Vua hồ tiêu: Doanh nghiệp cần bước ra khỏi 'vỏ ốc' để tìm cơ hội

Nhàđầutư
Tiếp cận và xúc tiến những thị trường chưa từng "đặt chân" đến, đồng thời sáng tạo những sản phẩm độc đáo có giá trị cao phục vụ trong nước và xuất khẩu, đó là cách mà 'vua hồ tiêu' Phúc Sinh vượt qua năm khủng hoảng kinh tế và ghi nhận doanh thu kỷ lục 220 triệu USD.
PHƯƠNG LINH
22, Tháng 01, 2023 | 08:30

Nhàđầutư
Tiếp cận và xúc tiến những thị trường chưa từng "đặt chân" đến, đồng thời sáng tạo những sản phẩm độc đáo có giá trị cao phục vụ trong nước và xuất khẩu, đó là cách mà 'vua hồ tiêu' Phúc Sinh vượt qua năm khủng hoảng kinh tế và ghi nhận doanh thu kỷ lục 220 triệu USD.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, từ tháng 10/2022, xuất khẩu hồ tiêu cho thấy sự khởi sắc trở lại, nhưng chưa được như kỳ vọng. Thị trường nhìn chung tiếp tục giảm do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc.

Bên cạnh đó xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát tăng cao tại nhiều nước và sự mất giá đồng tiền của các nước nhập khẩu so với đồng USD. Ngoài những yếu tố kể trên, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn.

Trước bối cảnh khó khăn đó, việc các doanh nghiệp tự tìm ra thị trường mới và sáng tạo cũng như đa dạng hóa sản phẩm là điều thực sự cần thiết. 

"Không ngại lăn lộn" tìm thị trường 

Trò chuyện với phóng viên Nhadautu.vn, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group (người được mệnh danh là Vua hồ tiêu) tiết lộ, năm 2022 là một năm đầy thách thức nhưng cũng là năm đánh dấu bước đột phá của công ty khi doanh thu chạm mức kỷ lục 220 triệu USD, tăng 30% so với năm 2021.

Phan-minh-thong

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group. Ảnh: Phúc Sinh Group

Với sự nỗ lực, không ngại gian khó và "không ngại lăn lộn" như ông Thông nói, 'Vua hồ tiêu' không những vượt qua thời gian khủng hoảng kinh tế, mà còn tiến xa hơn với thị trường quốc tế.

Trải qua hơn 21 năm xây dựng và phát triển, với 17 năm đứng hàng đầu ngành gia vị Việt Nam và đứng top đầu xuất khẩu tiêu trên thế giới, Phúc Sinh đã "phải vượt qua rất nhiều thách thức, trải qua 3 cuộc khủng hoảng trên thế giới".

Tuy nhiên, tính thích nghi, tính năng động là những yếu tố giúp Phúc Sinh vượt qua khó khăn.

Chủ tịch Phúc Sinh chia sẻ, để giữ vững vị trí trong suốt bao năm qua, công ty đã phải luôn nỗ lực tìm tòi, tiếp cận với tất cả những khách hàng khác nhau trên thế giới, thích nghi với các nền văn hóa như châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Á.

"Để cho khách hàng chấp nhận là việc không hề đơn giản, do đó chúng tôi phải luôn sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến bao bì, cải tiến sản xuất," ông nói.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 lan rộng, thị trường gần như "đóng băng", các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí là phá sản. Thời điểm đó, người dân sẽ chỉ tập trung vào nhu cầu cấp thiết là thực phẩm và y tế.

Chủ tịch Phúc Sinh cho rằng, công ty có sự may mắn nhất định so với nhiều anh chị em cũng là doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa khách hàng cũng là lợi thế của Phúc Sinh.

Năm 2022, dù tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, thế nhưng lạm phát và ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine vẫn là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, đây lại là năm đánh dấu bước đột phá của Phúc Sinh, với mức tăng trưởng từ 30-35% cả về doanh số lẫn số lượng.

"Vì nghĩ rằng là một năm khó khăn sau đại dịch nên chúng tôi đã nỗ lực hết mình để tiếp cận các khách hàng nhỏ lẻ trên thế giới," ông Thông chia sẻ.

K-coffee

 

Tôi đi tiếp cận thị trường mới lúc mọi người chưa ai muốn đi và xúc tiến các nước mà chưa ai bán như Trung Đông giàu có

Chủ tịch Phúc Sinh Group

"Vua hồ tiêu" dẫn chứng năm qua công ty xuất khẩu sang châu Âu tăng 40%, châu Mỹ 30%, châu Á 30% và đạt doanh thu chạm kỷ lục 220 triệu USD, tăng trưởng 30% so với năm 2021.

Thoát ra khỏi "vỏ ốc"

"Mặc dù năm qua thị trường bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukaine, nhưng Phúc Sinh đã tự tìm ra thị trường ngách như Qatar, Dubai, Ả Rập Xê-út và họ rất chuộng cà phê cao cấp của Việt Nam. Năm 2022 cũng là năm chúng tôi xây dựng nhà máy, tìm ra các sản phẩm mới," Chủ tịch Phúc Sinh cho hay.

Lâu nay mọi người biết nhiều về hạt tiêu Phúc Sinh, nhưng trên thực tế, Phúc Sinh cũng xuất khẩu một lượng lớn cà phê Việt Nam ra nước ngoài. Mỗi năm, Phúc Sinh Group xuất khẩu từ 60.000 - 70.000 tấn cà phê nguyên liệu, nằm trong top 4 các nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. 

Chưa dừng ở đó, bước tiến mới trong hoạt động của Phúc Sinh là tham vọng lấn sâu hơn vào kinh doanh cà phê nội địa, vốn là thị trường khốc liệt với đủ mọi loại sản phẩm của nhiều doanh nghiệp quốc tế. 

Theo người đứng đầu Phúc Sinh Group, lâu nay nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã quen uống cà phê trộn hương liệu, phụ gia, không rõ nguồn gốc. Trong khi Việt Nam có bạt ngàn cà phê, nhiều loại có thể nói là thơm ngon nhất thế giới, thì người tiêu dùng Việt Nam lại không có nhiều cơ hội được thưởng thức cà phê ngon, chất lượng cao như khách hàng nước ngoài. 

Trăn trở với thực trạng này, cùng với việc hồ tiêu không ngừng rớt giá từ năm 2017, năm 2018 Phúc Sinh Group đã đưa vào hoạt động Nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La.

Theo Chủ tịch Phúc Sinh Group, dòng sản phẩm Arabica Blue Sơn La K Phúc Sinh cao cấp ra mắt, đã khai mở chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê gắn với doanh nghiệp làm nền tảng, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã áp dụng các tiến bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Nói về dư địa thị trường, ông Thông nhận định năm 2023 nhu cầu về gia vị sẽ bùng nổ, đặc biệt là hồ tiêu. Phúc Sinh đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 là 305 triệu USD.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, dự kiến nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua hạt tiêu để bù đắp cho lượng hàng bị thiếu hụt trong suốt thời gian thực hiện chính sách "Zero-COVID" kéo dài.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định Việt Nam đang có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác nhờ các FTA. Với cương vị là doanh nghiệp đầu ngành, Chủ tịch Phúc Sinh Group khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh vào sản xuất, chế biến.

"Tôi nghĩ rằng đó là chìa khóa lớn và chúng ta phải vượt ra ngoài Việt Nam, hãy đi thăm thật nhiều khách hàng, tiếp cận với các thị trường quốc tế. Chúng ta phải bước ra khỏi 'vỏ ốc' của mình, bước ra thị trường thế giới thì mới có nhiều cơ hội", ông nói.

Chủ tịch Phúc Sinh Group cũng kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm mới mẻ trong ngành sản xuất, chế biến gia vị, thực phẩm bởi đó là một trong những ngành chủ yếu của Việt Nam cũng như ngành trọng yếu trên thế giới.

Tháng 4/2022, Phúc Sinh ra mắt loạt sản phẩm mới gồm các dòng cà phê K Fitter Blue Sơn La, trà Cascara Blue Sơn La, cà phê K Happy & K Life, K Black, K Morning, đặc biệt là tiêu hồng sấy lạnh K Pepper.

Sản phẩm Blue Son La là dòng cà phê được lựa chọn từ những hạt cà phê Arabica ngon nhất của vùng cà phê đặc sản Sơn La và phân phối khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, Phúc Sinh đã tạo ra thói quen mới trong việc uống café Arabica cho người Việt Nam.

Trong khi đó, trà Cascara là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam được làm từ 100% vỏ quả cà phê Arabica chín đỏ, được hái trực tiếp thay vì tuốt cành và sàng lọc kỹ lưỡng, ứng dụng thuật sấy khô và tách vỏ hiện đại của Colombia để sản xuất.

Sản phẩm này không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Sản phẩm sáng tạo này đang góp phần nâng cao đời sống người địa phương khi tạo công ăn việc làm cho họ, tăng thu nhập trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19. Theo đó, 1.800 hộ dân của 15 bản thuộc 6 xã huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện đang tham gia vào chuỗi sản xuất này.

Vỏ cà phê vốn chỉ được coi là phụ phẩm nông nghiệp, giờ đã trở thành thứ thức uống mang lại giá trị cao với cơ hội phát triển rộng mở. Từ tháng 2/2022, châu Âu đã cho phép nhập trà cascara vào thị trường này.

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ