Xóa nợ thuế: Cân nhắc kỹ!

Khoanh hay xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cần cẩn trọng, nhằm tránh các trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật làm thất thoát nguồn thu ngân sách.
ThS-LS Nguyễn Đức Nghĩa
11, Tháng 11, 2019 | 09:00

Khoanh hay xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cần cẩn trọng, nhằm tránh các trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật làm thất thoát nguồn thu ngân sách.

Theo dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là Nghị quyết xử lý nợ thuế ) có 7 nhóm đối tượng nợ thuế trước ngày 1-7-2020 sẽ được xem xét xử lý. Thế nhưng, nguyên nhân làm cho các nhóm đối tượng này nợ thuế có thể là khách quan hoặc cố tình. Vì thế, trước khi thông qua Nghị quyết xử lý nợ thuế, Quốc hội cần tính toán kỹ từng đối tượng được khoanh nợ gốc hoặc được xóa tiền phạt, tiền chậm nộp.

Xem xét tài sản còn lại

Một đối tượng mà Nghị quyết xử lý nợ thuế nhắm đến là người nộp thuế đã chết. Tuy nhiên, trên thực tế người này có thể vẫn còn tài sản và con, vợ hoặc chồng của họ sẽ là người thừa kế tài sản này.

no-thue

Xoá nợ thuế cần cân nhắc tới những trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật làm thất thoát nguồn thu

Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế có trách nhiệm xử lý tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Do đó, xét về mặt logic thì trước hết tài sản phải được sử dụng cho việc thanh toán nợ (kể cả nợ thuế), sau đó mới phân chia cho những người thừa kế.

Tuy vậy, dưới góc độ nhân văn, Nghị quyết xử lý nợ thuế vẫn có thể quy định xóa tiền phạt, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế đã chết, còn nợ thuế gốc thì khoanh lại nếu người đó còn tài sản, bất luận giá trị tài sản còn lại ít hay nhiều hơn số nợ gốc. Bởi lẽ, đây là nguyên tắc khách quan, công bằng của pháp luật. Mặt khác, nợ thuế cũng như các khoản nợ khác đều phải thực hiện phù hợp với khả năng thanh toán của người nộp thuế. Do đó, khi tài sản của người đã chết bảo đảm cho trách nhiệm trả nợ thì người thừa kế mới có trách nhiệm trả nợ thay. Còn nếu tài sản đó là tài sản chung thì phần giá trị tài sản của người đã chết phải gánh trách nhiệm thanh toán nợ thuế.

Doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản còn nợ thuế; DN nợ thuế do thiên tai, dịch bệnh…; hoặc cố tình nợ thuế rồi bỏ trốn cũng là nhóm đối tượng cần lưu ý. Bởi hiện nay, các quy định về giải thể, phá sản chưa có sự liên kết, thống nhất giữa Luật DN và Luật Phá sản. DN còn nợ thuế thường không được cơ quan thuế chấp nhận xóa mã số thuế để giải thể DN. Còn đối với DN yêu cầu phá sản, các quản tài viên (cá nhân có chứng chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của DN mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản) thường thận trọng với số nợ thuế. Họ chỉ chấp thuận DN phá sản khi có sự đồng ý của cơ quan thuế. Thế nhưng, do công tác kiểm soát hoạt động và yêu cầu kiểm toán định kỳ của DN chưa được đề cao nên việc xử lý DN phá sản không dễ. Như thế, nếu pháp luật thắt chặt các yếu tố này thì việc xử lý nợ thuế đối với DN giải thể, phá sản mới đi vào thực chất.

Riêng DN nợ thuế do thiên tai, dịch bệnh..., việc xóa tiền phạt, tiền nộp chậm, khoanh lại nợ gốc và được phép gia hạn nợ gốc là hợp lý, nhân văn. Bởi lẽ, sau khi khôi phục hoạt động, DN có thể hoàn trả số nợ thuế gốc. Còn nhóm DN cố tình nợ thuế và đã bỏ trốn, nhà nước cần triệt để thu hồi, các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp phải tiếp tục áp dụng. Trường hợp DN có số nợ thuế quá lớn, nhà nước có thể xem xét truy tố hình sự mới bảo đảm tính công bằng, nhất quán pháp luật về thuế.

Không nên khoanh nợ thuế GTGT

Một đối tượng khác mà nhiều người hết sức quan tâm là có nên khoanh nợ cho DN nợ thuế giá trị gia tăng (GTGT). Căn cứ vào mục đích điều tiết của nhà nước thì thuế có 2 loại là thuế trực thu (thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế tài sản…) và thuế gián thu (GTGT, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu...). Riêng thuế gián thu là hình thức thuế gián tiếp thông qua một đơn vị trung gian (thường là các DN) để thu từ người tiêu dùng. Trong thuế gián thu, người nộp thuế không phải là người chịu thuế mà họ là người thu hộ cho nhà nước phần nghĩa vụ thuế của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Do thuế GTGT là một trong các loại thuế gián thu nên người bán hàng phải có trách nhiệm nộp ngay lập tức số tiền thuế này vào ngân sách. Việc DN không kê khai hay không nộp số tiền thu hộ thuế GTGT là các hành vi vi phạm pháp luật, có thể xem là yếu tố cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự. Do đó, nợ thuế GTGT cần phải được truy thu triệt để, có thể cho khoanh nợ nhưng vẫn phải thu tại thời điểm thích hợp. Điều đó bảo đảm sự công bằng cho các DN làm ăn chân chính tuân thủ pháp luật, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian dối làm thất thoát nguồn thu ngân sách.

Việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là chủ trương đúng đắn nhưng cần cẩn trọng, nhằm tránh các trường hợp lợi dụng chính sách này. Chính vì thế, việc thẩm định đề nghị xử lý nợ thuế của cơ quan thuế cần được thực hiện bởi các đơn vị kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế độc lập có uy tín, nhằm bảo đảm số liệu khách quan phù hợp với thông lệ quản lý tài chính hiện đại. 

Theo NLD

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ