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015 trở lại đây, chúng ta thấy sự phát triển rất rõ nét của các công ty quản lý quỹ. 

Tới cuối năm 2021, quy mô của thị trường đang có 5,5% GDP là số lượng chưa kiểm toán, tổng tài sản quản lý của toàn bộ thị trường khoảng 572.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2020, đây là một mức tăng ấn tượng. Hiện nay có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, có 70 quỹ đầu tư chứng khoán trên toàn bộ thị trường, trong đó riêng năm 2021 vừa rồi có 14 quỹ được thành lập với tổng số vốn huy động ban đầu là 1.500 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Phan Dũng: Thị trường chứng khoán năm 2021 tăng trưởng rất mạnh mẽ giúp các danh mục của chúng tôi cũng có những kết quả rất tốt. Các cơ sở pháp lý hình thành, đặc biệt là sự cho phép thành lập quỹ mở, quỹ ETF trên thị trường đã tạo ra một xu hướng, hỗ trợ nền tảng pháp lý cho các công ty quản lý quỹ chúng tôi sản xuất ra các quỹ phù hợp với nhu cầu thị trường. Đơn cử như quỹ mở SSI – SCA của chúng tôi đã đạt hiệu suất 49,9% năm 2021. Lũy kế là hơn 220% trong vòng 4 năm hoạt động, bình quân mỗi năm tỷ suất lợi nhuận khoảng 17,5%. Hoặc như quỹ ETF, SSI VNFIN LEAD của chúng tôi ra đời vào năm 2020 cũng đạt tỷ suất lợi nhuận là 61% trong năm 2021 và bình quân lũy kế mỗi năm khoảng hơn 50%.

Hiện nay đã có không ít nhà đầu tư đầu tư thông qua quỹ, nhưng vẫn còn nhiều người lại thích tự đầu tư, theo ông nguyên nhân là gì?

Ông Nguyễn Quang Long: Thói quen tự đầu tư của người dân là một thói quen đã hiện hữu qua một khoảng thời gian lâu dài. Tuy nhiên bản thân chúng ta chỉ đủ kiến thức lẫn thời gian để nghiên cứu khoảng 5-7 hoặc nhiều người có nhiều thời gian hơn thì nghiên cứu khoảng 15-20 mã cổ phiếu. Nhưng không phải năm nào cũng có thể đầu tư được tốt. Khi đã tham gia vào thị trường chứng khoán để hưởng lợi thì xu hướng mua chứng chỉ quỹ hoặc ủy thác danh mục dài hạn sẽ phát triển.

Ông Nguyễn Phan Dũng: Ở trên các thị trường chung trong khu vực, đặc biệt các thị trường Châu Á, tâm lý nhà đầu tư nói chung thường vẫn rất ưa thích tham gia trực tiếp vào thị trường chứng khoán để mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên ở các thị trường nước ngoài, đại bộ phận các nhà đầu tư ngoài tham gia trực tiếp họ vẫn hoạch định, phân bổ một phần tài sản vào các danh mục, các quỹ đầu tư chứng khoán, hay ủy thác khoản đầu tư phần lớn trong tài sản của họ cho các chuyên gia. 

Ở các nước phát triển, người dân có xu hướng đầu tư vào các quỹ uy tín để giảm thiểu những rủi ro. Liệu Việt Nam có theo xu hướng này không?

Ông Nguyễn Phan Dũng: Việt Nam sẽ đi theo hướng như vậy. Theo thống kê, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ lên đến khoảng 30 triệu người trên dân số hơn 100 triệu dân trong vòng 10 năm tới. Khi đời sống kinh tế và mức phát triển nâng lên bậc mới thì việc hoạch định tài chính cho cá nhân, gia đình sẽ được cân đối. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, tôi nghĩ dư địa cho cả thị trường lẫn cho các công ty quản lý quỹ vẫn còn rất lớn.

Theo tôi được biết, chỉ có khoảng hơn 200.000 nhà đầu tư hiện tại là đang mua chứng chỉ quỹ trên thị trường. Tuy nhiên số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam là khoảng 4 triệu tài khoản, tương đương 4% tổng dân số Việt Nam. Tổng tài sản quản lý trên GDP của Việt Nam khoảng 5,5%, đây là ngưỡng tương đối thấp so với ngưỡng khu vực, đơn cử như ở khu vực Châu Á, tỷ lệ tổng tài sản quản lý trên GDP của Ấn Độ khoảng 15%, của Thái Lan là 38%, Malaysia là hơn 50%, Trung Quốc trên 10%, điều này cho thấy dư địa của Việt Nam còn rất lớn. 

Nhiều nhà đầu tư thắc mắc rằng số tiền của họ liệu có bị mất hay không nếu không may công ty quản lý quỹ gặp vấn đề?

Ông Nguyễn Quang Long: Trong lịch sử hình thành thị trường quản lý quỹ trên thế giới đã từng xảy ra nhiều trường hợp khi công ty quản lý quỹ bị phá sản thì nhà đầu tư mất trắng tiền. Vì vậy, ở trên thế giới hiện nay và kể cả Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc phải tách bạch tài sản giữa tài sản công ty quản lý quỹ và tài sản quỹ đầu tư chứng khoán hay tài sản của nhà đầu tư. Tất cả tài sản phải được lưu ký tại phía ngân hàng lưu ký, đứng tên quỹ đầu tư chứng khoán chứ không đứng tên của công ty.

Vì vậy, hiện nay nếu trong trường hợp công ty quản lý quỹ gặp vấn đề rủi ro dẫn đến không thể hoạt động hoặc bị phá sản thì tài sản của nhà đầu tư vẫn còn nguyên, và được lưu ký tại ngân hàng lưu ký. Đồng thời các tài sản này là được giám sát bởi ngân hàng giám sát. 

Đâu sẽ là những giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động quỹ, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Long: Khuôn khổ pháp lý dành cho thị trường quản lý quỹ đã tương đối ổn định, trong thời gian rà soát lại văn bản, chúng tôi đã cập nhật những vướng mắc khó khăn và đưa vào các thông tư mới để thị trường có khuôn khổ hoạt động một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý và giám sát các công ty quản lý quỹ trong việc thực thi các quy định pháp luật, nhằm đảm bảo các công ty quản lý quỹ hoạt động theo đúng quy định và đúng khuôn khổ pháp luật, để cho nhà đầu tư yên tâm trong việc mua chứng chỉ quỹ của các công ty quản lý quỹ được cấp phép hoặc ủy thác tài sản cho công ty quản lý quỹ. 

Ông Nguyễn Phan Dũng: Ở góc độ là công ty quản lý quỹ, chất lượng sản phẩm liên quan đến tỷ suất lợi nhuận rất là quan trọng. Lợi nhuận phải bền vững qua quá trình dài, điều đó sẽ thể hiện sự uy tín. Thứ hai là các công ty quản lý quỹ bao gồm của chúng tôi sẽ liên tục cải thiện, mang tới trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng một cách thân thiện nhất. Ba là trách nhiệm chung, trách nhiệm về đào tạo kiến thức cho thị trường, cho các nhà đầu tư. Về cơ bản, Việt Nam đã bắt đầu có những dải sản phẩm tương đối, tuy nhiên dư địa vẫn còn rất lớn, từ quỹ mở, quỹ ETF cho đến quỹ hữu trí gần đây đã có khung pháp lý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ